|
Phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi trẻ tham gia giao thông đường bộ. (Ảnh: Internet) |
Một trong những nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ không cho con cái đội mũ bảo hiểm vì lo lắng trẻ sẽ bị thương ở vùng cổ.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định, không có bằng chứng cho thấy đội mũ bảo hiểm vừa vặn và đúng cách ảnh hưởng tới xương cổ của trẻ em.
Thiệt thòi cho trẻ…
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc Hội thảo quốc tế tham vấn ý kiến chuyên gia về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại Việt Nam, do Bộ Giao thông Vận tải, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 27.5 tại Hà Nội.
Ông Aaron Pervin, Giám đốc Ban nghiên cứu (Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á) cho hay, tháng 4 và tháng 12.2008, đơn vị này đã tiến hành 1.000 cuộc khảo sát điều tra an toàn giao thông đường bộ tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ em sử dụng mũ bảo hiểm khi ra đường thấp hơn rất nhiều so với người ở độ tuổi trưởng thành. “Tỷ lệ này thậm chí đã giảm đáng kể từ tháng 4.2008,” ông Aaron Pervin nói.
Khi được hỏi tại sao không cho trẻ đội mũ bảo hiểm, nhiều bậc phụ huynh nói rằng, họ lo lắng trẻ sẽ bị thương ở vùng cổ do trẻ còn đang phát triển, lại phải đội chiếc “nồi cơm điện” lên đầu. Tuy nhiên, ông Jonathon Passmore, cán bộ kỹ thuật về phóng tránh tai nạn thương tích của WHO tại Việt Nam nói, đó là những quan niệm thiếu cơ sở khoa học và hiện không có bằng chứng về y tế về vấn đề này.
Chính việc không đội mũ bảo hiểm đã dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường cho trẻ. Khi bị tai nạn giao thông, trẻ em rất dễ tổn thương, để lại những hậu quả nghiêm trọng như chấn thương sọ não, tàn tật, tử vong…
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) thì nói, báo cáo tử vong của ngành y tế (từ 0-19 tuổi, năm 2005-2007) cho thấy trẻ em bị chết do tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu, tính trung bình mỗi năm có 1920 ca. Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp chấn thương, trong đó có nhiều trường hợp nghiêm trọng. “Gần ½ số trẻ bị chấn thương sọ não khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm,” bà Lan nói
Phải xử phạt nghiêm khắc
Ngoài mối lo thiếu cơ sở khoa học về ảnh hưởng của mũ bảo hiểm tới xương cổ của trẻ, một vấn đề khác là chưa có cơ chế xử phạt đối với trường hợp này.
Quyền Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), ông Nguyễn Văn Thuấn nói rằng, cần phải bổ sung quy định xử phạt đối với trường hợp trên vì như vậy người lớn đã thực hiện “hành vi có nguy cơ cao gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.”
Về việc xác định độ tuổi thích hợp cho việc đội mũ bảo hiểm của trẻ, ông Thuấn cho hay có 2 luồng dư luận, quan điểm thứ nhất là không cần quy định độ tuổi vì lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã quá rõ ràng. Quan điểm thứ hai là nên quy định trẻ nhỏ từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ vì ở độ tuổi này trẻ em bắt đầu đi học và có thể tự ngồi lên xe máy mà không cần người giữ.
Tuy nhiên, ông Thuấn cũng nói, hiện Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đang gửi xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương trong “Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.”
Trước khi Nghị định trên được ra đời thì việc tuyên truyền đến người dân hiểu và bảo vệ trẻ nhỏ là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc giữa tin đồn với việc cứu mạng sống của trẻ khi có va chạm xảy ra, nhất là khi trẻ thường chỉ đội mũ bảo hiểm trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ sẽ góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tự giá của trẻ em chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, sau khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từ ngày 15.12.2007 được thực hiện, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ở Việt Nam đã đạt từ 95% – 98%, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Việc này đã giảm số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. (Chỉ tính trong năm 2008, đã giảm 1.869 vụ tai nạn, giảm 1.486 người chết, giảm 2.435 người bị thương so năm 2007.)
Từ năm 2000, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ phòng chống thương vong châu Á phát mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học, tuyên truyền lợi ích, hướng dẫn học sinh đội mũ đúng cách. Đến nay đã phát tại 18 địa phương với hơn 300.000 mũ bảo hiểm. Năm 2008, Ủy ban này đã phối hợp với Ban An toàn giao thông ở một số địa phương phát động hơn 7000 Chương trình giáo dục an toàn giao thông tiểu học có nội dung đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng tổ chức nhiều hội thảo về phòng chống thương tích trẻ em, mời đại sứ thiện chí an toàn giao thông tuyên truyền đội mũ bảo hiểm… |
. Theo Vietnam+ |