Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2:
Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác và "Thượng Kinh ký sự"
11:15', 27/2/ 2005 (GMT+7)

Giới y học biết đến Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác (1720-1791) như là thầy thuốc vĩ đại của dân tộc, đã có nhiều cống hiến xuất sắc để phát triển nền y học nước nhà. Cuộc đời hoạt động y học của ông là tấm gương sáng về y thuật, y đạo, về tinh thần trách nhiệm, sứ mệnh và đạo đức cao cả của người thầy thuốc.

Thế nhưng ông còn là một nhà văn tầm cỡ lúc bấy giờ. Mà tập "Thượng Kinh ký sự" của ông là một minh chứng.

Bìa tập sách Thượng Kinh ký sự

Tập "Thượng Kinh ký sự" được viết vào thập niên 80 của thế kỷ XVIII (1781) - đó là một thời kỳ rối ren của triều đình phong kiến Lê - Trịnh, giai đoạn chính trị khủng hoảng trầm trọng trước khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc. Tập ký kể lại cuộc hành trình từ quê nhà Nghệ Tĩnh của ông về kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho chúa Trịnh ở phủ Chúa, vì chúa đã biết tiếng tăm lừng lẫy của một đại danh y.

"Thượng Kinh ký sự" kể lại thời gian tác giả sống ở kinh thành Thăng Long với biết bao biến động, tả lại sự giao du của ông với các công hầu khanh tướng thời Lê mạt và tâm sự của mình lúc nào cũng mong thoát khỏi vòng danh lợi để quay về núi cũ non xưa. Với thiên ký sự tài hoa và trung thực này, ông thật xứng đáng là người tiên phong trên lĩnh vực ký sự báo chí!

Con người của Lê Hữu Trác là con người của đồng quê, tuy là con quan Thượng, nhưng tấm lòng ông luôn hướng về nơi thôn dã. Xưa kia tầng lớp nho sĩ chuộng về từ chương, ít ai viết lối văn phóng sự kể những chuyện "tầm thường" của cuộc sống. Có thể thấy ở đây một thiên phóng sự duy nhất của văn học cổ viết về người thực, việc thực một cách sinh động với lối văn giản dị, tinh tế.

Trong chương "Giã nhà lên Kinh" của tập ký, khi nhận trát gọi của chúa Trịnh, ông miêu tả cảnh mình thượng Kinh: "Đêm ấy, thuyền đi dưới trăng. Hai bên bờ vắng ngắt. Chỉ nghe tiếng chó sủa theo. Một vầng trăng sáng vằng vặc lòng sông. Hai bên bờ, nước lên chờ khách sang sông. Chuông nện chùa xa văng vẳng. Sương che cây cỏ mịt mù. Mấy ngọn đèn chài hiu hắt, một đôi cò trắng đuổi nhau. Những người tùy tùng đều mượn chén tiêu sầu. Tôi cũng nhân đó ngâm một bài thơ để tỏ bày nỗi lòng:

Êm đềm một dải nước mây

Quan hà man mác, khôn ngây nỗi lòng

Chiếc buồm thuận gió thẳng giong

Giọt sương gieo nặng, cánh hồng thướt tha

Rừng sâu, tiếng khánh thoảng qua

Bến xa văng vẳng khúc ca bạn chài

Hôm nay ta thấy như vầy

Ngày mai rồi nữa, chẳng hay thế nào?"

Đó thật sự là tâm hồn của một nghệ sĩ hơn là một thầy thuốc!

Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu là Hải Thượng lãn ông. Lãn ông có nghĩa là ông già lười. Ông già lười ở Hải Thượng. Quả thật, ông lười với chốn quan trường. Ông nghe đến làm quan là "lạnh tóc gáy" ở giữa thời buổi người người đua nhau mua quan bán tước. Cho nên, được trát vào Kinh, chữa bệnh cho Chúa, với người khác là cơ hội để thăng quan tiến chức, còn với ông, ông lại buồn. Một người bạn nói với ông khi ông thượng Kinh: "Người quân tử ở trên đời có hai con đường: hoặc ra giúp đời, hoặc ở ẩn. Ở ẩn thì lấy đạo làm nguồn vui, ra giúp đời thì lấy đạo để cứu đời. Cụ bấy lâu nay ẩn náu trong núi sâu, nay được cửu trùng biết tiếng, quan đại thần lấy lễ tiếp đãi, thật là việc gặp gỡ ngàn năm có một. Sao cụ lại buồn như thế?". Thì ông đáp lại: "Ông quá khen làm tôi hổ thẹn. Người xưa tài cao học rộng kinh luân có sẵn, ở ẩn thì giấu tăm, che tiếng; ra làm quan thì giúp vua cứu dân. Chứ tôi đây, học hành lõm bõm, trí cạn tài hèn, đã là vô dụng với đời. May được chút nghề mọn giắt lưng, không ngờ bỗng chốc lại đến thế này. Đức không xứng với cảnh ngộ, không thể gọi là may đấy thôi…".

Thật ra đó là một cách nói khiêm nhường của bậc đại danh y để chối từ con đường danh lợi mà thôi. Ông rất ngỡ ngàng trước tình cảnh dân tình đói kém, loạn lạc mà kinh thành Thăng Long vẫn rực rỡ vàng son, xa hoa lộng lẫy. Ông viết trong tập ký: "Quanh co hơn một dặm đến đâu cũng lâu đài đình gác, cửa ngọc rèm châu, lung linh chiếu xuống đáy nước, cao vút tận trời xanh. Hai bên đường toàn hoa thơm cỏ lạ… Thật không khác gì cảnh tiên". Và ông bất giác thốt lên: "Nghĩ bụng: mình vốn con quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cung cấm mình cũng từng biết. Chỉ có việc trong phủ Chúa là mình mới nghe thôi. Bước chân đến đây mới hay cảnh giàu sang của vua chúa thật khác hẳn người thường". Ông lấy làm xót xa.

Là một thầy thuốc, ông chữa bệnh theo y đạo mà ông đề ra trong "Y tông tâm lĩnh" là: "Người có bịnh cần đến, mời là mình phải đi, không ngại nắng mưa, đêm khuya. Đến là chữa không phân biệt sang hèn. Làm nghề y không phải để kiếm chác phú quí giàu sang mà để thực hành y đạo". Thiết tưởng lời thề Hyppocrate trong ngành y hiện nay cũng chỉ đến thế!

Tập ký kể lại nhiều trường hợp ông kết hợp kiến thức y học với cái nhìn nhân ái đối với người bệnh của một nhà nho để mà định bệnh, chữa bệnh. Lần ông thăm mạch và bốc thuốc cho Đông cung thế tử là một trường hợp như thế. Các thầy thuốc cung đình chỉ định những thứ thuốc công phạt. Còn ông lại lý luận: "Vì thế tử ở trong chốn màn the trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi (…). Đó là vì nguyên khí đã hao tổn quá mức. Nếu chỉ lo dùng thuốc công phạt tức khắc, mà không biết rằng nguyên khí càng hao mòn dần thì chỉ làm cho người bệnh thêm yếu. Bệnh thế nay không bổ thì không được". Biết thế nhưng ông nghĩ: "Nhưng sợ mình không ở lâu, nếu mình làm có kết quả ngay thì sẽ bị danh lợi nó ràng buộc, không làm sao về núi được nữa. Chi bằng ta dùng thứ phương thuốc hòa hoãn, nếu không trúng thì cũng không sai bao nhiêu. Nhưng rồi lại nghĩ: cha ông mình đời đời chịu ơn của nước, ta phải dốc hết cái lòng thành, để nối tiếp cái lòng trung của cha ông mình mới được".

Việc ông lên Kinh là vạn bất đắc dĩ. Trong một bài thơ chép trong tập ký, ông tự giễu mình:

Bóng tàn gợi hứng ngàn sau

Líu lo chim hót trong vùng núi sâu

Dặm dài võng chiếc ruổi mau

Lãn ông nay cũng cần lao nực cười

Thiết tha với vận mạng con người bao nhiêu ông càng thiết tha với cuộc sống hồn nhiên bấy nhiêu. Hàng năm trời ở trong phủ Chúa, được trọng vọng đủ điều, nhưng không lúc nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Việc thuốc khi nhàn rỗi, ông làm thơ ngâm vịnh. Tập ký có chương "Làm thuốc và làm thơ" rất cảm động. Đây là một đoạn: "Một tối trăng chiếu ngoài hiên, trông ra gió đưa cành trúc, bóng nhạn lơ thơ, sương đọng trên hoa, hương đưa thoang thoảng, thật là một cảnh đáng yêu. Tiểu đồng pha trà. Tôi ngồi tựa bao lơn uống trà một mình. Bỗng có người em rể là quan viên Hình công, đến nói mấy chuyện tâm sự. Tôi mừng quá, hai người ngồi uống trà vui vẻ. Rồi hai người làm thơ. Bèn lấy đầu đề là "Đêm trăng uống trà nhớ chuyện cũ…", lấy vần "canh, thanh, nhanh, kình". Ngâm xong, chúng tôi đem ngâm những bài thơ cổ. Rồi bình thơ mãi cho đến khuya".

Xưa nay, chuyện các thầy thuốc chữa bệnh viết văn làm thơ nổi tiếng không hiếm. Như Sê-khốp ở Nga, Lỗ Tấn ở Trung Quốc… Lỗ Tấn cho rằng, thầy thuốc chỉ chữa bệnh cho một số người, nhưng văn chương có thể thức tỉnh con người, chữa bệnh cho nhiều người, có khi cho cả một dân tộc. Xét điều ấy với danh y - nhà văn Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác chắc không phải là ngoa!

. Trần Xuân Toàn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những kỷ niệm với nhà thơ Huy Cận   (25/02/2005)
Thơ: Lệ Thu, Phan Thành Minh, Giao Yên  (25/02/2005)
Hạnh phúc không giản đơn  (25/02/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (24/02/2005)
Đêm thơ Nguyên tiêu nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ ba  (24/02/2005)
Chùm thơ nhân ngày Nguyên tiêu của Mai Thìn  (23/02/2005)
Nguyên Tiêu Bình Định  (23/02/2005)
Lưu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân miền biển  (23/02/2005)
Ngày hội thơ năm nay: Ấm cúng và thiêng liêng  (23/02/2005)
Một nghệ sĩ VN làm giám khảo 2 cuộc thi piano quốc tế  (22/02/2005)
Đôi bạn Huy - Xuân đã gặp lại nhau ở cõi vĩnh hằng  (22/02/2005)
Thời sự Văn nghệ  (22/02/2005)
"Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận"…  (22/02/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (21/02/2005)
Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận   (21/02/2005)