10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2007
21:23', 28/1/ 2008 (GMT+7)

1. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là sinh hoạt chính trị lớn nhất của đất nước trong năm. Được phát động ngày 3.2 nhân kỷ niệm lần thứ 77 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc vận động được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, sinh động, mang lại hiệu quả thiết thực trong xã hội nhằm cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

2. Bầu cử Quốc hội khóa XII thành công rực rỡ. Ngày 20.5.2007, cử tri cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Đây thực sự là ngày hội lớn và là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội của Việt Nam trong năm 2007.

Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, nhân dân cả nước đã sáng suốt lựa chọn bầu 493 vị đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong cả nước tham gia Quốc hội khóa XII - Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

3. Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngày 16.10, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 62 bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 với đa số phiếu (183/190), khẳng định uy tín và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

4. Kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,5%, cao nhất trong vòng 10 năm qua; nguồn vốn đầu tư phát triển được huy động ở mức kỷ lục. Vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 464.500 tỉ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 20 tỉ USD; cam kết viện trợ chính thức của quốc tế lên tới hơn 5,4 tỉ USD; mức vốn hóa của thị trường chứng khoán có quy mô tương đương trên 45% GDP.

5. Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2007 lên đến 12,6%, vượt xa mức tăng trưởng GDP và cũng là mức cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Nhiều mặt hàng thiết yếu liên quan đến cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất… đã tăng liên tục khiến cuộc sống của những người thu nhập trung bình, thấp không ổn định.

6. Bắt đầu từ ngày 15.12.2007 mọi người dân khi đi xe máy ra đường đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Quy định này được thực hiện trong toàn quốc nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và đã được đông đảo người dân hưởng ứng và chấp hành nghiêm chỉnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt. Có thể nói, một nét văn hóa mới, mang tính tích cực đã hình thành trong người dân khi tham gia giao thông.

 

Người đi môtô, xe gắn máy chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm.

 

7. Đưa ra ánh sáng trên 440 vụ tham nhũng gây thiệt hại ước tính 286 tỉ đồng. Việc điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, đặc biệt là 8 vụ án trọng điểm, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn này.

8. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng tại một số vùng. Bão và 5 trận lũ diễn ra liên tiếp trong tháng 10 và tháng 11 tại miền Trung làm chết và mất tích 126 người, bị thương 88 người, và thiệt hại vật chất ước tính trên 5.000 tỉ đồng. Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả bùng phát ở 14 tỉnh phía Bắc với trên 1.900 ca nhiễm bệnh nhưng đã được khống chế sau 7 tuần kể từ khi phát hiện ca đầu tiên ngày 23.10 tại Hà Nội, không có trường hợp nào tử vong.

 

Lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

 

9. Tai nạn thảm khốc trên công trình cầu Cần Thơ và thủy điện Bản Vẽ. Hai nhịp dẫn số 13 và 14 của cầu Cần Thơ bất ngờ đổ sập vào lúc 7 giờ 55 phút ngày 26.9, làm 54 công nhân thiệt mạng, 80 người bị thương, trở thành tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử ngành Giao thông Việt Nam. Vụ lở núi với khối lượng trên nửa triệu m3 đất đá xảy ra lúc 9 giờ 30 phút ngày 15.12 tại mỏ đá D3, công trường xây dựng thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, làm 18 công nhân và kỹ sư bị vùi chết.

 

Hiện trường vụ sập 2 nhịp cầu Cần Thơ.

 

10. Vấn nạn bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Và cũng chưa bao giờ số trẻ em bị đánh đập, hành hạ xuất hiện nhiều trên mặt báo. Không riêng gì ở vùng sâu, vùng xa- nơi mà các thiết chế của tổ chức xã hội bảo vệ trẻ còn yếu kém - mà ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn tồn tại vấn nạn đau lòng này.

Một số vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng: Vì nghi ngờ học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm (10 tuổi) lấy 47.800 đồng, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hiệp 2, Châu Thành (Đồng Tháp) đã giao em cho Công an xã An Hiệp hỏi cung làm em hoảng loạn, không nói chuyện được; em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội) dùng nhục hình, đánh đập từ lúc 10 tuổi đến nay; em Hồ Thị Bông (9 tuổi) bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin, do không kiếm đủ số tiền như quy định, Bông đã bị bà mẹ này đổ nước sôi lên người làm phỏng nặng…

  • H.H (Theo các báo trong nước)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2007  (28/01/2008)
Xuân nào vang tiếng bài chòi…  (28/01/2008)
Khát vọng xanh  (28/01/2008)
Tầm sư học võ  (28/01/2008)
Chú tiểu Hiến và hành trình “tiếp thị” võ Việt  (28/01/2008)
Bóng đá Bình Định chờ ngày “thái lai”  (28/01/2008)
Để di tích “sống” lại  (28/01/2008)
Bên thềm xuân  (28/01/2008)
Vãn cảnh Eo Gió  (28/01/2008)
Đám cưới chuột - bức tranh Xuân hay và đẹp  (28/01/2008)
Ăn uống ngoài đồng  (28/01/2008)
Những cái Tết kỳ thú trên thế giới  (28/01/2008)
Câu lạc bộ Xuân Mậu Tý  (28/01/2008)
Giáo dục quốc phòng: Khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mỗi người  (19/01/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện Tuy Phước  (19/01/2008)