Song song với sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có bước phát triển khích lệ, góp phần quan trọng để tạo nên bầu không khí kinh doanh sôi động, thúc đẩy nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Các dự án FDI không những huy động được nhiều nguồn lực mà còn mang đến cho tỉnh nhà những công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến tạo ra một số thương hiệu nông sản hàng hóa đặc thù của địa phương như hoa Đà Lạt cả Đà Lạt Hasfarm, Bonnie Farrm, Nông Hưng; trà và cà phê của Công ty trà Tân Nam Bắc, Kinh Lộ, Fusheng, Haiyit, Atlantic, Olam Việt Nam.
Để các nhà đầu tư nước ngoài chọn Lâm Đồng làm nơi "đất lành chim đậu", thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo cho các ban ngành và địa phương liên quan phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn FDI vào đầu tư phát triển dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Và cùng với những cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp đăng ký cấp giấy phép đầu tư trong khu vực có vốn FDI từng bước được cải thiện rõ rệt. Theo đó, ngay sau khi Chính phủ phân cấp giấy phép đầu tư (1998), đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép hoạt động cho 36 dự án và điều chỉnh giấy phép đầu tư 51 lượt của 29 doanh nghiệp với thời gian cấp phép được rút ngắn chỉ còn 10-15 ngày, giảm một nửa thời gian so với quy định là từ 15-30 ngày. Và trong năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 9 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng đầu tư đăng ký gần 15,9 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 6 dự án với số vốn tăng thêm là gần 7,9 triệu USD. Nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 62 dự án với số vốn đăng ký là trên gần 180 triệu USD (vốn pháp định đạt 131,5 triệu USD gồm 60 dự án do các cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư và 2 dự án do Việt kiều đầu tư). Trong đó, có 52 dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài, 7 dự án đầu tư liên doanh và 3 dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Xuân Kiền- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, tính đến cuối năm 2004, các doanh nghiệp FDI đã thực hiện vốn đầu tư gần 135 triệu USD, đạt 72% so với tổng vốn đầu tư đăng ký (Việt Nam góp trên 24,5 triệu USD, nước ngoài 108,6 triệu USD, vốn vay gần 1,5 triệu USD). Riêng năm 2004, vốn đầu tư thực hiện đạt gần 18 triệu USD tổng doanh thu đạt gần 89 triệu USD, tăng 34,3% so với năm 2003. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt trên 67 triệu USD, bằng 77% tổng doanh thu và tăng 37,7%, chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; nộp ngân sách đạt trên 24 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2003; giải quyết công ăn việc làm cho trên 5.500 lao động với mức thu nhập từ 800-850 ngàn đồng/người/tháng. Một điều đáng mừng đối với khu vực FDI trong năm qua là hầu hết các doanh nghiệp đều làm ăn có lãi, thể hiện sự năng động trong quá trình phát triển hội nhập. Đáng chú ý là một số doanh nghiệp từ kết quả lỗ của các năm trước, sang năm 2004 đã có lãi như Công ty Visintex, Công ty chế biến trà Tân Nam Bắc, Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic, Chi nhánh Olam Việt Nam… Sự đóng góp của khu vực FDI đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, từng bước cải thiện quan hệ đối ngoại, mở ra triển vọng hợp tác đa phương của tỉnh nhà trên con đường hội nhập và phát triển. Cùng với hoạt động kinh doanh sôi động và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước, một số doanh nghiệp FDI còn tích cực tham gia cùng địa phương thực hiện các chính sách xã hội như đầu tư xây dựng nhà tình thương, cấp học bổng, tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó…Có thể nói, các doanh nghiệp FDI đã thực sự trở thành một thành phần kinh tế đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh. Tất nhiên, những kết quả đạt được ấy không tách rời sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp cũng như những nỗ lực của tỉnh trong việc từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm cải thiện môi trường đầu tư một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để thu hút vốn FDI vào địa phương, thời gian qua Lâm Đồng đã tập trung nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cởi mở, minh bạch, có tính cạnh tranh cao, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, từng bước xóa bỏ sự khác biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở vận dụng các chính sách của Trung ương, Lâm Đồng đang nghiên cứu trình Chính phủ đề án thực hiện thí điểm việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất trực tiếp của dân để thực hiện dự án đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 09/2001/NQ-CP của Chính phủ; cải tiến thủ tục đầu tư ở tất cả mọi cấp, mọi ngành theo hướng công khai hóa mọi quy trình, thời hạn, trách nhiệm xử lý các thủ tục đầu tư nước ngoài theo cơ chế "một cửa"; tiếp tục xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp; khu nông nghiệp công nghệ cao; duy trì thường xuyên các hình thức đối thoại với cộng đồng các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp, coi đây là giải pháp hữu hiệu tạo lòng tin thu hút các nhà đầu tư mới.
Hy vọng rằng, những cơ chế thông thoáng này, sẽ là tiền đề để Lâm Đồng thu hút vốn FDI vào địa phương trong thời gian tới, tạo ra môi trường kinh doanh sôi động ở mọi thành phần kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
. Theo Báo Lâm Đồng |