Năm 1979 từ Buôn Ma Thuột đến Gia Nghĩa bằng xe đò phải mất 1 ngày, vì đường từ Đá Chẻ (Cư Jút) về Đức Mạnh (Đắk Mil) chưa rải nhựa, đá lổn nhổn; còn đường từ Đức Mạnh về Gia Nghĩa vẫn còn là đường đất, rất khó đi. Thị trấn Gia Nghĩa ngày ấy nhỏ bé lắm, chỉ có một số hộ dân ở rải rác tại các điểm dân cư như Khu chợ, Khu gia binh… Khoảng 5 giờ chiều, đường phố đã vắng tanh, vắng ngắt. Ngày ấy, con đường 8 Bis, nay là Quốc lộ 28, chỉ như con đường mòn với những con dốc "cằm chạm đầu gối" cực kỳ khó đi. Qua vùng Đắk Nia, lúc đó, Bí thư Huyện ủy là ông Năm Tùy, nói lái xe cho dừng lại, như để nghe ngóng cái gì đó, ông nói: "Mấy năm nay nhờ vận động nhân dân trồng sắn, lúa nương…nên dân bớt đói rồi. Khó khăn, thiếu thốn của địa phương cũng chưa hết, nhưng dường như mỗi lần đến lại như thấy vùng đấy này thêm "thay da, đổi thịt"". Về Nam Đà, thấy dân kinh tế mới từ Quảng Nam lên cấy lúa, trồng cam; đến Quảng Sơn, gặp cảnh đồng bào M’Nông vào làm công nhân nông trường; vào Đắk Rtih, nghe đồng bào nói với nhau thực hiện phong trào "đẻ ít con để làm kinh tế". Quả thật, sau 30 năm giải phóng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực vượt khó của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến nay Đắk Nông đã và đang vững bước đi trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo lời kể của một số cán bộ lãnh đạo, của nhiều người dân đã từng có mặt ở Đắk Nông từ đầu năm 1975 và theo các tài liệu thì: Trên danh nghĩa là một đơn vị hành chính cấp tỉnh hẳn hoi, nhưng sau ngày 23-3-1975, ta tiếp quản "tỉnh" Quảng Đức chỉ với thực trạng kinh tế, xã hội là …con số không. Trước ngày giải phóng, Quảng Đức có 4 đơn vị hành chính cấp huyện (chính quyền cũ gọi là quận) là Khiêm Đức, Kiến Đức, Đức Lập và Đức Xuyên. Giao thông đi lại, thông tin liên lạc ách tắc; trình độ dân trí thấp; sản xuất nông nghiệp kém phát triển; công nghiệp, dịch vụ không có gì; đời sống nhân dân đói kém. Về xã hội, toàn địa bàn không có lấy một trường phổ thông trung học, cơ sở y tế cũng rất thấp kém. Sau ngày giải phóng, vùng đất này được thành lập hai huyện Đắk Nông và Đắk Mil, thuộc tỉnh Đắk Lắk. Những năm đầu mới giải phóng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vừa phải đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam và sự phá hoại của bọn phản động FULRO vừa chung sức, chung lòng phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng quốc phòng-an ninh… nên kết quả đạt được cũng còn hạn chế. Với tốc độ phát triển và tương ứng với trình độ quản lý, điều hành, cuối cùng những năm 80, huyện Đắk R’lấp và Krông Nô được thành lập, tiếp đó là huyện Cư Jút và gần đây nhất là năm 2001, huyện Đắk Song được thành lập. Từ ngày 1-1-2004, theo Nghị quyết 22 của Quốc hội khóa XI, tỉnh Đắk Nông được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên, dân số của 6 huyện phía nam của tỉnh Đắk Lắk (cũ), mở ra một thời kỳ phát triển mới cho vùng đất Nam Tây Nguyên này. Sau 30 năm, từ một địa bàn có thực trạng kinh tế-xã hội là con số không, thì đến nay, Đắk Nông đã phát triển đáng mừng về kinh tế-xã hội khá; quốc phòng-an ninh cơ bản ổn định. Tính đến cuối năm 2004, đường giao thông, điện lưới quốc gia, hệ thống giáo dục, y tế đã vươn đến 52/52 xã; tỷ lệ số hộ đói, nghèo chỉ còn dưới 10%. Thị trấn Gia Nghĩa xưa chỉ là điểm dân cư hoang vắng, nghèo nàn thì nay đã và đang được qui hoạch, chỉnh trang để có thể trở thành đô thị xinh đẹp trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, so với kỳ vọng của mọi người thì thực trạng kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Nông vẫn còn thấp, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Điều đó là đương nhiên bởi tiềm năng, thế mạnh khá dồi dào, nhưng trong thời gian qua, nguồn lực của Nhà nước, của địa phương còn quá bé nhỏ. Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, công nghiệp thủy điện và khai khoáng, dịch vụ du lịch, thương mại…nhưng những năm trước đây việc đầu tư để khai thác tiềm năng chưa tương xứng. Chỉ riêng trong việc đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn như giao thông, thủy lợi, điện còn rất hạn hẹp. Từ năm 2000 trở lại đây, nhất là từ khi thành lập tỉnh, việc đầu tư của Nhà nước vào vùng đất này đã và đang có sự chuyển động rất đáng phấn khởi. Trong lĩnh vực khai thác tiềm năng công nghiệp thủy điện, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã hoàn thành Sơ đồ phát triển thủy điện trên hệ thống sông Sêrêpốc và sông Đồng Nai; từ năm 2003 đến nay đã khởi công xây dựng 4 dự án lớn với tổng công suất 900MW; ngoài ra còn rất nhiều nhà đầu tư còn tìm đến Đắk Nông với dự định đầu tư phát triển thủy điện nhỏ với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Về khai khoáng, do sự khẩn trương xúc tiến của các cấp, các ngành nên nhiều đối tác trong và ngoài nước đã tìm đến Đắk Nông, phác thảo những dự án nhiều triển vọng. Công nghiệp địa phương đã có bước phát triển khá, trong các khu công nghiệp Tâm Thắng, Nhân Cơ, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã được thành lập, thu hút hàng nghìn lao động. Về kinh tế dịch vụ, với tiềm năng đa dạng, phong phú về du lịch, Đắk Nông đã và đang là mảnh đất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến khai thác. Đặc biệt là kinh tế nông-lâm nghiệp đã có những bước chuyển quan trọng, toàn tỉnh đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực, sản xuất được nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; trong năm 2004 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD…
Có biết đến Đắk Nông những ngày đầu mới giải phóng, mới hiểu được cho dù ngày nay, so với kỳ vọng thì thực trạng kinh tế xã hội còn thấp, đời sống nhân dân còn khó khăn v.v… nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Nông đã đi lên với những bước tiến vững vàng. Và từ kết quả này, với nguồn lực hiện có, chúng ta có quyền lạc quan tin rằng trong những năm tới, Đắk Nông sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn.
. Theo Báo Đắk Nông |