Tết vùng cao
16:55', 21/1/ 2011 (GMT+7)

Với đồng bào dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống lâu đời và quan trọng nhất trong năm là lễ mừng lúa mới. Tuy nhiên, hơn mười năm qua, Tết Nguyên đán đã trở thành ngày hội sum vầy và vui chơi quen thuộc với đồng bào vùng cao Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão.

 

Tiếng cồng chiêng ngân vang, làm rộn ràng không khí đón Tết ở An Lão.

 

1. Trước đây, không có lịch để biết ngày tháng,  đồng bào dân tộc thiểu số lấy mùa hoa rừng nở để làm lịch. Chẳng hạn, bông cây ké nở là mùa trỉa bắp, bông cây xay nở là lúc làm cỏ. Lên rừng nhìn thấy hoa kơ nia nở trắng cành là trong bụng vui vui vì Tết sắp đến.

Hơn mười năm trước, làng nào thu hoạch lúa xong thì ăn Tết sớm. Tết làng có ba ngày chính, nhưng thường kéo dài nhiều tuần sau đó. Mỗi gia đình phải lo làm bánh, ủ rượu cần thật nhiều. Nhà giàu có phải nấu từ 20 đến 40 nồi bánh tét, ủ hàng trăm ché rượu cần, hạ vài con trâu để đãi khách và bà con trong làng. Bà Đinh Thị Minh Kết ở thôn 2, thị trấn An Lão có 25 năm giữ vai trò lãnh đạo ở huyện An Lão, nhớ lại: “Những ngày Tết làng vui lắm. Mỗi làng H’rê ăn Tết trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là ngày cúng tóc la (tết vô lá). Lá dong chặt ở rừng, phải cúng bằng nguồn nước dân làng thường uống rồi mới được đưa vào làng để gói bánh tét. Ngày thứ hai là cúng tà nêu, mời những người đã khuất về phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gia đình bình yên. Ngày thứ ba của Tết mới là ngày đãi khách ở xa đến làng”.

Đêm giao thừa tại các làng vùng cao, đã thành lệ từ những năm kháng chiến, đồng bào tập trung đông đủ tại nhà rông để già làng mở đài nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết (những năm sau là Chủ tịch nước, Chủ tịch tỉnh). Ngày đầu năm mới, tất cả mọi người đều tề tựu về nhà rông hoặc nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác chúc Tết. Họ vừa ăn uống vừa múa hát.

 

Những ché rượu cần là thứ không thể thiếu trong những ngày Tết ở vùng cao.

 

Ở An Lão, đàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương, lấy hai tay vỗ vào đầu ống tạo thành tiếng bập bùng, bập bùng. Còn các đội cồng chiêng của làng Bana ở Vĩnh Thạnh hay Chăm ở Vân Canh thì sáng mùng 2, sẽ bắt đầu “hành trình” chúc Tết đến mọi nhà. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang khắp núi rừng, làm không khí đón xuân thêm rộn ràng, tươi tắn.

Đồng bào vùng cao còn có phong tục mời làng khác đến vui Tết với làng mình để thắt chặt sự đoàn kết, tình láng giềng. Năm nào được mùa, thu hoạch khá, làng tổ chức Tết tưng bừng hơn. Nếu không, làng vẫn tổ chức những cái Tết tinh tươm, với ché rượu cần ngọt lịm và những đòn bánh tét thơm lừng mùi nếp mới.

2. Những ngày cận Tết, đi trong cái se lạnh của tiết giao mùa về các làng vùng cao dễ cảm nhận hơi thở mùa xuân rất gần. Âm thanh của Tết cũng bắt đầu đến từ tiếng chày giã bánh, tiếng tí tách của thanh củi cháy đượm. Hơn mười năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số đã ăn Tết như người Kinh. Bok Quý (thôn 7, thị trấn An Lão, huyện An Lão), cho hay: Thực hiện nếp sống mới, dân làng không tổ chức ăn Tết linh đình, uống rượu triền miên, vừa ảnh hưởng đến thời vụ, vừa tốn tiền của, lại dễ gây mất trật tự. Bà con vui xuân chủ yếu trong ba “mùng”, thêm chút dư âm “hết Tết còn xuân” trong vài ngày sau.

 

Mí Piơh đang chuẩn bị nếp gói bánh tét.

 

Thế nhưng, những nét đặc sắc khu biệt của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trong ba ngày Tết vẫn được bà con gìn giữ và phát huy. Ghé nhà bok Đinh Pơu ở làng Klót Pok, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh gặp lúc bok và vợ đang dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị nếp làm bánh. Ngày Tết, nhà nào cũng có rượu cần và bánh tét. Bánh tét Bana làm từ nếp hoặc gạo tẻ, nhân đậu xanh và thịt heo, gói bằng lá dong hay lá chuối rừng, buộc bằng lạt hoặc mây. Không giống bánh tét của người Kinh, bánh tét Bana chỉ dài khoảng 1 gang tay, khi nấu cột chặt 2 bánh lại với nhau. Năm nào nhà bok Pơu cũng làm khoảng chục cái, để dùng và chia cho con cháu. Còn mí Piơh, vợ bok thì từ đầu tháng Chạp đã lo ủ rượu cần đãi khách. Mí Piơh bảo: “Rượu cần thường được làm bằng mì gòn, mì xanh. Mấy năm gần đây, chuyển đổi cây trồng, có nhà làm rượu bằng gạo trộn lúa cũng ngon không kém. Năm nào, mí cũng ủ 4-5 ghè, 1 ghè đem ra nhà rông chung vui với làng, 1 ghè để làm phép, còn lại để gia đình dùng và đãi khách”.

Những ngày cận Tết, đi trong cái se lạnh của tiết giao mùa về các làng vùng cao dễ cảm  nhận hơi thở mùa xuân rất gần.

Để có thêm đồ nhắm với rượu, cánh đàn ông vào rừng đặt bẫy, săn bắn thú. Chiến lợi phẩm là những con gà rừng, heo rừng, nai, cheo được chế biến thành món khô bằng cách xả thịt phơi trên dàn bếp. 

Nếu người Kinh quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thì với đồng bào H’rê, Bana, Chăm, trâu bò cũng giúp làm ra của cải. Trâu bò đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Anh Đinh Văn Danh, Trưởng thôn 7, thị trấn An Lão (huyện An Lão), cho biết: “Người H’rê quan niệm, người đã ăn Tết thì trâu, bò cũng vậy. Vì thế, tết trâu, tết bò của người H’rê mình cũng lớn lắm, có khi kéo dài 3-5 ngày. Nhà có của thì cúng 1 con heo và 3 con gà, nhà ít cũng 5 con gà, trái cây, bánh tét...”.

 

Đêm thổ cẩm. Ảnh: Trần Hoa Khá

 

3. Mùa xuân mang theo cái Tết về vùng cao với tiếng cồng chiêng vang dậy núi rừng, hơi ấm của bếp lửa hòa cùng hơi ấm của ngụm rượu cần thơm nồng xua đi cái lạnh, làm ấm áp sự sum vầy của mỗi gia đình, và ấp ủ bao hy vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhiều may mắn...

  • Ngọc Tú - Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ăn Tết quê mùa  (21/01/2011)
Hội đua thuyền đầm Trà Ổ  (21/01/2011)
“Thanh minh trong tiết tháng Ba”  (21/01/2011)
Vị giác của giêng, hai  (21/01/2011)