TS. TRẦN ĐÌNH SƠN:
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”
19:57', 29/1/ 2008 (GMT+7)

TS. Trần Đình Sơn (hiện Cố vấn khoa học Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Saclay - Pháp), là một nhà khoa học người Bình Định. Trước thềm năm mới, PV. Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông, về những kỷ niệm và những suy nghĩ tâm huyết của ông với quê hương.

 

TS Trần Đình Sơn (giữa) cùng các đồng nghiệp ở Pháp. Ảnh: T.X

 

* Ký ức tuổi thơ

* Ông là người sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Vậy khi nhớ về quê hương và tuổi thơ, ông nhớ nhất điều gì?

- Có lẽ, cũng như phần đông mọi người, tuổi thơ là tuổi vô tư, nên thường có nhiều kỷ niệm đẹp, ghi sâu vào tâm trí. Hè năm 1953, sau khi học hết lớp bảy, anh tôi và tôi không được tiếp tục theo đuổi đường học vấn, phải về quê sống với ruộng vườn. Anh tôi, mới 16 tuổi, nhưng giỏi cày bừa không kém nông dân “thứ thiệt”. Còn tôi, vì còn nhỏ, nên có phận sự chăm sóc đàn bò. Tôi lo cho chúng đến mức, nhiều khi tôi có cảm tưởng thương chúng hơn cả bản thân mình. Chiều tối, ba tôi kéo “cần vọt” lấy nước, hai anh em tôi xách nước tưới rau và cây trái trong vườn. Đời sống khi đó cơ cực và thiếu thốn, nhưng mọi người ai cũng thương yêu nhau, nên đối với tôi, đó là khoảng thời gian đẹp nhất đời mình.

Năm 1955, thầy má chúng tôi bán bò, dời nhà xuống Quy Nhơn để chúng tôi được tiếp tục đi học. Một hôm về thăm quê, tình cờ thấy mấy con bò của mình đang đi ngoài đường, bỗng nhiên chạy qua cổng rồi chui vào chuồng cũ, dù người chủ mới hết sức ngăn cản, tôi rơm rớm nước mắt. Thì ra, không chỉ tôi nhớ đến chúng, mà chúng cũng vẫn còn nhớ đến tôi!

TS. Trần Đình Sơn là con trai cụ Trần Đình Tân (tự Lữ Tiên, hiệu Hà Trì). Cụ Trần Đình Tân sinh năm 1893 tại thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, đậu Cử nhân năm 1915, làm đến chức Thương tá Tỉnh vụ Ninh Thuận thì về hưu năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ giữ chức Hội trưởng Liên Việt huyện Tuy Phước, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Tuy Phước. Năm 1956 làm Chánh Văn chỉ Tuy Phước, rồi Hội trưởng Hội Khổng học tỉnh Bình Định. Cụ mất năm 1979. Tác phẩm của cụ còn để lại rất nhiều, gồm thơ, văn, đối, liễn, sách thuốc… chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ. Đặc biệt, trong tập Danh nhân kiệt tác tạp biên, có chép thư của Ủy ban Kháng chiến Chính phủ Việt Nam gửi quốc dân đồng bào năm 1947, của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một bản sao quý về bức thư này còn giữ đến nay.

* Nhớ về người cha, ông nhớ nhất điều gì? 

TS. Trần Đình Sơn sinh năm 1941, tại Tuy Phước; tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Vật lý (1964); TS. Đệ tam cấp về Hóa phóng xạ (1967), TS. Khoa học Lý Hóa (1970). Từ năm 1970 đến nay, ông nghiên cứu về Cộng hưởng từ hạt nhân và đã thành lập 4 phòng thí nghiệm; trong đó, có một phòng chuyên về phổ và hình cộng hưởng từ áp dụng vào y học và đã xuất bản hai tập sách về Phổ cộng hưởng từ hạt nhân. Hiện ông là Cố vấn khoa học Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Saclay.

- Trong kháng chiến chống Pháp, ba tôi bị bệnh đục thủy tinh thể, nên đôi mắt mờ dần. Dầu vậy, tinh thần ông vẫn rất sáng suốt. Ông hướng dẫn chúng tôi làm tất cả các việc đồng áng. Trước đó, tuy đi làm việc xa nhà bao nhiêu năm, nhưng ông vẫn còn nhớ rõ vị trí và đặc tính từng khoảnh ruộng. Ông thường làm thơ, những lúc nhàn rỗi, trên đường đi tản cư hay lúc chờ ở hầm trú ẩn, để khích lệ, khuyên nhủ con cháu. Điều tôi thán phục nhất ở ông là lòng vị tha. Lúc còn đi làm, ông vẫn nuôi và giúp con cháu trong họ đi học. Lúc về làng, ông sưu tầm những phương thuốc hiệu nghiệm, để ghi vào bộ sách thuốc đang soạn. Trong nhà tôi, bao giờ cũng sẵn thuốc để giúp bà con khi cần. Dù nửa đêm hay mờ sáng, ông vẫn vui vẻ cho thuốc và tận tâm chỉ cách điều trị cho người bệnh. Trong thời kỳ kháng chiến, rất nhiều người trong xóm đã nhờ ông chữa bệnh và ông luôn chữa miễn phí cho bất cứ ai.

* “Cố gắng, quyết tâm và bền chí”

* Những ký ức tuổi thơ ấy cùng hình bóng quê nhà có giúp gì ông trên con đường làm khoa học ở xứ người?

- Sau hiệp định Genève, những bậc đàn anh còn trẻ và có học thức đều tập kết ra Bắc. Chúng tôi, dù muốn dù không, cũng trở thành “đàn anh” trong làng. Những năm tháng đó đã hun đúc ước mơ của tôi là gắng đi xa trên đường học vấn, để một ngày nào đó, trở về đào tạo lớp đàn em, theo kịp trình độ khoa học của các nước tiên tiến… 

* Ông từng về Việt Nam giảng dạy về vật lý cộng hưởng từ (1979, 2003) và báo cáo khoa học (1985). Hẳn những việc làm đó cũng xuất phát từ thôi thúc trên?

- Hè năm 1964, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Khoa học ở Đại học Sài Gòn tôi được cấp học bổng sang Pháp để soạn luận án Tiến sĩ khoa học. Tôi ra nước ngoài học, cũng với mục đích là trở về góp phần dựng xây đất nước. Cho đến nay, dù có đủ khả năng, nhưng tôi vẫn sống đạm bạc trong một gian nhà nhỏ, lúc nào cũng mong được về sống ở Việt Nam. Sau năm 1975, tôi là một trong những người đầu tiên về thăm Việt Nam năm 1977 với giấy thông hành của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (lúc đó, tôi chưa nhập quốc tịch Pháp).

TS Trần Đình Sơn (thứ hai từ phải qua) trong lần thuyết trình tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: T.X

Năm 1979, một giáo sư Trường Bách khoa Pháp và tôi, được GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (lúc đó là Viện trưởng Viện Vật lý), mời tổ chức khóa học đầu tiên tại Việt Nam về Cộng hưởng từ hạt nhân. Năm 1985, tôi đem cả gia đình về thăm Việt Nam và nhân tiện tổ chức nhiều buổi thuyết trình tại Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và vài thành phố khác ở miền Trung về các phương pháp chụp hình bằng cộng hưởng từ hạt nhân áp dụng vào y học. Khi ấy, đây là một phương pháp rất hiện đại, chỉ có vài nước phát triển trên thế giới mới có máy này. Ngay ở Pháp cũng chỉ có một máy chụp duy nhất đặt ở Bệnh viện Kremlin - Bicêtre (Paris) do chúng tôi sử dụng. Trong những lần về thăm Việt Nam sau này, tôi được các đơn vị khác như Viện Hóa học (Hà Nội), Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh... mời thuyết trình. Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi. 

* Ông có kinh nghiệm gì trao đổi với các bạn trẻ Bình Định hôm nay cũng đang có ước mơ lập thân, lập nghiệp?

- Theo tôi, điều kiện quan trọng để tiến đến thành công là cố gắng, quyết tâm và bền chí.

* Giả dụ có những sinh viên hay bạn trẻ Bình Định muốn được ông tư vấn hay hướng dẫn về khoa học, về hướng đi, ông có vui lòng nhận lời?

- Thật tình mà nói, không hiểu tại sao khi về hưu người ta lại bận hơn lúc còn tại chức. Hiện tôi đang cố gắng viết thêm bộ sách về cộng hưởng từ dùng trong y học, nhưng công việc tiến triển không nhanh như ý muốn. Ngay trả lời email, tôi cũng không đủ thời gian, nên chỉ trả lời những mail thật quan trọng. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ có nhu cầu, tôi sẽ tư vấn cho những sinh viên đã hay sắp tốt nghiệp đại học muốn đi sâu vào lĩnh vực khoa học.

* “Giữ một truyền thống gia đình”

TS. Trần Đình Sơn cũng là người nhiệt tâm với phong trào khuyến học địa phương. Theo cụ Trần Bùi Nghê, quản tộc họ Trần ở xã Phước Thành (một dòng họ có những cách khuyến học hiệu quả và có số con cháu học hành đỗ đạt khá đông), hằng năm, TS. Trần Đình Sơn đều gửi tiền về đóng góp vào quỹ khuyến học dòng họ.

* Lý do nào khiến ông hằng năm vẫn gửi tiền về đóng góp vào quỹ khuyến học của dòng họ ?

- Điều này đã thành truyền thống gia đình. Ngày xưa, ba tôi đã giúp con cháu trong họ đi học, ngày nay, tôi muốn duy trì nghĩa cử cao đẹp đó để con cháu của chúng tôi noi theo.

* Nhân năm mới, ông nói gì về mong ước của ông cũng như những nhà khoa học Việt kiều, hiện nay?

- Hiện nay, ở nước ngoài, có rất nhiều Việt kiều là chuyên gia ở nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy hiện giờ, họ đã về hưu, nhưng phần lớn vẫn còn rất năng động, có thiện chí mong được về giúp quê hương. Hy vọng rằng, thời gian tới, nhà chức trách sẽ có thêm nhiều chính sách, khuyến khích họ trở về phục vụ quê hương, cũng như tạo điều kiện để họ về sinh hoạt lâu dài tại Việt Nam.

* Xin cảm ơn TS.

  • Lê Viết Thọ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cậu học trò trường huyện chạy “lên đỉnh Olympia”  (29/01/2008)
Về một người nghĩa tế của đất Bình Định  (29/01/2008)
Bệnh viện hạng nhất  (29/01/2008)
Một số hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/01/2008)
Nhìn từ 2 công trình khoa học  (29/01/2008)
Theo dấu Vườn cam Nguyễn Huệ  (29/01/2008)
Hắn và nàng và em bé bán vé số  (29/01/2008)
Đời thường - đời thơ Xuân Diệu  (29/01/2008)
Thơ  (29/01/2008)
Câu đối  (29/01/2008)
Nhịp cầu nhân ái: Nơi kết nối những yêu thương  (29/01/2008)
Những thành tích phá án của Đội 3  (28/01/2008)
Những sự kiện đáng chú ý của tỉnh trong năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2007  (28/01/2008)