Rực vàng vạn thọ nhà nội
20:21', 29/1/ 2008 (GMT+7)

Nội ở lại quê coi nhà từ đường và lo chuyện cúng kiếng. Một năm tới mấy cái đám giỗ mà đông người lắm! Con cháu trong nhà rồi chòm xóm, họ hàng, chỗ thông gia. Hình như hết cả cái làng này từ già, trẻ, lớn, nhỏ đều có mặt. Bác Hai là dâu trưởng rồi mấy cô, thường phải về từ mấy bữa trước để sắm sanh, chuẩn bị. Nội tất bật nhưng vui. Má biểu: Nội ghiền có bấy nhiêu.

Nhưng không chỉ có vậy. Vì tôi biết nội còn thích một chuyện. Đó là trồng bông vạn thọ mỗi khi gần tới Tết. Bông thiếu gì thứ đẹp, thơm mà nội không chịu chỉ chọn duy nhất vạn thọ. Nội nói tao ưa vậy. Mình quê rặt, trồng bông quê, cúng bông quê, chưng bông quê mới phải. Vạn thọ không hương, màu vàng khè “nẫu” bắt ớn! Tôi càm ràm. Nội giơ cán cuốc hù phang cho một cái, không quên trừng mắt: “Vậy bay không “nẫu” chắc?”.

Và rồi mặc cho cháu con cản ngăn, trước Tết, nội lúi húi suốt mấy tháng trời ở khu vườn nhỏ trước nhà với những gốc bông của mình. Nội luôn kêu vậy. Kêu là bông chứ không kêu hoa. Nói hoa sao nghe thanh cảnh quá! Tao không hợp nên thấy giả giả…

Vạn thọ dễ trồng mà cũng không cần nhiều lắm sự chăm bẵm kỹ càng, nên cũng rất phù hợp với một người già như nội. Tháng Chạp, lũ tôi về thăm, thấy màu áo nâu đất của nội thấp thoáng, lẫn hòa trong sắc vàng vạn thọ. Lòng cũng có vui vui.

Mắt nội đã yếu, lưng nội đã còng nhưng tay nắm cán cuốc, cái rựa còn chắc lắm. Và rẽ luống rất đều. Từng luống, từng luống vạn thọ thẳng tăm tắp. Thường, bó bông đầu tiên được nội cắm trên bàn thờ, thắp nhang; rồi tiếp tới bó thứ hai, đặt lên cái bàn uống nước ngoài chái hiên. Nội ngồi đó, rít những hơi thuốc rê vấn to hết cỡ, hít hà những ngụm trà nóng đậm trong buổi chạp lạnh se và hấp háy cặp mắt ngắm nghía khu vườn vạn thọ của mình, khuôn mặt không giấu được niềm vui thích.

Tháng Chạp cúng kiếng nhiều. Mấy nhà quanh đây thường rẽ rào, vô ngồi chồm hổm uống với nội mấy ly trà và ngập ngừng: “Ông cho con mấy gốc vạn thọ”. Bông đầy vườn và nội vốn là người hào phóng nên chưa có ai phải đi về tay không. Sát Tết, khu vườn nội càng rộn thêm vì những cảnh như vậy. Người xin đã vui mà người cho càng vui hơn nữa. Người nào người nấy rời khỏi cái cổng xây nhà nội với bó vạn thọ nặng trĩu trong tay ôm, đã luôn là hình ảnh rất quen thuộc của tôi trong rất nhiều tháng Chạp.   

Ngày cuối năm, con cháu trở về, tề tựu đông đủ ở nhà nội để cúng rước. Và đã thành lệ, sau bữa trưa, nội đội nắng ra vườn lo bông cho người trong gia đình. Nội đâu biết dâu rể, cháu con nhận cho nội vui, nhưng lòng hờ hững lắm. Và những bó vạn thọ như vậy mấy khi được về tới tận mỗi ngôi nhà. Nó bị ném dọc đường, hay quăng đại vô một cái thùng rác công cộng nào đó. Ở thành phố ai chơi thứ bông quê kiểng này, vì nhà nào cũng sang trọng những cội mai tứ quý, khoe sắc nào salem, lys, cẩm chướng, hồng nhung… Thử hỏi còn chỗ nào dành cho vạn thọ của nội?

Nội mất hồi năm ngoái, trước Tết đúng năm tháng. Còn sớm nên nội chưa kịp ươm trồng những hàng bông quê. Chạp rồi Tết, tôi về từ đường, ngồi bệt nơi bậc hè nhìn khu vườn trống trơn, thấy buồn! Nhớ quá sắc vàng vạn thọ bao mùa cũ và nhớ nội quá, nội ơi!

  • Nguyễn Mỹ Nữ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”  (29/01/2008)
Cậu học trò trường huyện chạy “lên đỉnh Olympia”  (29/01/2008)
Về một người nghĩa tế của đất Bình Định  (29/01/2008)
Bệnh viện hạng nhất  (29/01/2008)
Một số hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/01/2008)
Nhìn từ 2 công trình khoa học  (29/01/2008)
Theo dấu Vườn cam Nguyễn Huệ  (29/01/2008)
Hắn và nàng và em bé bán vé số  (29/01/2008)
Đời thường - đời thơ Xuân Diệu  (29/01/2008)
Thơ  (29/01/2008)
Câu đối  (29/01/2008)
Nhịp cầu nhân ái: Nơi kết nối những yêu thương  (29/01/2008)
Những thành tích phá án của Đội 3  (28/01/2008)
Những sự kiện đáng chú ý của tỉnh trong năm 2007  (28/01/2008)
10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2007  (28/01/2008)