Mô hình du lịch sinh thái - cộng đồng ở Nam Đông (TT-Huế):
Hay, nhưng vẫn cần tiếp sức
11:35', 12/4/ 2005 (GMT+7)

Sau một năm triển khai, tour  du lịch sinh thái - cộng đồng ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ,  huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), đã hòm hòm về mặt mô hình với những kết quả bước đầu rất khả quan. Tuy nhiên, để biến tour du lịch này thành một mô hình mới, có thể đổi đời cho người bản địa và nhân rộng cho nhiều địa phương khác thì cần phải có sự quan tâm, tiếp sức của nhiều cấp.

Đi du lịch mang theo...quà

Du khách Nhật đến với tour du lịch sinh thái thôn Dỗi luôn mang theo...các túi quà

Khởi hành từ thành phố Huế buổi sáng, sau khoảng 1 tiếng đi ô tô, du khách sẽ  tới thôn Dỗi, thuộc xã Thượng Lộ của huyện miền núi Nam Đông. Vừa bước chân vào cổng làng, du khách sẽ được chào đón bằng những tiết mục múa, hát, thổi nhạc cụ...truyền thống rất đặc sắc của đồng bào dân tộc. Sau màn "chào hỏi", du khách sẽ giao lưu với người dân địa phương tại ngôi nhà Guơl, đi thăm làng, đi chơi thác KaZan - một trong những thác đẹp nhất của TT-Huế, cùng nấu ăn chung với nhau...và cuối cùng là "giã bạn". Đấy là "phát đồ" chung của tour du lịch sinh thái - cộng đồng ở thôn Dỗi, do UBND huyện Nam Đông và Sở Du lịch TT-Huế tổ chức, và đang được Cty Lữ hành Đông Kinh- đơn vị chuyên về khách Nhật khai thác gần một năm nay.

Ông Trần Văn Đinh - Trưởng ban quản lý khu du lịch này cho biết: Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng tour du lịch này bước đầu đã cho những kết quả rất khả quan. Trong năm 2004, thôn Dỗi đã thu hút được 95 lượt khách nước ngoài (chủ yếu là khách Nhật) và 200 lượt khách trong nước. Ông Trần Quang Minh - Phó ban dự án phát triển du lịch bền vững thuộc Sở Du lịch TT-Huế nhận xét: Cái hay, cái mới của tour du lịch này là cộng đồng dân cư tự đứng ra tổ chức và tự phân chia lời ích. Ngoài việc tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân thôn Dỗi - một trong những địa phương nghèo nhất của Nam Đông, tour này còn góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường rừng, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, ý thức tôn tạo cảnh quan môi trường để thu hút khách của người dân... Điều đặc biệt là du khách đến đây, trong hành trang của họ luôn có những thùng mì tôm, quần áo...để làm quà cho những gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn. "Đây là những việc làm rất ý nghĩa, bởi vậy mà tour du lịch này còn có tên là du lịch vì người nghèo" - ông Minh nói.

Cần được tiếp sức

Theo ông Minh thì những thành công bước đầu đã có thể khẳng định đây là một trong những sản phẩm du lịch mới, có thể bổ sung cho "kho" sản phẩm vốn rất cũ kỹ của du lịch TT-Huế, đồng thời đây còn là một "mô hình giảm nghèo", có thể nhân rộng ra cho nhiều địa phương khác có điều kiện tương tự. Tuy nhiên, "đẻ" ra là một chuyện, còn "nuôi sống" được hay không thì các nhà tổ chức đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ.

Trước hết, đây là một loại hình du lịch rất mới ở Việt Nam, và cả thế giới. Cả nước hiện chỉ có một vài địa phương ở Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La làm, nhưng mỗi nơi lại ...làm mỗi cách. Nguyên do là chưa có một cách hiểu, (và chẳng có ai định hướng cho để hiểu, kể cả trong giáo trình của các trường nghiệp vụ du lịch) rõ ràng, chính xác để có thể làm "phương châm" thế nào là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Bởi vậy mà người dân, du khách và cả chính quyền địa phương, phải sau một năm hoạt động, họ mới lờ mờ hiểu ra thế nào là du lịch sinh thái - du lịch cộng đồng, chứ những ngày đầu  không ai hiểu mô tê gì về chính công việc mà mình đang làm cả. Với các hãng lữ hành, họ chưa hiểu hết, nên chẳng mấy ai mặn mà lắm với việc giới thiệu, bán tour cho khách. Bằng chứng là khi mới hình thành, Sở du lịch TT-Huế đã mời các hãng lữ hành lên Dỗi một chuyến với tư cách là khách du lịch để chào tour, nhưng cho đến thời điểm này, chỉ có duy nhất một đơn vị khai thác. Ông Minh nói: "Hiện có một khó khăn rất khó khắc phục là vấn đề đầu tiên - tiền đâu để tổ chức, hoạt động, "nâng cấp sản phẩm du lịch"...trong khi kinh phí hỗ trợ từ địa phương và các tổ chức rất hạn chế, người dân địa phương thì quá nghèo? Lấy ví dụ: Hiện du khách đến với tour du lịch này phần lớn đều có nhu cầu lưu trú trong dân qua đêm, nhưng chúng tôi chưa có tiền để cải tạo lại các nhà ở, nên chịu".

. Theo Lao Động

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàm Rồng đón đợi  (11/04/2005)
Bình Thuận tiếp nhận 23 dự án viện trợ nước ngoài  (11/04/2005)
Đắk Nông 30 năm nhìn lại  (08/04/2005)
Họ đã trở lại  (07/04/2005)
Để sử thi Tây Nguyên mãi trường tồn  (06/04/2005)
Quảng Ngãi: Khai quật quần thể mộ chum lớn nhất  (06/04/2005)
Nha Trang 30 năm thay da đổi thịt  (04/04/2005)
Khánh Hòa: 30 năm-một bước tiến dài  (03/04/2005)
Phú Yên đã "yên" cần phải "phú"  (01/04/2005)
Khai mạc Lễ hội biển Nha Trang 2005  (31/03/2005)
Festival biển Nha Trang 2005 đã bắt đầu sôi động  (30/03/2005)
Đà Nẵng những con đường thế kỷ  (30/03/2005)
Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng  (29/03/2005)
Quảng Nam: Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KT- XH  (28/03/2005)
Mỹ Sơn - Lung linh đêm tháp cổ  (25/03/2005)