Kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước:
Mật danh" Công ty 72B vùng X"
16:16', 18/4/ 2005 (GMT+7)

Tháng 9-1972, tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp, tôi nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu. Trên đường ra trận, với  tinh thần tuổi trẻ nhưng tôi không hề biết rằng, cùng " đi B" với tôi lúc đó có một đội quân mật thuộc Bộ Thương nghiệp, gọi là "Công ty cung ứng hàng hóa cho nhu cầu đặc biệt vùng X", gọi tắt là Công ty 72B.

Năm 1976, khi về Huế công tác tại Ty Thương nghiệp Bình Trị Thiên, tôi mới được biết, được nghe kể và được tiếp xúc hàng ngày với những con người của Công ty mang mật danh 72B ấy. Thật may mắn, cùng công tác với tôi lúc đó có đủ các cán bộ chủ chốt nhất của Công ty 72B. Đó là anh Phan Đình Chi, người Thừa Thiên Huế, giám đốc 72B, lúc này là giám đốc Ty Thương nghiệp Bình Thị Thiên, anh Phan Tấn Thanh, người Thừa Thiên-Huế, phó giám đốc sở, trước đây là phó giám đốc 72B, anh Hoàng Ngọc Quy, người Quảng Trị, giám đốc sở Thương mại Quảng Trị, kế toán trưởng 72B, anh Nguyễn Văn Tuyến, người Quảng Bình , phó giám đốc sở Thương mại Quảng Bình, phó phòng kế toán Cty 72B... Qua hồi ức của các anh, tôi hình dung ra quá trình hình thành và hoạt động đầy oanh liệt  của một công ty đặc biệt có nhiệm vụ  chi viện hàng hóa cho quân đội và đồng bào miền Nam ruột thịt trong những ngày sắp ký kết hiệp định Paris cho đến ngày giải phòng hoàn toàn miền Nam 30-4-1975.

Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các anh bây giờ đã về hưu, người đã mất nhưng câu chuyện Công ty 72B thì vẫn còn sống mãi...

Anh Hoàng Ngọc Quy nhớ lại, tháng 5- 1972, anh đang làm kế toán ở Ty Thương nghiệp Quảng Bình ở vùng sơ tán Cộn thì được lệnh phải ra  Hà Nội gấp để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Anh Quy đạp xe đạp 5 ngày ròng rã, vượt qua các vùng trọng điểm bom khu 4 như Đèo Ngang, Bến Thủy, Hàm Rồng... mới ra đến Hà Nội. Vừa dắt xe vào cổng Bộ Nội thương, chưa kịp tắm rửa  đã được chánh văn phòng dắt vào gặp ngay Bộ trưởng Hoàng Quốc Thịnh. Ngay sau hôm đó, tại nhà khách Bộ ở 19-Phạm Đình Hổ, ngày 12-5-1972 Bộ Nội thương tổ chức cuộc họp kín thành lập "Công ty cung ứng hàng hóa đặc biệt cho nhu cầu vùng X". Công ty đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thứ trưởng Lê Thị Diệu Muội , trưởng ban B của Bộ. Công ty 72B được tổ chức thành 4 trạm (chi nhánh): Trạm 1 tại Hà Nội, trạm 2 tại Quảng Bình, Trạm 3 tại Vĩnh Linh và Trạm 4 tại Cam Lộ ( Quảng Trị) lúc đó vừa mới giải phóng- nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đại bản doanh của công ty 72B đặt tại Đồng Hới Quảng Bình, tại khuôn viên Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình hiện nay. Ngày 17-8-1972, Bộ Nội thương đổi tên Công ty thành " Công ty Nam Thắng" (tức công ty vì miền Nam chiến thắng!).

Anh Nguyễn Văn Tuyến, phó giám đốc Sở Thương mại Quảng Bình đã nghỉ hưu, kể : Ban đầu Công ty chỉ có 80 cán bộ cốt cán điều động từ Ty Thương nghiệp Quảng Bình. Sau đó, Bộ Nội thương điều động bổ  sung thêm số học sinh tốt nghiệp các Trường Trung cấp thương nghiệp Thanh Hóa, Hải Hưng. Đến cuối năm 1973, công ty có 240 người. Nhiệm vụ của công ty là nhận hàng từ các tổng công ty, các tổng kho của Bộ vận chuyển vào tiếp tế cho chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, sau đó mở rộng ra cả khu 5 như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định - Phú Yên, Khánh Hòa. Sau khi Buôn Ma Thuộc giải phóng, đoàn xe của công ty 72B  vượt đèo An Khê chở hàng lên Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lăc, rồi vào Đông Nam Bộ (B2) và cả chiến trường K (Cămpuchia). Những ngày đầu thành lập, muốn đưa được hàng vào chiến trường, cán bộ công nhân viên công ty phải  vượt qua các "cửa tử" của bom từ trường, thủy lôi, bom B52, pháo hạm địch dọc tuyến sông Gianh, Nhật Lệ, Vĩnh Linh.  Tất cả các phương tiện vận chuyển như xe ô tô, thuyền, xe đạp thồ, xe ba gác, gánh bộ ... đều được sử dụng một cách linh hoạt để chuyển hàng qua khu vực trọng diểm. Có khi từ xe ô tô, bốc hàng xuống xe đạp thồ, thồ đi bộ chục cây số lại chuyển lên ô tô lại. Có đêm máy bay Mỹ đánh phá liên tục, thả bom từ trường dày đặc sông Gianh. Hàng về đầy ắp bến phía bắc nhưng không qua được sông. Nếu để sáng mai, máy bay giặc sẽ phát hiện ra, ném bom phá hủy! Một đội quân cảm tử của công ty do đồng chí Phan Tấn Thanh (lúc đó là phó giám đốc 72B) chỉ huy đã dùng thuyền  chở hàng từng chuyến vượt qua bãi bom từ trường đưa hàng qua bờ nam sông Gianh thắng lợi. Đội quân cảm tử trước khi xuất phát đã làm lễ tuyên thệ, uống chén rượu Ba Đồn, ôm hôn vĩnh biệt nhau rồi lao xuống thuyền. Và họ đã chiến thắng bom từ trường Mỹ đêm đó. Những ngày Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc (Tết Dương lịch, Tết Âm Lịch, Noel) là lúc toàn công ty "mở chiến dịch" tranh thủ chuyển hàng vào Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng gấp chục lần ngày thường, chủ yếu là gạo, muối, dầu hỏa, thịt hộp, cá hộp, lương khô, đường, sữa,  giấy, vở, bút, mực, cuốc xẻng, dao rựa, búa, hạt giống rau... Nghĩa là tất các loại lương thực, thực phẩm và tư liệu sản xuất thủ công để phục vụ bộ đội, các cơ quan đảng, chính quyền và nhân dân các vùng giải phóng.

Ngày 26-12-1972 máy bay Mỹ ném bom kho trạm 2 Đồng Phú (Đồng Hới), 5 cán bộ của công ty hy sinh và 6 người khác bị thương như anh Khôi, trưởng trạm, chị Lợi kế toán, anh Hoàng thủ kho!  Cứ mỗi đợt vận chuyển hàng vào Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế số hàng lên tới từ 3- 5 ngàn tấn. Đồng chí Hùng Sơn, Trưởng Ban kinh tế khu ủy Thừa Thiên hồi đó, đang  nghỉ hưu tại Huế, nhớ lại : Vào ngày đầu giải phóng Huế, cuối tháng 3 đầu tháng 4- 1975, nếu không có đoàn xe của Công ty Nam Thắng tiếp tế kịp thời hàng trăm tấn gạo, thực phẩm thì không biết lấy đâu ra hàng hóa để phục vụ kịp thời cho bộ đội, cán bộ và nhân dân. Trong năm 1973, khối lượng cung ứng hàng cho miền Nam của Công ty Nam Thắng tăng vọt lên 20.000 tấn. Năm 1974 , cung ứng cho chiến trường  Thị Thiên và B5 tới  30- 45 ngàn tấn hàng. Theo chân những binh đoàn bộ đội thần tốc giải phóng miền Nam, đoàn quân của Công ty Nam Thắng mang hàng hóa từ miền Bắc  tiếp vận tới tận thành phố Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Mỗi ngày có từ 120 đến 150 xe của Công ty trên đường vào Đông Nam Bộ.

Công ty cắm chốt ở Sài Gòn đến 30-6-1976, theo quyết định của Bộ Nội thương mới giải thể. Nhà nước đã tặng Công ty 72B  Huân chương lao động hạng 3 với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp viện lương thực thực phẩm cho Đại thắng màu Xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh. Những người cán bộ chủ chốt của công ty ngày đó sau này đều trở thành lãnh đạo chủ chốt của các Sở Thương mại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Họ vẫn nhớ như in những kỷ niệm không thể quên về Công ty Nam Thắng trong những năm tháng hào hùng của dân tộc.

. Ngô Minh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Lâm Đồng  (18/04/2005)
Pháp tài trợ 60.000 euro cho đồng bào dân tộc Cơ Tu  (17/04/2005)
"Vịnh Nha Trang của các bạn còn rất nhiều việc phải làm"  (17/04/2005)
Đà Lạt- Thành phố xanh  (15/04/2005)
Cháy hơn 100ha rừng tại Khánh Hòa  (15/04/2005)
Phú Yên: Bảo tồn một công viên đá tự nhiên  (14/04/2005)
Việt-Nhật hợp tác về quản lý rừng ở Tây Nguyên   (13/04/2005)
Đà Nẵng: 20 triệu USD xây khu du lịch biển 5 sao   (13/04/2005)
Thiếu nước, cây công nghiệp nhiễm bệnh  (13/04/2005)
Hay, nhưng vẫn cần tiếp sức   (12/04/2005)
Hàm Rồng đón đợi  (11/04/2005)
Bình Thuận tiếp nhận 23 dự án viện trợ nước ngoài  (11/04/2005)
Đắk Nông 30 năm nhìn lại  (08/04/2005)
Họ đã trở lại  (07/04/2005)
Để sử thi Tây Nguyên mãi trường tồn  (06/04/2005)