An Nhơn trên đường đô thị hóa
7:54', 7/3/ 2006 (GMT+7)

Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện An Nhơn tăng khá nhanh. Các nhu cầu về đời sống cũng tăng lên, và đi liền với nó là yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị.

 

             Trung tâm huyện lỵ An Nhơn. Ảnh: Đào Nguyên

 

Điểm nhấn của quá trình đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở An Nhơn là từ khi quy hoạch chuỗi đô thị An Nhơn được cấp thẩm quyền phê duyệt, bước đầu định hình một thị xã trong tương lai và đang tiếp tục qui hoạch bổ sung để phấn đấu từ nay đến năm 2010 trở thành thị xã Bình Định, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Thị xã Bình Định khi hình thành sẽ là một đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch - nông nghiệp. Thị trấn Bình Định, Đập Đá và cả chuỗi đô thị từ Cầu Gành ra đến Gò Găng là vùng kinh tế động lực ngành nghề - dịch vụ vẫn giữ vai trò rất quan trọng của thị xã, gắn với quần thể các di tích văn hóa - lịch sử nằm gần kề nhau như thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế, phủ thành Quy Nhơn; tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, chùa Thập Tháp, chùa Nhạn Sơn… Trong đó, thị trấn Bình Định vẫn giữ vị trí trung tâm của thị xã Bình Định, đang được khẩn trương chỉnh trang, đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, giao thông, công viên, khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, trường học, khu thương mại, bến xe… mở rộng không gian về hướng đông và hướng nam. Khu công nghiệp phía nam, các khu dân cư mới đường Thanh Niên, Vĩnh Liêm, đường Quang Trung nối dài… đang hiện dần, giải quyết nhu cầu việc làm và nhà ở cho một đô thị xấp xỉ 20 ngàn dân. Ở phía bắc thị trấn Bình Định, thị trấn Đập Đá là đất trăm nghề xưa nay, dân số xấp xỉ thị trấn Bình Định, có mật độ dân cư đông nhất huyện, hơn hai phần ba số hộ làm các ngành nghề - dịch vụ. Đây là vùng kinh tế động lực của huyện, có sức tự lực vươn lên, năng động trong thời kỳ kinh tế mở cửa. Đập Đá đang khẩn trương xúc tiến quy  hoạch, xây dựng chi tiết các khu chức năng, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng…

Đặc biệt, mạng lưới giao thông huyết mạch ngang, dọc kể cả quốc lộ 1, quốc lộ 19, các tuyến liên huyện, liên xã, liên thôn đã và đang tiếp tục hoàn chỉnh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và làm tăng nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn. Điều này góp phần giải quyết sức ép về dân số ngày một tăng, sắp xếp, phân công lại lao động, chuyển một phần lớn lao động nông nghiệp sang làm ngành nghề - dịch vụ, ly nông chứ không ly hương. Ở các xã nông thôn, tuy mức độ phát triển và qui mô khác nhau nhưng tốc độ đô thị hóa cũng khá nhanh. Tuyến đường 636A, trục xương sống khu đông nối liền với tuyến biển và khu kinh tế Nhơn Hội đã thúc đẩy hình thành các khu đô thị mới Thanh Liêm - Nhơn An; Cảnh Hàng - Nhơn Phong; Vân Sơn - Nhơn Hậu; Gò Găng - Nhơn Thành; Cẩm Văn - Nhơn Hưng… Tuyến đường 636 B, trục xương sống khu tây nối với Tây Sơn và Tây Nguyên cùng với các tuyến đường ngang nối vùng đông bắc Tây Sơn - tây An Nhơn với quốc lộ 19 tạo nên vùng trù phú phía tây, tác động trực tiếp làm sống lại phố chợ Cây Bông - Nhơn Khánh và thị tứ An Thái - Nhơn Phúc. Tỉnh lộ Gò Găng - Kiên Mỹ rồi Gò Găng - Cát Tiến kéo theo sự phát triển theo hướng đô thị của phía bắc Nhơn Mỹ, bắc Nhơn Thành. Chiếc cầu Trường Thi như cái gạch nối giữa thị trấn Bình Định với xã Nhơn Hòa, thúc đẩy hình thành chuỗi dân cư mới phía nam sông Tân An đến Gò Cờ, Bà Nghè, Phú Sơn, Tân Hòa, Trung Ái - Nhơn Hòa gắn với khu công nghiệp phía nam nằm trong quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây theo quốc lộ 19 của vùng duyên hải và Tây Nguyên. Trên hướng tây - nam đã và đang hình thành khu dân cư mới Tân Lập - Nhơn Lộc, Quán Cai Ba - Nhơn Tân nối với khu dân cư mới Cầu Trắng, Hòn Mơ - Nhơn Thọ, khu công nghiệp Nhơn Hòa theo chiều dọc; nối An Thái - Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ theo chiều ngang. Khu vực này đang được xúc tiến qui hoạch khu trung tâm hành chính của huyện mới An Nhơn khi thị xã Bình Định được thành lập.

Phát triển đô thị hiện đại nhưng đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đảm bảo cảnh quan môi trường… là yêu cầu đặt ra đối với quá trình đô thị hóa ở An Nhơn. 

  • Trần Duy Đức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một công ty của Hàn Quốc tìm cơ hội đầu tư tại Bình Định   (06/03/2006)
Bình Định xếp thứ 36/64 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài   (06/03/2006)
25 doanh nghiệp xuất khẩu tốt được đề nghị khen thưởng   (06/03/2006)
Triển vọng khả quan   (06/03/2006)
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà làm việc với Công ty ITC (Hoa Kỳ)   (06/03/2006)
Giá mì lát giảm bình quân 100 đ/kg   (05/03/2006)
Nhà máy phong điện 50MW sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2007  (03/03/2006)
Phê duyệt dự án xây dựng hệ thống cấp nước KKT Nhơn Hội giai đoạn 1  (03/03/2006)
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà làm việc với Tập đoàn GFI (CHLB Đức)  (03/03/2006)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc phá rừng phòng hộ hồ Núi Một  (03/03/2006)
Hợp tác, liên kết để phát triển thương mại, du lịch  (03/03/2006)
Giá gas giảm 20.000đ/bình  (02/03/2006)
Bán đất theo giá sàn sau bốn lần đấu giá bất thành  (02/03/2006)
Xây dựng quy trình kỹ thuật cho mía, mì, điều  (02/03/2006)
Thành lập Công ty TNHH Tập đoàn Cổ phần Việt Dương  (02/03/2006)