Vĩnh Thạnh mùa xuân này
11:54', 1/2/ 2008 (GMT+7)

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Vĩnh Thạnh. Mùa xuân của đất trời và của lòng người đang phơi phới niềm vui khi cuộc sống ngày càng khởi sắc. Thị trấn Vĩnh Thạnh non trẻ với những công trình đang xây dựng ngổn ngang; công trình hồ thủy lợi Định Bình đang được xây dựng vào giai đoạn cuối; đề án cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Tà Súc của huyện được triển khai thực hiện và đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư...

 

Trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh hôm nay. Ảnh: Ngọc Thái

 

1. Mùa xuân mới đang đến, sắc xuân ấm áp ùa về từ những ngọn núi, cánh rừng. Cuộc sống của người dân Vĩnh Thạnh hôm nay đã có sự thay đổi đáng mừng, và bà con đã có sự thích nghi nhanh chóng để vươn lên. Những tiềm năng kinh tế của địa phương ngày càng được khơi dậy. Bây giờ ở Vĩnh Thạnh đã có sự ổn định từ nhiều loại cây trồng dài ngày và cả ngắn ngày, như cây điều, cây bắp lai, dưa hấu, đậu đỗ các loại… Đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước đổi thay theo hướng tích cực.

Vĩnh Thạnh hôm nay, nhiều công trình phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân đã được đầu tư xây dựng, như hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… ngày càng quy mô, bề thế. Cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu từng đeo bám biết bao số phận, biết bao kiếp người trong các buôn làng đồng bào Ba na trên địa bàn huyện từ bao đời nay đã và đang bị đẩy lùi.

2. Nhìn vào một số ngành kinh tế chủ yếu có thể thấy rõ hơn sự phát triển đó. Trên lĩnh vực nông nghiệp, trong năm qua người dân phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết để giữ vững sản xuất, đảm bảo an toàn lương thực. Tổng sản lượng lương thực quy thóc toàn huyện trong năm qua đạt 12 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 403kg/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 6,1 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý là công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Các địa phương đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày; cơ cấu cây trồng từng bước được quy hoạch hợp lý hơn. Ở một số địa phương, bà con đã đưa vào sử dụng các loại giống mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được bà con chú trọng, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định theo hướng nâng cao chất lượng, tỷ lệ bò lai chiếm 72% tổng đàn. Thêm vào đó thị trường, giá cả trong lĩnh vực chăn nuôi năm nay cũng có sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi.

Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ở Vĩnh Thạnh cũng có bước tiến triển. Trong đó giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 14,4%. Các sản phẩm chủ yếu như gạch, ngói, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng như giày dép, may mặc, công nghệ xay xát, chế biến cũng đạt giá trị cao. Nhìn chung trên các lĩnh vực kinh tế chủ yếu của huyện Vĩnh Thạnh trong năm qua đã có sự nỗ lực lớn, thể hiện được tinh thần vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện.

Điều đáng ghi nhận là trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp nông thôn, bên cạnh việc ổn định mặt bằng đời sống chung, thông qua các chủ trương, chính sách phù hợp của Nhà nước, sự đầu tư vốn qua nhiều dự án, nhiều nguồn vốn vay cùng với các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đã hình thành một bộ phận nông dân mới, năng động, biết vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu bằng sức lao động và tiềm năng đất đai sẵn có của mình. Chính vì vậy trong năm qua đã xuất hiện thêm nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Số người sản xuất giỏi không chỉ có ở vùng thuận lợi mà còn có ở cả các xã đặc biệt khó khăn như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim… Sự phát triển của các hộ nông dân này đã tạo thêm công ăn việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi, thiếu việc làm, và góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

 

Đồng bào Ba na ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) đã biết sản xuất cây lúa nước, có của ăn của để. Ảnh: Long Vũ

 

3. Tuy nhiên ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là tốc độ phát triển kinh tế của Vĩnh Thạnh chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều mặt, nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm và thiếu sự đồng bộ. Kinh tế của Vĩnh Thạnh chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tự phát, mà nông nghiệp thì thường bấp bênh, không ổn định, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa... Chẳng hạn như lĩnh vực chế biến nông sản, trong khi mỗi năm Vĩnh Thạnh sản xuất hàng trăm tấn bắp và nông sản khác có thể dùng làm nguyên liệu để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm; nhưng trên thực tế người nông dân vẫn phải bán sản phẩm thô với giá thấp để mua lại toàn bộ lượng thức ăn đã qua chế biến với giá khá cao để phục vụ nhu cầu chăn nuôi...

Rất mừng là thời gian gần đây, huyện đã nhận thức được vấn đề này nên đã quan tâm chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng chiến lược lâu dài. Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản bước đầu được nhắc đến với việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Tà Súc tại Vĩnh Quang nhằm phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện. Các ngành nghề dự kiến được đưa vào sản xuất gồm gia công chế biến nông sản, lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ… Bên cạnh đó, đề án khôi phục và phát triển làng nghề gắn với dịch vụ du lịch cũng đang được huyện triển khai bước đầu và đã có những chuyển biến nhất định.

  • Xuân Dũng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Định Bình những ngày cuối năm  (28/01/2008)
Dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn nhớ về Quy Nhơn  (26/01/2008)
Vượt “cổng trời” Canh Liên  (21/01/2008)
Tôi luôn tâm niệm mình phải sống có trách nhiệm với người đã khuất  (19/01/2008)
Đi trong lòng biển  (14/01/2008)
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)