Khác hẳn với các hội đua thuyền ngày xuân thường diễn ra ở những vùng sông nước trong tỉnh, đua thuyền trên đầm Trà Ổ của huyện Phù Mỹ có nhiều nét riêng và độc đáo, từ cấu tạo của chiếc thuyền đua (dân địa phương gọi là ghe bơi), cách chèo lái đến kinh nghiệm sông nước của các vận động viên.
|
Hàng trăm người đổ về đầm Trà Ổ để xem cuộc đua tranh quyết liệt của những ghe bơi. Ảnh: Xuân Lộc
|
Người dân sống quanh đầm Trà Ổ rất tự hào về lễ hội của mình, và điểm đầu tiên họ hay nhắc đến là chiếc ghe bơi “hàng độc”. Người đóng ghe tốt nhất trong huyện là ông Tăng Hoạt (thường gọi là ông Tám Lương), 75 tuổi, ở thôn Tám Tây, xã Mỹ Thắng cũng thuộc vào “hàng độc”. Nhờ bí quyết gia truyền và thâm niên gần 50 năm gắn bó với nghề, nên ghe bơi ông Hoạt xuất xưởng có chất lượng rất cao, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong các cuộc đua.
Tìm đến nhà ông Hoạt, gặp lúc ông đang đóng chiếc ghe mới cho DNTN xăng dầu Trung Kiên - đội lần đầu tiên góp mặt tại các hội đua cấp xã và cấp huyện năm nay. Chiếc ghe bơi được gò bằng nhôm, dài khoảng 1,2m, rộng gần 1,5m, cao chỉ từ 50-60cm đang được ông Hoạt và những người thợ tỉ mỉ kiểm tra lại các vết nối. Ông Hoạt cho biết, gia đình ông đã ba đời làm ghe bơi.
Trước đây, người ta đóng ghe bằng nan. Nhưng làm cách ấy vừa tốn công sức, thời gian mà ghe lại nhanh hư, nên gia đình ông nghĩ ra cách làm ghe bằng nhôm. Nhôm nhẹ nên di chuyển nhanh trên mặt nước. Chỉ có điều, làm ghe nhôm đòi hỏi độ chính xác cao nên không phải ai cũng có thể làm và làm tốt được.
Hàng chục năm qua, đua thuyền trên đầm Trà Ổ đã trở thành một lễ hội truyền thống đầu xuân, thu hút các đội đua (nam, nữ) của 4 xã quanh đầm là Mỹ Châu, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thắng tham gia. Theo lệ, hội đua diễn ra vào mùng 2 Tết tại đầm Trà Ổ (khu vực giáp ranh huyện Mỹ Châu và Mỹ Thắng). Những năm tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm tại Đèo Nhông - Dương Liễu, huyện kết hợp làm luôn vào mùng 5 Tết. Mỗi hội đua gồm 2 nội dung: đua thuyền nam, cự ly “5 vòng 10 dạo” tương đương 1 km; đua thuyền nữ cự ly “4 vòng 8 dạo”, tương đương 800m. Để chuẩn bị lực lượng, 4 xã này thường thi nội bộ trước (vào 28-29 tháng Chạp hoặc mùng 2 Tết, tùy vào thời gian Ban tổ chức huyện đưa ra).
Trong 4 xã trên, nổi trội hơn cả là xã Mỹ Thắng, địa phương nhiều năm liền đoạt chức vô địch. Ông Tăng Khá, 55 tuổi, tổng lái kiêm huấn luyện viên đội đua của xã không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ: “Có 4 yếu tố chính giúp đội luôn về nhất. Đầu tiên là kỹ thuật làm ghe và kỹ thuật bơi. Muốn tạo bứt phá, cả 14 người trên thuyền phải cùng nỗ lực, bạn bơi thì dầm đều, tổng khoan bắt nhịp tốt và người cầm lái phải chuẩn. Kế đến là sự đoàn kết, quyết tâm cao trong nội bộ. Cuối cùng là phải gầy dựng và giữ được phong trào, để có những hạt nhân tốt. Không hẳn cứ trai tráng là bơi tốt, mà cần có sự dẻo dai, khả năng phối hợp nhịp nhàng, ăn ý nhau”.
Từ đầu tháng Chạp đến khoảng 25 Tết, các đội đua bắt đầu tập luyện từ 1-2 tiếng mỗi ngày. Đội nữ, tuy có chút vướng víu chuyện nhà chuyện cửa, nhưng các chị vẫn cố thu xếp để tập luyện đều đặn. Một vài gia đình, cả chồng lẫn vợ cùng tham dự, con cái đi theo cổ vũ cuồng nhiệt. Xã nào cũng phòng xa những sự cố bất ngờ, nên dù quy định chỉ 14 người trên ghe, nhưng số lượng tham gia tập luyện xấp xỉ 30 người.
Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Giám đốc Trung tâm VHTT và TT huyện Phù Mỹ cho biết, đua thuyền đã trở thành nét đẹp văn hóa mang tính sinh hoạt tập thể của người dân sống quanh đầm Trà Ổ. Hội thi có trao thưởng, nhưng không gì bằng niềm vui tươi, sự phấn khởi mà hội thi mang lại cho mọi người trong những ngày đầu năm mới.
|