Từ tiết Trùng cửu đến ngày thơ Nguyên tiêu
10:33', 28/2/ 2005 (GMT+7)

Từ thuở xa xưa các bậc thi hào thi bá của nước mình vốn đã từng sáng tạo nên ngày thơ dành riêng cho văn đàn. Đó là tiết Trùng cửu, cũng gọi là tiết Trùng dương, tức ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch hằng năm. Đến ngày ấy, từng nhóm, từng nơi họ rủ nhau lên núi cao uống rượu, ngâm thơ, hoặc sản xuất thơ tại chỗ (không biết Hồng Hồng, Tuyết Tuyết có cùng đi không?). Tục này bắt nguồn từ các thi bá thời nhà Đường (Trung Quốc) rồi lan tỏa tới các nước chung quanh như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên v.v…

Trên văn đàn xưa nay người ta thường nhắc đi nhắc lại bài thơ Cửu nguyệt, cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ của Vương Duy làm cứ liệu lịch sử để hoài niệm giai tiết này. Thơ rằng:

Độc tại dị hương, vi dị khách

Mỗi phùng giai tiết bội tư thân

Dao tri huynh đệ đăng cao xứ

Biến tháp thù du thiểu nhất nhân.

 

Nghĩa là:

 

Mỗi mình ta làm khách lạ ở xứ người

Mỗi lần đến ngày tiết đẹp, nhớ người thân da diết

Ở xa, biết anh em đều lên núi cao

Nhưng khi cắm cành thù du thì thiếu vắng một người.

Nhân đây xin cho phép tôi chi tiết một chút: Vương Duy vừa là họa sĩ tài hoa, vừa là nhà thơ xuất chúng, cùng lớp với Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ… Ông đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 9, làm quan đến chức Hữu Thừa, Thượng Thư. Trong vụ phản loạn An Lộc Sơn ông bị bắt, về sau được tha. Bài thơ giới thiệu Vương Duy viết lúc bị bắt đưa đi đày. Còn cây thù du chưa rõ tiếng Việt gọi là cây gì, chỉ biết loại cây này có tác dụng trừ tà, chống ác.

Riêng Bình Định, cụ Đào Tấn còn để lại đến ba bài nói về ngày thơ tiết Trùng Cửu.

Bài thứ nhất:

Cửu nhật ngẫu đắc

Đông hiên tiểu tọa đối nhi tào

Tiếu chỉ quần sơn phiếm lục giao

Mạc tích trùng dương vô hảo vũ

Vãn niên thi khách yểm đăng cao.

Đỗ Văn Hỷ dịch:

Ngày mồng 9 tháng 9 hứng viết

Chái đông trò chuyện với đàn con

Uống rượu núi kia - chỉ dãy non

Đâu ngại Trùng dương trời nắng hạn

Tuổi già trèo núi, hứng không còn.

Bài thứ 2:

Cửu nhật muộn tọa đắc Hà Đình công dạ phỏng

Hoàng hôn phong võ khấu môn thanh

Tri thị thương thu khách, dạ hành

Tương đối chỉ ngôn trùng cửu nhật

Bất đăng cao xứ phụ hoa tình.

Yến Lan dịch:

Đêm mồng 9 tháng 9 ngồi buồn được ông Hà Đình đến thăm

Gió mưa, ai gõ cửa ban đêm

Biết khách buồn thu lại đến tìm

Đối mặt chỉ bàn ngày Trùng cửu

Phụ hoa vì bỏ núi không lên.

Bài thứ 3:

Cửu nhật

Cửu nhật thu tương lão

Kim niên tặc diệc nhàn

Khinh xa tuần tiểu quách

Đoạn ngạn kiến dao sơn

Trạch địa quan nhưng viễn

Ưu thiên mấn dĩ ban

Linh phong hồi thủ xứ

Thư ốc hữu tam gian.

Vũ Ngọc Liễn dịch:

Ngày mồng 9 tháng 9

Trùng cửu thu sắp hết

Giặc giã cũng an nhàn

Xe dạo quanh thành nhỏ

Cuối bờ thấy núi xa

Chưa về đất đã chọn

Lo đời lắm chóng già

Chùa Linh Phong nơi ấy

Chứa sách ba gian nhà.

 

Hay như bài Mạn hứng của Nguyễn Du:

 

Long Vĩ châu biên đa bạch âu

Lam giang đường thượng hữu hàn nho

Nhất sinh từ, phú tri vô ích

Mãn giá cầm thư đồ tự ngu,

Bách tuế vi nhân bi thuấn tức

Mộ niên hành lạc tích tu du

Ninh tri dị nhật tây lăng hạ

Năng ẩm Trùng dương nhất trịch vô?

Nguyễn Huệ Chi và Vũ Ngọc Liễn dịch:

Chim âu đậu trắng bãi Đuôi Rồng

Một bác nho nghèo nhà mé sông

Thơ, phú suốt đời, chi thế nhỉ?

Sách đàn đầy giá có ngu không!

Trăm năm, cuộc sống trôi thoăn thoắt

Luống tuổi nguồn vui tiếc lạ lùng

Thử hỏi gò tây khi nhắm mắt

Trùng dương tiết ấy rượu ai dùng?

Rất rõ ràng, tuy Nguyễn Du không miêu tả trực tiếp về tiết Trùng dương, nhưng chén rượu của tiết Trùng dương như đeo đuổi suốt đời thơ của thi hào. Và qua 4 bài thơ của Đào Tấn, của Nguyễn Du vừa giới thiệu, tôi thấy đến tiết Trùng cửu các thi hào thi bá nước ta cùng nhau leo núi uống rượu ngâm thơ, làm thơ và ngắm hoa hoặc hái hoa (ắt là hoa rừng) chứ không thấy có chuyện cắm cành thù du như các nhà thơ đời Đường… có lẽ ở Việt Nam không có giống cây này chăng (?).

Như trên đã nói, trong quá trình sáng tạo văn chương các cụ ta ngày xưa đồng thời cũng sáng tạo nên một thế giới thanh cao, cái chất thanh cao đầy ắp cả không gian lẫn thời gian để làm điểm tựa cho tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình. Thế rồi do biến thiên lịch sử, thế giới thanh cao ấy bị biến mất, mất dần, mất ngay từ nơi sản sinh ra nó chứ không chỉ ở Việt Nam, Nhật Bản hay Triều Tiên…

Ba năm trước đây, giới văn chương Việt Nam nảy ra sáng kiến chọn tết Nguyên tiêu làm ngày thơ, nếu tôi không lầm thì đề xuất này vừa có ý muốn noi dấu cũ, vừa nhằm gây ý thức kích thích sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có điều là trong hoàn cảnh hiện nay nên làm gì để duy trì sinh hoạt văn hóa này một cách thông minh, ấn tượng, thu hút được nhiều người tham gia.

Theo tôi, trước hết chúng ta nên quan niệm đây là một sân chơi của những người cùng nghề nghiệp, là "hội" chứ không phải "lễ". Từ đó tôi xin đề xuất 4 điểm:

1. Nên tổ chức các cuộc thi có thưởng:

- Cuộc thi giọng ngâm thơ hay.

- Cuộc thi đọc thơ hay.

- Cuộc thi tài bình thơ hay.

2. Nên tổ chức sinh hoạt thơ xướng, họa dành cho các tài thơ đồng điệu.

3. Nên tổ chức cuộc thi sáng tác nhanh, đủ các thể loại và quy định về thời lượng.

4. Tổ chức trò chơi đố thơ có thưởng. Ban đầu giới hạn trong phạm vi tác phẩm thơ Bình Định xưa nay, dần dần mở rộng đến thơ cả nước và thơ thế giới nữa.

Điều quan trọng trong 4 điểm trên là phải có những trọng tài nắm vững luật chơi. Làm được những điều vừa nêu chúng ta sẽ góp phần gầy dựng một lực lượng độc giả, khán thính giả yêu thơ lý tưởng, đương nhiên sẽ loại dần được thứ rác thơ và may ra có thể cứu vãn được tình hình thơ thẩn, dịch thơ song hành với... dịch cúm gia cầm, tai họa uy hiếp cơ đồ văn thơ của đất nước.

. Vũ Ngọc Liễn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác và "Thượng Kinh ký sự"  (27/02/2005)
Những kỷ niệm với nhà thơ Huy Cận   (25/02/2005)
Thơ: Lệ Thu, Phan Thành Minh, Giao Yên  (25/02/2005)
Hạnh phúc không giản đơn  (28/02/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (24/02/2005)
Đêm thơ Nguyên tiêu nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ ba  (24/02/2005)
Chùm thơ nhân ngày Nguyên tiêu của Mai Thìn  (23/02/2005)
Nguyên Tiêu Bình Định  (23/02/2005)
Lưu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân miền biển  (23/02/2005)
Ngày hội thơ năm nay: Ấm cúng và thiêng liêng  (23/02/2005)
Một nghệ sĩ VN làm giám khảo 2 cuộc thi piano quốc tế  (22/02/2005)
Đôi bạn Huy - Xuân đã gặp lại nhau ở cõi vĩnh hằng  (22/02/2005)
Thời sự Văn nghệ  (22/02/2005)
"Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận"…  (22/02/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (21/02/2005)