LÀNG TIỆN NHẠN THÁP:
Nghề truyền thống thăng hoa
10:49', 19/1/ 2008 (GMT+7)

Từ quốc lộ 1 A tại thị trấn Đập Đá, rẽ trái chừng 3 km là đến địa phận xã Nhơn Hậu (An Nhơn), nơi có làng nghề tiện gỗ Nhạn Tháp khá nổi tiếng. Đến Nhạn Tháp, ngay từ đầu làng chúng tôi đã cảm nhận được sự rộn ràng khi nghe tiếng cắc cụp của những nhát đục, nhát chạm và âm thanh xè xè của tiếng cưa gỗ vọng đều...

 

Một góc cơ sở tiện gỗ của anh Phạm Văn Thống.

 

1. Tiện gỗ vốn là nghề truyền thống có cách đây hàng mấy trăm năm ở Nhạn Tháp. Xưa, làng nghề chủ yếu chỉ làm các đồ thờ tự và các đồ dùng trong gia đình. Một thời gian dài vào thập niên 90 của thế kỷ trước, làng nghề dần dần mai một. Trước thực trạng đó, một số nghệ nhân tâm huyết của làng nghề đã tất bật vào Nam, ra Bắc tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các làng nghề tiện gỗ nổi tiếng ở Bắc Ninh, Hà Tây, Bình Dương, Bình Phước… để về cứu lấy làng nghề.

Sau những chuyến đi này, một số cơ sở đã quyết định thuê thợ từ các làng tiện gỗ nổi tiếng trong nước về làm và truyền những kỹ xảo tinh tế trong nghề, như đục, chạm trổ các loại hoa văn trên sản phẩm gỗ cho cánh thợ trẻ trong làng nghề. Từ đó, tay nghề của các nghệ nhân trong làng nghề ngày được nâng lên, không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống mà còn làm nhiều sản phẩm mới, chất lượng và mẫu mã được cải tiến theo thị hiếu của khách hàng.

Bây giờ, để làm ra một sản phẩm mới, đối với người thợ làng tiện Nhạn Tháp là điều dễ “như trở bàn tay”, bởi cái căn cơ của nghề đã thấm vào tiềm thức họ. Hiện nay, làng nghề đã làm trên 50 sản phẩm các loại. Có những sản phẩm cỡ lớn như: tượng, tranh gỗ… lại cũng có những sản phẩm nhỏ như lọ hoa, ống đựng tăm… Tất cả những sản phẩm này được làm ra từ làng nghề không hề qua khuôn đúc mà trông giống nhau vành vạnh.

2. Sản phẩm làm ra tinh xảo, giá cả lại rẻ hơn so với các làng nghề ở các địa phương khác, nên sản phẩm của làng tiện Nhạn Tháp được khách hàng tín nhiệm. Khách hàng nọ giới thiệu cho khách hàng kia, cứ thế thị trường ngày càng mở rộng. Hiện nay, sản phẩm của làng tiện Nhạn Tháp được tiêu thụ mạnh thông qua các kênh phân phối là hệ thống bán hàng lưu niệm, các đại lý đồ mỹ nghệ và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đến thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông…

Chúng tôi ghé thăm cơ sở tiện gỗ của anh Phạm Văn Thống. Gia đình của anh có 3 đời làm nghề tiện gỗ và cuộc sống khá lên cũng chính nghề này. Hiện nay cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động với mức thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Thống tâm sự: “Xu hướng hiện nay của khách hàng là chuộng những sản phẩm mỹ nghệ có tính mỹ thuật cao nên làng nghề không sợ bí đầu ra. Chúng tôi đã ký kết được những đơn hàng đảm bảo việc làm thường xuyên, lâu dài. Vào thời điểm này, chúng tôi đang tập trung làm hàng phục vụ Tết”. Không riêng gì cơ sở của anh Thống, hiện nay các cơ sở tiện ở Nhạn Tháp đều có những bạn hàng “ruột”, đảm nhận bao tiêu sản phẩm. Ông Trương Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu - cho biết: “Trong thời gian qua, làng nghề tiện gỗ Nhạn Tháp phát triển, đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Thời điểm này, cả làng có trên 50 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, người có thu nhập thấp cũng được 700.000 đồng/tháng; riêng lao động có tay nghề cao đạt 1,5 triệu/người/tháng hoặc hơn nữa. Nhờ đó, từ khu vực nghèo nhất xã, hiện nay Nhạn Tháp đã trở thành khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và khá nhất xã”.

 

Nghệ nhân làng tiện Nhạn Tháp đang hoàn thành tác phẩm.

 

3. Hiện nay, làng tiện Nhạn Tháp đang gặp phải một số khó khăn. Làng nghề phát triển nhưng vẫn còn mang tính chất tự phát, mạnh ai nấy làm. Sự liên doanh liên kết giữa các hộ, nhóm hộ còn yếu và thiếu những ông chủ có đầu óc làm ăn quy mô lớn… Bởi thế, hàng hóa sản xuất ra còn phụ thuộc nhiều vào khách hàng và vào các đơn đặt hàng cố định.

Tiếp đến, nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho làng tiện hiện khan hiếm dần, không đáp ứng được về khối lượng và chủng loại, nhất là những loại gỗ quý. Phần lớn nguyên liệu chế biến ở đây là gỗ nhóm 1, nhóm 2, chủ yếu là mua trôi nổi trên thị trường, nên thường bị động. Thời gian qua đã diễn ra trường hợp người thợ phải làm cầm chừng để đợi nguyên liệu. Đây là một hạn chế cho sự phát triển của làng nghề mà người thợ và những ông chủ cơ sở sản xuất đều không biết phải trông chờ vào đâu. Mặt khác, vấn đề mặt bằng của các cơ sở đã trở nên chật hẹp không đáp ứng được về diện tích phục vụ sản xuất. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất đều nằm trong khu dân cư nên bụi gỗ, tiếng ồn cũng đã gây ô nhiễm môi trường…

4. Hiện nay, người dân làng tiện gỗ Nhạn Tháp rất vui khi biết rằng làng nghề của mình được tỉnh quan tâm đầu tư khôi phục và phát triển, cùng với làng nghề rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc, An Nhơn), làng rèn Tây Phương Danh (Đập Đá, An Nhơn), làng nghề nón lá Gò Găng (Nhơn Thành, An Nhơn), làng dệt vải thổ cẩm và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm Hà Ri (Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh).

Theo quy hoạch của tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, với vốn đầu tư dự kiến 7,3 tỉ đồng, sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường các làng nghề, sân bãi đậu xe, xây dựng nhà truyền thống để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và ban hành các chính sách thu hút khách du lịch; tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đăng ký chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã và đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách tham quan du lịch. Giai đoạn năm 2011 đến năm 2020, vốn đầu tư dự tính 7,4 tỉ đồng, sẽ tiếp tục phát triển sản xuất và nâng cấp các công trình phục vụ du lịch ở các làng nghề nói trên.

Từ quy hoạch này, trong thời gian qua, UBND xã Nhơn Hậu đã tiến hành quy hoạch cụm làng nghề tiện gỗ, tạo điều kiện phục vụ khách du lịch tham quan theo tuyến từ biển Trung Lương - Cát Tiến (Phù Cát) lên thành Bình Định (An Nhơn) đi Hầm Hô, Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn). Hiện nay, một cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung trên diện tích 3,5 ha đang được xây dựng. Chính quyền xã Nhơn Hậu đang làm thủ tục để các cơ sở, các chủ hộ sản xuất đồ mộc đã đăng ký sớm xây dựng cơ sở đi vào hoạt động. Ngoài ra, hiện nay làng nghề cũng đang thay đổi nguyên liệu, chuyển dần sang sản xuất từ nguyên liệu gỗ nhóm 3, nhóm 4 và gỗ rừng trồng. Hy vọng đây là bước đi mới cho làng nghề tiện gỗ Nhạn Tháp.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôn vinh vẻ đẹp nữ doanh nhân Việt Nam  (19/01/2008)
Khi họ biết mình là ai…  (19/01/2008)
Gian nan chỗ ở học sinh  (19/01/2008)
Bệnh của thời @!  (19/01/2008)
Thơ  (19/01/2008)
Tráo ông Địa  (19/01/2008)
Về quê Vua lửa Tây Nguyên  (19/01/2008)
Hương vị đồng quê giữa phố  (19/01/2008)
Vô cớ vẫn đánh chết người  (19/01/2008)
Một cuộc giao lưu mới lạ  (19/01/2008)
“Anh hùng Võ Duy Dương là một người con Bình Định”  (19/01/2008)
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục  (19/01/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)