Một lần Yên Tử
10:21', 15/3/ 2005 (GMT+7)

. Ghi chép của Trần Đăng

Tôi là người cả tin. Cả tin đến mức, chỉ cần nghe một câu thơ hay, hoặc một bài hát "đẹp" ngợi ca về địa danh nào đó, là tôi quyết tâm phải đặt cho bằng được bước chân mình lên nơi ấy. Yên Tử là một địa danh như thế với tôi.

Đoàn người hành hương lên Yên Tử

Một người bạn ở Hà Nội tư vấn trước khi tôi thực hiện những dự định "đi chơi mùa lễ hội" trên đất Bắc: "Có hai nơi mà những người ở miền Trung như ông cần đến ngay vào những ngày đầu tháng 3 này. Một là chùa Hương hai là Yên Tử. Chùa Hương thì đi hai ngày mới "đã", còn Yên Tử thì chỉ một ngày là đủ nhìn thấy bốn cõi rồi". Tôi chọn địa danh thứ hai - Yên Tử - vì quỹ thời gian của mình không nhiều.

* Xuất phát

Dù trời rất lạnh nhưng tôi đã dậy từ lúc 5 giờ sáng vì quá hồi hộp với chuyến du hành đầu năm trên vùng đất đã từng thấm đẫm trong tôi những huyền tích về một vị vua dám từ bỏ lầu son gác tía và gái đẹp chốn kinh kỳ để về ở ẩn nơi non thẳm mây ngàn này. Đoàn đi Yên Tử những mấy chục người, lại thêm "các bà" nên loay hoay mãi đến gần 7 giờ sáng, bác tài mới "cài số tăng ga" được. Cứ tưởng đến trưa mới tới nơi, hóa ra chỉ hơn tám rưỡi một tí là đã có thể ngước nhìn đỉnh Bạch Vân Sơn ở ngay trước mặt. Những gã đàn ông lần đầu đi Yên Tử như tôi thì chăm chắm về phía ngọn núi cao nghìn thước, nơi có ngôi chùa cổ mang tên chùa Đồng, mà theo các "tín đồ" của Yên Tử thì chỉ cần chạm tay vào chiếc chuông nơi cửa Phật ấy là có thể kéo dài thêm tuổi thọ những… năm năm! Còn những người đàn bà trong đoàn thì cảnh non thẳm mây ngàn với họ đều không có nghĩa. Họ đi Yên Tử không phải mang tâm trạng của những người muốn khám phá một vùng đất mới như tôi mà họ hành hương về đây vì một lẽ khác. Thấy đám đàn ông xăm xúi tiến về phía trước, hai cô bạn "đi chùa chuyên nghiệp" của tôi giật ngược trở lại: " Vào đền Trình lễ trước đã, mấy ông ơi!". Tôi hỏi như công an: "Đền Trình có gì mà phải vào?". Giọng cô bạn như bà giáo già trước lũ học trò không hiểu bài: "Ơ hay cái anh này! Trước khi nhận phòng ở khách sạn, anh có trình giấy tờ tùy thân không? Đây như reception đấy!". Vì là "đi chùa chuyên nghiệp" nên chỉ cần nhoáng một cái là hai cô bạn đã hoàn tất các thủ tục cần thiết cho "lễ".

Tôi chen giữa đám đông và chợt nhận ra rằng, mình cần phải có "độ lùi" để quan sát khi nghe một bà đeo băng đỏ trong ngôi đền cổ, liên tục khuyến cáo: "Coi chừng mất di động đấy các bác ơi!". Hóa ra nơi cửa Phật vẫn có những kẻ tà tâm lẻn vào. Bất chấp lời khuyến cáo của bà "cảnh vệ", đoàn người vẫn chen nhau vào bên trong để được lễ trước. Những ai đã xong phần "thủ tục" trong đền thì trở ra, tiếp tục phần việc còn lại: Đốt vàng mã. Thôi thì đủ loại xe hơi, nhà lầu; dollar, euro ngùn ngụt hóa kiếp dưới ngọn lửa không bao giờ tắt nơi này.

* Giữa lưng chừng núi

                Chùa Đồng

Xe chạy lượn vòng qua các ngọn đồi xinh xắn một đỗi rồi bất ngờ mở ra một "chân trời" gây không ít sửng sốt cho những ai lần đầu đi Yên Tử như tôi. Chao ôi là ôtô, đứng ken dày dưới chân Yên Tử. Ông bạn già rỉ vào tai: "Xe tư nhân cả đấy. Giàu rồi mới nghĩ đến chuyện đi chơi. Dễ có đến nghìn chiếc, cả vạn người, nhẩy?". Nhìn bãi xe đã khiếp, thấy lượng người rồng rắn xếp hàng đợi đến lượt để đi cáp treo còn khiếp hơn. Chưa kịp hoàn hồn về cú "phi" cáp treo -trò tra tấn kinh khủng nhất đối với tôi thì ông Trần Đức Thước, Phó Ban quản lý Khu di tích Yên Tử đã cho ngay một con số chính xác về lượng người đến khu du lịch này: "Đã một tuần qua, mỗi ngày có đến trên dưới hai vạn người đổ về đây". Đây quả là con số trong mơ của bất cứ một khu du lịch nào trong nước ta hiện nay. Ông bạn đồng nghiệp làm phép tính nhanh số tiền mà khách du lịch "ném" vào Yên Tử mỗi ngày: Tiền mua vé 5.000đ, đi cáp treo 50.000đ, chỉ cần 80% đi cáp treo thì khu du lịch này thu được khoảng 800 triệu! Đó là chưa nói đến khoản tiền ăn tiêu ngủ nghỉ và tiền… chùa (cúng chùa). Bám vào con số khổng lồ này, tôi nhân cho 30 ngày rồi nhân luôn cho 12 tháng, số tiền sẽ là… không tính nổi!

Ông Thước đính chính ngay: "Chỉ được vài tháng sau Tết thôi. Những tháng còn lại, lượng người đến đây lèo tèo lắm. Vì vậy, năm nay, trên giao chỉ tiêu cho chúng tôi phải thu 9 tỉ". Thấy ông sếp của khu du lịch khá say sưa về khoản thu-chi, tôi lái sang chuyện mình cần: "Anh họ Trần, chắc là hậu duệ của…". Ông xác nhận ngay: "Vâng, tôi là gốc Trần ở An Sinh, Đông Triều đây". Rồi ông xởi lởi: "Cũng là chuyện sắp đặt ngẫu nhiên thôi chứ không phải cấp trên chọn con cháu vua Trần để hương khói ông bà ở đây đâu!".

Không biết có phải là chính tông họ nhà Trần không, song ông Thước tỏ ra là người khá am tường về những gì liên quan đến lịch sử nhà Trần, đặc biệt là vua Trần Nhân Tông - người đã từ bỏ ngai vàng lúc mới 34 tuổi để về Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm này. Ông Thước chỉ tay về phía khu tháp Tổ và nói rằng đó là nơi lưu giữ xá lợi của Trần Nhân Tông. Tôi thấy nơi viên tịch của đấng minh quân hóa Phật quá đơn sơ chứ không chạm vàng nạm bạc gì. Thì ra, chẳng cần phải xây lăng tẩm đền đài "hoành tráng", hậu thế mới nhớ đến vua! Hàng triệu triệu dấu chân đã hành hương về Yên Tử, đi dưới bóng những cây tùng ngót bảy trăm năm không chỉ để tận mắt chứng kiến nơi bồng lai tiên cảnh mà là để chiêm bái một con người. Con người ấy đang ở đỉnh cao của quyền lực nhưng đã nhận ra lẽ vô thường của kiếp người mà từ bỏ đế vương để đi tu.

Tôi hành hương về Yên Tử với một tâm trạng như thế, và thổ lộ điều ấy với ông Thước. Ông nhìn tôi bằng cái nhìn chia sẻ: " Mới được nửa đường thôi chú em. Lên chùa Đồng trên đỉnh Bạch Vân Sơn kia kìa thì mới "ngộ". Đây lên đó còn rất nhiều ngôi chùa nữa". Hóa ra mình mới đi chỉ được nửa đường, mà lại cáp treo "đi" chứ mình cũng chẳng tốn chút mồ hôi nào. Nhìn vẻ mặt đầy ái ngại của tôi khi thấy ngọn núi cao sừng sững trước mặt, ông bạn đồng nghiệp ném cho tôi một lời động viên pha chút kích động: "Còn hai cây số nữa thôi. Chùa Đồng hay lắm. Đi Yên Tử mà không chạm được tay vào chiếc chuông của chùa Đồng thì đi làm gì?". Tôi hạ quyết tâm bằng một câu an ủi chính mình: "Vua mà con leo đến tận đỉnh núi để xây chùa, sao mình lại không lên đến đỉnh?".

Tôi ngước nhìn lên đỉnh Bạch Vân Sơn một lần nữa và hiện ra trong mắt mình không phải là mây mà là một khối người đang di động theo hướng… tiến lên.

* Chạm tay cửa Phật

Trước chùa Đồng (ảnh: Trần Đăng)

Hai bát cơm qua quýt trong quán trọ cạnh chùa Hoa Yên đã bay vèo khi tôi vừa đặt chân cạnh cửa ngôi chùa có tên Một Mái. Tôi nghe một giọng đàn bà thì thào phía sau lưng: "Cố lên ông ơi!". Giọng người đàn ông nghe chừng đứt nối: "Cố thế chó nào được. Hết sức rồi!". Ông chừng sáu chục, "bà" chừng bốn nhăm. Đúng là ông không thể "cố" như lời động viên của "bà" được, bèn ngồi đánh phạch ngay giữa lối đi và… thở.

Trong suốt cuộc hành trình hai giờ ngược dốc, tôi đã nghe rất nhiều những lời động viên như thế. Đi Yên Tử không chỉ là cuộc trắc nghiệm về sức khỏe mà còn là nơi thử thách về lòng kiên nhẫn của con người nữa. Anh nào không kiên nhẫn, đừng nói chuyện leo đỉnh Bạch Vân Sơn này. Đi một quãng là muốn bỏ cuộc nhưng rồi tự dặn lòng, phải lên đến chùa Đồng, chạm tay vào cửa Phật thì mới tịnh tâm được. Lại cố. Tôi nghiệm một điều, vua Trần Nhân Tông không chỉ vĩ đại ở cái cách "xuất-xử" của ông mà còn vĩ đại ngay trong cách… xây chùa. Chỉ có nhà chiến lược cộng với nhà thi sĩ tồn tại trong một con người như ông thì mới chọn đất xây chùa như thế!

Cứ ngỡ chùa Đồng cũng to như chùa… Thiên Mụ ở Huế, hóa ra chùa "khiêm tốn" như một cái am! Ông Thước nói với tôi rằng, vì là làm bằng đồng nên chùa mới có tên như thế. Nhưng quan sát của tôi, ở đây có hai ngôi chùa: Một bằng đồng, một bằng… vôi. Hỏi mấy người "đi chùa chuyên nghiệp" thì mới hay rằng, chùa xây bằng vôi mới là chùa Đồng, còn chùa làm bằng đồng thì do mấy nhà hảo tâm ở Hà Nội "tài trợ" đồng để xây chùa! Mà thôi, tôi đã chạm được tay mình vào "cửa Phật" là đủ cho một lần rong ruổi trong đời rồi. Còn chùa đồng hay chùa… vôi gì là chuyện không phải của mình. Tôi cũng chẳng buồn nghe những lời khấn vái của một vài "tín đồ" nơi cửa Phật mà nếu chép ra đây, lòng chay tịnh sẽ bị bôi đen thêm một chút. Cũng như cả cái khu du lịch này sắp chìm trong… rác thì cũng là chuyện không muốn miêu tả kỹ ra đây.

Tất cả những điều lẽ ra không nên có nơi cửa Phật ấy, chắc chắn là không thể "giải oan" chỗ nào, dù ở Yên Tử có một ngôi chùa mang tên Giải Oan. Cửa Phật bao giờ cũng rộng lòng và độ lượng. Nhưng du khách sẽ không đủ nhân từ để độ lượng với những điều phi văn hóa nếu như họ muốn trở lại thêm một lần nơi Yên Tử.

. T. Đ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hơn 2.000 diễn viên, học sinh sẽ tham gia phần hội   (14/03/2005)
"Nửa xuân gần gũi, nửa xa xôi"   (13/03/2005)
A Tường vứt xe đạp  (11/03/2005)
Thanh Lam với Nắng lên  (11/03/2005)
Nghệ sĩ Hoàng Minh: Chân hia, chân đất  (11/03/2005)
Những hình ảnh chưa biết về cuộc chiến tranh Việt Nam   (10/03/2005)
Tập luyện chuẩn bị Lễ hội kỷ niệm 30 năm giải phóng Bình Định  (09/03/2005)
Nỗi niềm di sản   (09/03/2005)
Cảm hứng về thân phận người phụ nữ trong thơ ca hiện đại  (08/03/2005)
Một bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải "Thơ vì hòa bình" quốc tế   (08/03/2005)
Tao ngộ với những giấc mơ  (07/03/2005)
Kết quả giải VTV - Bài hát tôi yêu lần III  (07/03/2005)
NSND Trọng Bằng nhận giải thưởng hòa bình quốc tế  (07/03/2005)
Michelangelo - một thiên tài nghệ thuật  (07/03/2005)
Thơ: Nguyễn Khắc Tuấn, Hồ Thế Phất   (04/03/2005)