Hàm Rồng đón đợi
11:34', 11/4/ 2005 (GMT+7)

Hàm Rồng (Thanh Hóa) giờ đây, là một vùng trời, nước nên thơ, một vùng thắng tích, di tích văn hóa, lịch sử. Du khách ít ai nghĩ rằng đây là tọa độ lửa khốc liệt thời chiến tranh, từng là túi bom mà đế quốc Mỹ hòng tưởng sẽ ngăn chặn đường tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Thời khắc bốn mươi năm thật chóng vánh. Chiến thắng lịch sử Hàm Rồng ngày mồng 3, mồng 4 tháng tư năm 1965. Hàm Rồng giờ đây, là một vùng trời, nước nên thơ, một vùng thắng tích, di tích văn hóa lịch sử. Du khách ít ai nghĩ rằng đây là tọa độ lửa khốc liệt thời chiến tranh, từng là túi bom mà đế quốc Mỹ hòng tưởng sẽ ngăn chặn đường tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Làng Đông Sơn cổ dẫn lối du khách theo một con đường bê tông lên với động Tiên Sơn. Nhiều nhà sử học đều cho rằng, có thể hang động này là mái nhà chung hoặc là nơi mai táng của một cộng đồng người Việt cổ bởi người ta tìm thấy trong ấy có di cốt và cả những di vật minh chứng cho một cuộc sống cách đây chừng bốn đến năm nghìn năm. Nằm trong dãy núi đá lớn án ngữ suốt một dọc sông Mã, động Tiên Sơn được ví như lối vào khoang bụng của Rồng lửa khổng lồ. Cửa vào động khá hẹp và đường dẫn vào cũng quanh co, khúc khuỷu, tựa như men theo cuống họng Rồng. Còn khi vào tới giữa hang, chính là tới bụng Rồng. Từ đây, có thể đi tới các hang động khác của dãy núi Rồng 99 ngọn, tựa như đường hầm xuyên thông mà tạo hóa đã dựng nên làm cho động Tiên Sơn thêm kỳ bí. Năm tháng đã trau chuốt cho động Tiên Sơn một vẻ nên thơ đậm màu huyền thoại. Những nhũ đá mang đủ hình thù tượng trưng cho cuộc sống tình yêu của con người nơi trần thế lại được điểm tô bằng những thiên tình sử huyền thoại kiều diễm. Làng Đông Sơn cổ, tỏa sáng tinh thần Việt với lấp lánh trống đồng, biểu tượng của nền văn minh, văn hóa Đông Sơn…Bây giờ, du khách muôn phương có dịp được chiêm ngưỡng cả những di vật, cổ vật, những huyền thoại cổ tích từ ngàn đời và cả những câu chuyện bi hùng trong cuộc  hiến với con ma, thần sấm nhà trời Mỹ. Những ruộng lúa, đồng màu đã che lấp bãi bom. Sự hoang sơ của núi đồi như được hồi sinh bởi dọc sườn núi nham nhở đạn giặc đã lại mọc lên khỏe khoắn những hàng cỏ tranh, cây sim, cây trinh nữ. Ngay đầu làng, Công ty cổ phần Du lịch Kim Quy- một công ty du lịch dân doanh đang xây một khách sạn lịch sự để phục vụ du khách về thăm và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn. Quanh hồ Kim Quy rộng 28 ha, sẽ có khu vui chơi giải trí, như nhà thuyền, bể bơi, công viên nước, với nhiều loài chim thú quý, khu trưng bày truyền thống văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh v.v…Con đường độc đạo ven quanh vô vàn đồi núi, dẫn lên động Tiên Sơn thì đã được đổ bê tông. Từ làng Đông Sơn cổ, hướng ra Quốc lộ 1A, Đồi Quyết Thắng, huyền ảo với đỉnh đồi uốn lượn như ngậm sương ngay cả khi trời trưa nắng sáng. Rừng cây đã làm cho núi đồi Hàm Rồng trở lại nét quyến rũ của thời xa xưa. Trên những tấm bia, đài tưởng niệm các liệt sỹ, chiến sỹ C4 Anh hùng, gió thông reo vi vút… Rồi những hang động, như hang Mắt Rồng in dấu tích của biết bao tao nhân mặc khách, những lối mòn xưa cũ lại tấp nập bóng chân người… Núi đồi Hàm Rồng bây giờ trở thành địa chỉ lý tưởng cho những cặp trai thanh gái lịch muốn đi pic-ních, cho những lớp học ngoại khóa của thầy trò các trường trong vùng. Núi Ngọc phía bên kia cầu Hàm Rồng. Trên đỉnh núi, ngay cả khi máy bay Mỹ giội bom dã man nhất, ngọn quốc kỳ vẫn tung bay phấp phới. Mỗi khi còi tàu hú, khi nhìn thấy ánh cờ vàng sao, người Hàm Rồng lại thêm dũng khí bước vào một trận đánh mới. Mé trái núi Ngọc, cầu Hoàng Long mới được xây dựng dăm năm nay. Bóng núi không trùng bóng câu, song thế vững chãi của cây cầu mới này lại giúp ta chiêm ngưỡng rõ hơn dung nhan của toàn cảnh Hàm Rồng. Dưới cầu, tàu thủy đủ loại nhỏ to, thuyền nan, thuyền buồm, loại thuyền của Hàm Rồng từ các "thiên niên" kỷ trước… khoan thai khỏa nước. Tôi cứ ao ước giá có một bến du thuyền. Ngồi bên mạn thuyền mà thưởng ngoạn giọng hò Sông Mã, mà ghé cửa âu, chỗ kề làng Đông Sơn cổ để thăm khu khai quật trống đồng Đông Sơn, rồi tiếp tục căng buồm ngược về thượng nguồn, đến với khu di chỉ văn hóa Núi Đọ, hay tới làng Giàng nhớ về lò võ của Dương Đình Nghệ. Hoặc là xuôi theo hướng biển thăm thú cảnh sắc tuyệt mỹ vốn rất đặc trưng của làng quê Việt, nào là cây đa, bến nước, điệu chèo, hội làng ở Nguyệt Viên, nào là chùa chiền, triền đê mượt mà cỏ mật của làng Nam Ngạn, cái làng mà chị Tuyển, chị Hằng, những nữ dân quân anh hùng đã được sinh thành, lớn lên và lập công… Cứ thế mà thỏa thuê ruổi rong đến tận cảng biển Lễ Môn, rồi Cảng Hới, để mà ghé lại Sầm Sơn. Tôi chợt nhớ một câu thơ về cầu Mi-ra-bô trên dòng sông Xen, bên Pháp:

"…Trên cầu Mi-ra-bô, trôi dòng Xen

Và tình ta nữa

Có cần chăng cho lòng tưởng nhớ…"

Tôi cứ hình dung, cầu Hàm Rồng, khi mà trong tương lai TP Thanh Hóa sẽ được xây dựng  to đẹp hơn, mở rộng không gian ra đôi bờ sông Mã, chắc cũng sẽ có dáng vóc ngoạn mục và lung linh trong hoài niệm của những người lúc cách xa.

Khi cây cầu Hàm Rồng mới hình thành, nó được mang hình bán nguyệt, thật hợp cảnh sông lượn, núi uốn nơi này. Nữ sĩ Sầm Phố, từng phác họa:

"Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om

Rải rác nhà tranh có mấy chòm

…Hỏi đá chờ ai mà lúc ngúc

Thương cầu vì nước cúi lom khom…"

Bức tranh xưa cũ ấy đang được điểm tô những gam màu tươi mới. Cầu Hàm Rồng được xây đi xây lại và trụ vững qua bao nhiêu trận bom, đến năm 1972 mới bị sập rồi sau hòa bình đã xây dựng lại… Bây giờ, cầu chỉ dùng cho tàu hỏa và người bộ hành. Trong dự án mà ngành du lịch và TP Thanh Hóa xác định để xây cất những khách sạn, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch Hàm Rồng chính là khoảng đất phía nam cầu hàm Rồng nằm sát chân Đồi C4, bắt đầu từ hang Mắt Rồng cho đến trụ sở UBND phường Hàm Rồng. Hai đại lộ lớn chạy song song dọc hai bên cánh rừng tươi non màu xuân với quy hoạch tổng thể 568,7 ha của toàn khu. Trong đó riêng diện tích vườn thực vật chiếm tới 226 ha. Không kể những thông, những bạch đàn, rồi sim, cỏ cây, hoa lá…đặc trưng của Hàm Rồng, người ta đang nghiên cứu đưa về đây các loài cây, con quý, đặng có thể biến vùng đồi núi này thành một địa chỉ nghiên cứu thực vật…Non nước, con người Hàm Rồng như quy tụ những giá trị văn hóa, tinh thần, rất đặc trưng của dân tộc Việt. Ý thức được điều này chăng mà những người làm công tác quy hoạch du lịch Hàm Rồng đã không lưỡng lự khi đặt bút toán xác định số kinh phí đầu tư tới trên 517 tỷ đồng. Không chỉ để làm du lịch mà còn là để giữ gìn và nhân lên phẩm cách anh hùng, khắc ghi sâu hơn những hy sinh mất mát của Hàm Rồng trong chiến tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Không chỉ góp phần vào bảo lưu, phát triển những truyền thống mà còn là nhằm mở rộng không gian thành phố Thanh Hóa về hướng đông bắc, để rồi thành phố sẽ có dáng vóc hiện đại, bề thế và cũng nên thơ hơn…Với chương trình "du lịch hóa" Hàm Rồng sẽ đưa Hàm Rồng từ một vùng đất từng bị tàn phá ác liệt trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trở thành một vùng đất du lịch trong khu vực trọng điểm du lịch quốc gia. Đó cũng chính là sự trả nghĩa với Hàm Rồng, với chiến sĩ, đồng bào đã trộn máu xương trên từng tấc đất Hàm Rồng. Thiên nhiên đã ban tặng cho Hàm Rồng một cảnh quan kỳ thú có một không hai:

"…Ngao nổi đội non, non có động

 Kình bơi lấp biển, biển thành ao…"

(Nguyễn Trãi)

Và, rồi bàn tay cháu con hậu thế sẽ tô điểm thêm cho Hàm Rồng xứng với đất hùng thiêng, sơn thủy kỳ tú ấy.

. Theo Báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Thuận tiếp nhận 23 dự án viện trợ nước ngoài  (11/04/2005)
Đắk Nông 30 năm nhìn lại  (08/04/2005)
Họ đã trở lại  (07/04/2005)
Để sử thi Tây Nguyên mãi trường tồn  (06/04/2005)
Quảng Ngãi: Khai quật quần thể mộ chum lớn nhất  (06/04/2005)
Nha Trang 30 năm thay da đổi thịt  (04/04/2005)
Khánh Hòa: 30 năm-một bước tiến dài  (03/04/2005)
Phú Yên đã "yên" cần phải "phú"  (01/04/2005)
Khai mạc Lễ hội biển Nha Trang 2005  (31/03/2005)
Festival biển Nha Trang 2005 đã bắt đầu sôi động  (30/03/2005)
Đà Nẵng những con đường thế kỷ  (30/03/2005)
Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng  (29/03/2005)
Quảng Nam: Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KT- XH  (28/03/2005)
Mỹ Sơn - Lung linh đêm tháp cổ  (25/03/2005)
Xây dựng nhà máy sản xuất điện từ bã mía  (24/03/2005)