Về một người nghĩa tế của đất Bình Định
19:37', 29/1/ 2008 (GMT+7)

Vùng đất Cây Dừa xưa, ngày nay gọi là huyện Vĩnh Thạnh, là vùng đất trù phú nằm ven hai bờ sông Kôn, làm giàu từ nghề nông và khai thác lâm thổ sản. Từ giữa thế kỷ XVIII, vùng Cây Dừa là một trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp giữa người Kinh và người Thượng, thu hút khách buôn tứ xứ và người lên lập nghiệp đông nhất là người Kinh vùng Hoan Diễn (Thanh - Nghệ - Tĩnh ngày nay) và một số người Hoa. Nơi đây có phần mộ của bà Hà Thị Nhạn là tổ thượng của dòng họ Nguyễn Trung ở Vĩnh Thạnh.

 

Ông Nguyễn Trung Tín (thứ 8 từ trái qua) tại Nhà thờ ông tổ Nguyễn Trung Mậu ở xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong ngày giỗ tổ tộc họ Nguyễn Trung.

 

Theo gia phả họ Hà ở An Nhơn, bà Hà Thị Nhạn, sinh năm 1812 tại Bình An, xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn; là con gái thứ của ông Hà Văn Lượng với bà Lê Thị Tý. Bà Hà Thị Nhạn là vợ ba của ông Nguyễn Trung Mậu. Ông Nguyễn Trung Mậu là con cháu dòng họ Nguyễn Trung định cư tại làng Vân Tập thuộc xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Như vậy, ông Nguyễn Trung Mậu là người con rể hiếu thảo - còn gọi là nghĩa tế - của đất Bình Định.

Ông Mậu làm rể Bình Định năm ông vào làm đốc học ở đây. Năm 1829 bà Hà Thị Nhạn theo ông Mậu ra Huế sinh sống. Ông bà có với nhau một người con trai, tên khai sinh là Nguyễn Trung Long, nhưng vì “Long” trùng với niên hiệu vua Gia Long nên sau đổi thành tên Phúc. Cuối thời gian ở Huế, ông bà lấy vợ cho ông Phúc là bà Tôn Nữ Thị Khanh, thuộc dòng tộc của vua. Đến khi ông Mậu mất (năm 1846) thì bà Nhạn cùng vợ chồng ông Nguyễn Trung Phúc trở về Bình Định sinh sống trên vườn đất được Vua ban thưởng ở Vĩnh Thạnh.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Trung ở làng Vân Tập, ôâng Nguyễn Trung Mậu, tự Đạm Hiên, sinh năm 1785, mất năm 1846, thọ 61 tuổi. Cha là Khám lý hầu thiên ứng Nguyễn Trung Ý, làm Thông chính nhà Lê, sau theo Quang Trung Nguyễn Huệ, đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh. Đến năm 1802, khi nhà Tây Sơn bị thất bại, ông Nguyễn Trung Ý đưa gia đình vào hang Lèn Ha Vai sinh sống. Ông Mậu được cha nuôi dạy trong hang này.

Ông Mậu có tiếng học rất thông minh. Năm 1807 Gia Long thứ 6 triều Nguyễn, ông thi đậu hương cống (tương đương tiến sĩ). Những năm sau ông được bổ làm quan huyện ở Thanh Hóa. Năm 1827, Đinh Hợi, Minh Mạng thứ 8, ông vào làm Đốc học Bình Định. Ở đây, ông đã lấy bà Hà Thị Nhạn làm vợ ba (ở quê, ông đã có hai vợ). Năm 1829, ông được điều về Kinh đô Huế, làm Lang trung Bộ Hộ. Năm 1831, ông được bổ làm Công bộ Tả thị lang. Năm 1832, được bổ Công bộ Hữu tham tri. Năm 1833, ông được thăng Thượng thư Bộ Công. Từ năm 1836 đến năm 1842 ông được Vua giao nhiều chức vụ: Bộ binh Tả hữu tham tri, Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Công và kiêm nhiệm nhiều việc khác… Từ năm 1843 - Quý Mão, Thiệu Trị thứ 3, ông được chuyển sang làm Thượng thư Bộ Lễ, Cơ mật viện đại thần kiêm Quản thái thường tự ấn cho đến khi ông mất.

Từ buổi đầu làm quan cho đến khi là Thượng thư của nhiều Bộ của triều đình Huế, phục vụ cho ba đời Vua: Gia Long, Minh Mệïnh, Thiệu Trị, với thời gian gần bốn mươi năm, ông Nguyễn Trung Mậu đã đóng góp nhiều công sức, để lại dấu ấn được sử sách ghi nhận: có công trong việc xây dựng các công trình kiến trúc kinh thành Huế như Đại Nội, Ngọ Môn, Cửu đỉnh, lăng Minh Mệnh… Ông là người có công đóng góp cho ngành lịch sử, giáo dục; người có quan điểm nhân văn sâu sắc, biết thương dân. Ông là người liêm khiết nhất mực. Quốc sử quán triều Nguyễn ghi về ông như sau: Mậu làm quan 40 năm giữ mình trong sạch khác người, khi chết được tặng Hiệp biện Đại học sĩ và được Vua cho tổ chức tế lễ một tuần (trang 41, tập 26, sách Đại Nam thực lục chính biên). Ông còn được nhà Vua ban tặng bức trướng đề ba chữ THANH, THẬN, CẦN.

Ông bị bệnh mất năm 1846, tại Huế, được Vua cho đưa về quê an táng tại nghĩa trang họ tộc Nguyễn tại làng Vân Tập, Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An, và cấp lộc điền cúng giỗ hàng năm.   

Như đã nói ở trên, khi chồng là ông Nguyễn Trung Mậu mất, bà Hà Thị Nhạn đã cùng vợ chồng người con trai về sống nơi vườn đất được Vua ban thưởng ở Vĩnh Thạnh. Những năm sống ở Vĩnh Thạnh, bà có điều kiện về quê Bình An, An Nhơn dự giỗ tổ tiên, nên dòng tộc phía họ Hà mới biết bà ở Vĩnh Thạnh và lưu giữ trong gia phả. Thời ấy, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên bà không thể về quê chồng thăm viếng, do vậy, phía chồng qua nhiều đời không còn ai hay biết về bà và con cháu của ông Mậu ở phía Nam.

Tuy nhiên, với lời ghi “Hà Thị Nhạn, ở An Nhơn, Bình Định, vợ ba của ông Nguyễn Trung Mậu” trong gia phả họ Nguyễn Trung ở làng Vân Tập, ông Nguyễn Trung Thiếp, một Anh hùng Lao động của ngành Giáo dục, quê ở Nghệ An, công tác ở Hà Nội, năm 1994 về công tác ở Bình Định đã tìm đến ông Nguyễn Trung Tín - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - để hỏi thăm. Và đó cũng chính là nhân duyên đưa đẩy để hai ông Nguyễn Trung Thiếp và Nguyễn Trung Tín cùng nhau nhận họ tộc và tìm đến gia phả họ Hà ở An  Nhơn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện lời cha dặn: “Sau này khi nào có điều kiện, con nhớ tìm đất tổ họ mình, nằm ngoài đèo Ngang”, với nhiều năm tìm kiếm, mãi đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Trung Tín mới tìm được ông Tổ thượng của dòng họ Nguyễn Trung ở Vĩnh Thạnh.

Như vậy là sau gần 70 năm canh cánh ước mơ đi tìm nguồn gốc tổ tiên, từ năm cha dặn lúc vừa 15 tuổi, đến năm 2006, ông Nguyễn Trung Tín đã thực hiện được điều ước nguyện của cha mình. Theo lời mời của dòng tộc Nguyễn Trung ở làng Vân Tập, ngày 19 tháng 2 năm Bính Tuất (2006), ông Nguyễn Trung Tín - hậu duệ đời thứ 6 - đã cùng vợ con đại diện dòng họ Nguyễn Trung ở Vĩnh Thạnh, Bình Định về Nghệ An để dự giỗ ông tổ thượng Nguyễn Trung Mậu... Tại đây ông còn được tận mắt thấy và xem những tư liệu về ông Mậu; và ông còn được biết, tỉnh Nghệ An đã làm tờ trình lên Nhà nước đề nghị tôn vinh ông Nguyễn Trung Mậu là “Danh nhân văn hóa Việt Nam” vì những đóng góp to lớn của ông cho nền văn hóa nước nhà thời triều Nguyễn.

  • Xuân Mai
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh viện hạng nhất  (29/01/2008)
Một số hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/01/2008)
Nhìn từ 2 công trình khoa học  (29/01/2008)
Theo dấu Vườn cam Nguyễn Huệ  (29/01/2008)
Hắn và nàng và em bé bán vé số  (29/01/2008)
Đời thường - đời thơ Xuân Diệu  (29/01/2008)
Thơ  (29/01/2008)
Câu đối  (29/01/2008)
Nhịp cầu nhân ái: Nơi kết nối những yêu thương  (29/01/2008)
Những thành tích phá án của Đội 3  (28/01/2008)
Những sự kiện đáng chú ý của tỉnh trong năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2007  (28/01/2008)
Xuân nào vang tiếng bài chòi…  (28/01/2008)
Khát vọng xanh  (28/01/2008)