|
“Hào khí Tây Sơn tỏa núi sông”. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ được tổ chức trong hai ngày, ba đêm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.2008, gắn với kỷ niệm 235 năm (1773 - 2008) nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm Phủ thành Quy Nhơn, mở đầu sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn. Xin giới thiệu một số hoạt động chính trong khuôn khổ Festival.
Trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ diễn ra nhiều hoạt động quy mô, hoành tráng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện truyền thống thượng võ và những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, du lịch của Bình Định.
Các hoạt động Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008 được tổ chức tập trung chính tại TP. Quy Nhơn (Khu Trung tâm Thương mại, cầu Thị Nại, khu vực Ghềnh Ráng....). Ngoài ra, một số hoạt động được tổ chức ở các vùng lân cận như: Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng Đế, hệ thống tháp Chàm, Khu Kinh tế Nhơn Hội, khu di tích Núi Bà, tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu....
* Lễ khai mạc
Màn diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival sẽ được cấu trúc dưới dạng một chương trình nghệ thuật liên hoan, mang ý nghĩa tập trung theo tinh thần của Festival “hội tụ và phát triển”. Không đơn giản là sự lắp ghép các tiết mục đơn lẻ, màn diễn nghệ thuật này được thiết kế theo một đường dây về nội dung, dẫn dắt của cảm xúc… Trong đó, nghĩa khí Tây Sơn như một sự khơi nguồn, từ những ký ức của truyền thống đến vẻ đẹp thiên nhiên, nét văn hóa, tính cách con người Bình Định... Từ tiềm năng kinh tế đến nhịp độ đổi mới hôm nay...
Trong chương trình khai mạc, sẽ có sự hiện diện của một số đơn vị nghệ thuật của các vùng miền: Hà Nội (Thăng Long), Huế (Phú Xuân), Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo), Tiền Giang (Rạch Gầm - Xoài Mút), TP. Hồ Chí Minh (Gia Định) thể hiện sự quy tụ và lan tỏa của phong trào Tây Sơn một thuở.
* Chương trình nghệ thuật tổng hợp
Tại quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, trong các đêm diễn ra Festival, sẽ có chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, do các đoàn nghệ thuật trong tỉnh, trong nước và một số đoàn nghệ thuật ngoài nước biểu diễn gồm: tuồng, bài chòi (Bình Định); nghệ thuật cung đình Huế; nghệ thuật Chăm (Ninh Thuận); ca múa nhạc Việt Nam; múa rối Trung ương; xiếc Hà Nội; ca múa nhạc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh); ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa); ca múa nhạc cung đình (Huế), ca múa nhạc Đam San (Gia Lai)...
* Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại
Khu vực hai đầu cầu Thị Nại sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Festival. Thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tạo cho không gian hai bờ đầm Thị Nại lung linh sắc màu lễ hội, gắn kết giữa TP Quy Nhơn với Khu Kinh tế Nhơn Hội, bằng những hoạt động được dự báo là rất hấp dẫn như tổ chức thả hoa đăng, thả đèn trời và chương trình nghệ thuật do các ngôi sao ca nhạc, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện. Sau cùng, sẽ là màn bắn pháo hoa kết thúc phần hội.
|
Trống trận Tây Sơn. Ảnh: Hứa Thiện
|
* Liên hoan Sân khấu Tuồng
Các đoàn Tuồng: Trung ương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Thanh Hóa… và các đoàn Tuồng không chuyên trong tỉnh sẽ thực hiện các chương trình liên hoan, giới thiệu, giao lưu giữa nét đặc trưng của Tuồng Đào Tấn với dòng Tuồng cả nước. Các hoạt động gồm: lễ tế tổ, các vở diễn truyền thống, các loại vai diễn, thuyết minh kèm minh họa, biểu diễn trống, nhạc cụ Tuồng... đây sẽ là ngày hội lớn của sân khấu Tuồng Việt Nam.
* Thi Người đẹp miền đất Võ
Cuộc thi nhằm tôn vinh giá trị của vẻ đẹp hình thể, trí tuệ, tài năng và hoạt động nhân đạo của người phụ nữ, thông qua các hoạt động giao lưu gặp gỡ, từ thiện. Hoạt động này cũng nhằm quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của phụ nữ Bình Định nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung đến với du khách trong và ngoài nước.
* Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền
Thỉnh mời, tập hợp các Câu lạc bộ võ thuật, võ đường thuộc nhiều môn phái võ cổ truyền của thế giới, trong nước và Bình Định thi đấu, biểu diễn. Tổ chức đấu võ đài giữa các lò võ trong tỉnh và trong nước, nhằm giới thiệu những nét tinh hoa của võ cổ truyền nhân loại, đặc biệt là võ cổ truyền Tây Sơn ở Bình Định trong quá trình kế thừa và phát triển.
* Hội Làng nghề truyền thống
|
Võ Bình Định sẽ được tôn vinh tại Festival Tây Sơn- Bình Định 2008. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Tổ chức hội làng nghề, giới thiệu có tính tập trung các làng nghề thủ công truyền thống ở Bình Định và các tỉnh trong khu vực, nhằm quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về các sản phẩm hàng hóa truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh và các tỉnh bạn. Dự kiến, sẽ có khoảng 150 gian hàng trong và ngoài tỉnh tham gia, chia thành các khu: hàng gia dụng, hàng mỹ nghệ, hàng may mặc, hàng lâm sản… Bình Định sẽ giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống như: nấu rượu Bàu Đá, gốm Nhơn Hậu, rèn Phương Danh, đúc đồng Bằng Châu - Kim Châu, nón Gò Găng, bún song thằn, dệt thổ cẩm, nghề làm trống, đan lưới, đan lát, chế biến thảm xơ dừa Hoài Nhơn, dệt chiếu Chương Hòa, đồ thủ công mỹ nghệ...
* Chương trình “Ẩm thực Bình Định”
Du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản và món ăn truyền thống của tỉnh Bình Định cũng như các địa phương trong khu vực. Các đặc sản ẩm thực truyền thống Bình Định như: rượu Bàu Đá, chim mía, bún tôm Phù Mỹ, chình mun Châu Trúc, nem Chợ Huyện, bún cá Quy Nhơn và các món ẩm thực phổ biến khác ở Bình Định sẽ được giới thiệu. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ mời một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia giới thiệu về các đặc sản ẩm thực truyền thống ở mỗi vùng, miền: bún bò Huế, mì Quảng, cơm hến, cơm niêu...
* Hội thi Sinh vật cảnh
Các Chi hội, Câu lạc bộ Sinh vật cảnh, các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh tập hợp những sinh vật cảnh xuất sắc nhất của địa phương để giới thiệu trong hội thi. Ngoài ra, trong nhóm hoạt động này, còn tổ chức thi chim, cá cảnh; thi đá gà; các trò tiêu khiển, vui thú điền viên...
* Tổ chức các tour du lịch
Giới thiệu các tour, điểm tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, để quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh, thu hút du khách đến tham quan và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài những hoạt động chính trên đây, tại TP. Quy Nhơn, trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, còn diễn ra các hoạt động khác như: đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Hội thảo “Tiềm năng và hiện thực phát triển du lịch Bình Định”, các hoạt động giải trí du lịch biển.
|