Hoài Nhơn: Hôm qua và hôm nay
7:32', 28/3/ 2008 (GMT+7)

Những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi về thăm lại Hoài Nhơn, vùng căn cứ địa cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến, và đã thật sự tự hào trước sự đổi thay nhanh chóng của mảnh đất này. Hoài Nhơn bây giờ tràn ngập không khí làm ăn mới, với các hoạt động sản xuất kinh doanh đang diễn ra rất nhộn nhịp, khẩn trương…

 

Việc đầu tư thành lập các xưởng may xuất khẩu tại Tam Quan (Hoài Nhơn) đã giải quyết việc làm đáng kể cho lực lượng lao động tại địa phương. Trong ảnh: Công nhân nữ đang may gia công sản phẩm trong xưởng may xuất khẩu Tam Quan. Ảnh: Văn An

 

1. Hoài Nhơn vươn mình trỗi dậy với sự nhộn nhịp của những thị trấn, thị tứ Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Hương… người xe qua lại tấp nập. Sự nhộn nhịp ấy đã làm cho người ta khó hình dung được nơi đây, trước kia là vùng đất bị chiến tranh tàn phá ác liệt, nơi được mệnh danh là “đất mẹ anh hùng”.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa 33 năm, nhưng những ký ức về một thời hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn còn in rõ trong tâm thức của nhiều người dân Hoài Nhơn. Về Hoài Nhơn trong những ngày này, chúng tôi đã nghe lại được những chiến công hiển hách, sự kiên trung trong đấu tranh giải phóng dân tộc của vùng đất đầy ắp lịch sử này. Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Nhơn là hậu phương quan trọng của Khu V. Quân và dân Hoài Nhơn đã anh dũng chiến đấu bẻ gãy nhiều trận càn quét của địch, bảo vệ vùng tự do và tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong kháng chiến chống Mỹ, từng mảnh đất, từng ngôi nhà và hàng vạn người dân Hoài Nhơn phải chịu sự chà xát của máy bay, xe tăng và bom đạn của kẻ thù. Chiến tranh ác liệt, nhưng người dân nơi đây không khuất phục kẻ thù, lớp lớp thanh niên Hoài Nhơn lần lượt lên đường nhập ngũ. Qua 2 cuộc kháng chiến, toàn huyện Hoài Nhơn đã có trên 15.000 thanh niên tham gia lực lượng bộ đội chủ lực và trên 16.000 vào bộ đội địa phương và gần 40.000 thanh niên tham gia du kích xã đánh giặc bảo vệ quê hương. Chỉ tính từ năm 1960 đến 1975, các lực lượng vũ trang ở Hoài Nhơn đã phối hợp với bộ đội của tỉnh, của Quân khu tổ chức 7.314 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 67.327 tên địch, bắn cháy 463 xe tăng và bắn rơi gần 900 máy bay các loại…

2. Những ngày đầu mới giải phóng, Hoài Nhơn chìm ngập trong cảnh đổ nát, hoang tàn, toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất và đời sống đều bị phá hủy. Vượt qua những đau thương, mất mát, chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn đã bắt tay vào việc kiến thiết và xây dựng quê hương. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng lần lượt mọc lên trên mảnh đất này, nhất là hệ thống giao thông. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã đã được bê tông hóa và hệ thống cầu cống gần như đã được xây dựng vĩnh cửu, thay những con đường gập ghềnh, lầy bụi xưa kia. Cùng với hệ thống đường sá, mạng lưới điện được kéo về phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất. Hầu hết các công trình xây dựng, đưa vào sử dụng đều phát huy được hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống và sản xuất cho người dân địa phương.

33 năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhịp độ phát triển kinh tế của Hoài Nhơn tăng trưởng trên 10%/năm. Một trong thế mạnh của Hoài Nhơn là kinh tế biển. Những năm qua, ngư dân Hoài Nhơn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền, trang bị máy móc hiện đại, vươn ra khai thác ở ngư trường xa bờ. Đến nay, đội tàu thuyền của huyện có hơn 1.900 chiếc, tổng công suất gần 100.000 CV, tăng 150 chiếc so với năm 2006. Ngoài sự phát triển về phương tiện, ngư dân Hoài Nhơn cũng đã áp dụng nhiều hình thức khai thác hải sản mới, để đưa hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Văn Đình Luận, nhóm trưởng một nhóm khai thác hải sản xa bờ ở Tam Quan Bắc, say sưa kể với chúng tôi về mô hình khai thác hải sản mới của mình. Anh cho biết: “Để khắc phục khó khăn do chi phí tăng cao, bà con ngư dân chúng tôi đã xây dựng các tổ đoàn kết trong khai thác xa bờ. Trung bình mỗi tổ có từ 4-5 tàu hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, cùng hỗ trợ nhau trong việc dò tìm ngư trường, cứu nạn và thay phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ…. Với cách làm này, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn và ngư dân chúng tôi cũng an tâm hơn khi phải đối mặt với sóng nhồi, bão táp”. Năm 2007, toàn huyện khai thác được trên 27.000 tấn hải sản các loại, tăng 10% so với năm 2006.

Tuy không phải “đất trăm nghề”, nhưng nghề truyền thống cũng đã đem lại cho Hoài Nhơn những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội. Các làng nghề như: dệt thảm xơ dừa, sản xuất dầu dừa, dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, chế biến nước mắm, làm vi cước cá… đã giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động nông nhàn của địa phương, với mức thu nhập bình quân 700.000 đồng/người/tháng. Các hoạt động thương mại, dịch vụ ở đây cũng diễn ra nhộn nhịp. Không chỉ phục vụ cho người dân trong huyện, Hoài Nhơn bây giờ đã là đầu mối giao lưu hàng hóa của các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ và các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ  đó, từ trong hoang tàn đổ nát, Hoài Nhơn từng bước xây dựng lại để đến hôm nay số hộ dân cư có nhà ngói, tường xây trên 95%, nhiều hộ dân đã giàu lên, không còn hộ đói, hộ nghèo mỗi năm giảm đi 2%.

 

Cảng cá Tam Quan - nơi được mệnh danh là “bà đỡ” của nghề cá Hoài Nhơn. Ảnh: N.T

 

3. Người dân Hoài Nhơn bây giờ có quyền mơ ước mảnh đất quê mình nhanh chóng thay da đổi thịt, trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh trong tương lai. Trong những năm gần đây, mỗi năm huyện đã dành ra bình quân 30 tỉ đồng xây dựng những công trình mang tính đột phá, như điện, đường, các công trình thủy lợi, các cụm sản xuất công nghiệp… Bên cạnh đó, cảng cá Tam Quan, nơi được mệnh danh là bà đỡ cho nghề cá Hoài Nhơn cũng đã được Trung ương chọn để đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, nơi hậu cần cho nghề cá của khu vực. Ngoài ra, huyện Hoài Nhơn đang tiến hành xây dựng khu chế biến thủy sản tập trung tại xã Tam Quan Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Đồng thời, nâng cấp mở rộng chợ Tam Quan Bắc thành chợ đầu mối về buôn bán các loại thủy hải sản… Không những thế, một số dự án lớn cũng đang được tỉnh chuẩn bị xây dựng tại đây, như Trường Công nhân kỹ thuật, Cung thiếu nhi, sân vận động, chợ đầu mối Bồng Sơn…

Với những công trình đã và đang được xây dựng, huyện Hoài Nhơn đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế của huyện từ nay đến năm 2010 là: giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19%/năm; thương mại - dịch vụ 15%/năm; nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 7,5%/năm; thu nhập của người lao động tăng trên 20%/năm...

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sống chung với… Kok  (24/03/2008)
Nguyễn Thanh Hiện với “Trở Lại Xương Quơn”  (22/03/2008)
Mười năm Ghềnh Ráng  (17/03/2008)
“Anh Mai” với Sơn Mỹ  (14/03/2008)
Vàng trắng Vĩnh Thạnh  (10/03/2008)
Những bông hoa thời “hội nhập”  (08/03/2008)
Honda cổ tân trang  (03/03/2008)
An toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là hạnh phúc của người cán bộ thú y  (01/03/2008)
Quê hương qua ống kính  (25/02/2008)
“Tôi tự hào là người Bình Định”  (23/02/2008)
Chăm mai sau Tết  (18/02/2008)
Tôi luôn biết cân bằng giữa việc học và cuộc sống…  (16/02/2008)
Trên những dặm đường xuân  (12/02/2008)
Tôi rất tự hào là đảng viên Đảng Cộng sản  (02/02/2008)
Vĩnh Thạnh mùa xuân này  (01/02/2008)