|
Bìa cuốn sách “Tuyển tập thơ tứ tuyệt”. |
Tuyển tập thơ tứ tuyệt là tác phẩm thứ 12 đã được ấn hành, kết tụ từ hơn 60 năm tha thiết sống cho thi ca của Yến Lan. Trong tuyển tập mang tính di cảo này, vợ ông: bà Nguyễn Thị Lan đã sưu tầm và ghi chép trong thời gian khá dài, để tập hợp được hơn 440 bài thơ tứ tuyệt được ông sáng tác rải rác từ năm 1936 cho đến những ngày cuối đời - những bài thơ ông sáng tác ngay trên giường bệnh.
Nhận xét về thơ tứ tuyệt của Yến Lan, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Biết bao bài tứ tuyệt trên báo hiện nay chỉ là thơ bốn câu, tứ tuyệt của Yến Lan có tình và có “thế võ” của tứ tuyệt!” (Lời tựa cho tập Thơ Yến Lan, Nxb. Văn học, 1987). “Thế võ” mà Chế Lan Viên đã nhận xét, là tất cả những cảnh tình đều được ông gạn lọc tinh tế, cô đọng, sáng tạo, với một tâm hồn phong phú và nhạy cảm.
Từ năm 1936, nghĩa là cách nay đã tròn 70 năm, Yến Lan đã viết Hoa tặng với lời thơ dung dị, nhẹ nhàng, nhưng cũng rất sâu sắc, mới lạ:
Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa
Tặng em ngấp nghé chực quanh nhà
Người không ra đón hoa dần héo
Héo cả làn mây đỉnh núi xa
Bài Vô đề viết năm 1942 thì thật lãng mạn:
Gió về đâu đó bước khoan thai
Trở nhẹ cành sương mở búp nhài
Một áng hương đưa vừa đủ lọt
Kẽ bàn tay ấy lướt ngang cây
Tình cảm thâm trầm, nhưng cũng tuyệt đẹp về mẹ:
Ai giải dùm ta tiếng võng đưa
Của bao người mẹ tự bao giờ
Những chiều năm xưa năm xưa ấy
Trong lúc ngoài trời lén đổ mưa
(Tiếng võng ru)
Ý thơ giản dị, chân tình mà sâu lắng:
Nhà không vườn, không gác, không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng
(Nợ)
Ngày 20 tháng 9 năm 1993, Yến Lan ra thăm lại Huế, ông “Nhớ Hàn Mặc Tử” qua 4 câu thơ mà mỗi câu là một hình ảnh tượng trưng được chạm khắc rất tài tình:
Lạc ngang chiều Huế một làn mây
Lá trúc sương in trắng nét mày
Chữ lạnh thơ treo trăng lã chã
Ai về Vĩ Dạ, nhớ ai đây?
Năm 1998, Yến Lan trở bệnh nặng, thời gian trên giường bệnh, ông vẫn tha thiết với thơ. Ông đã viết hơn 60 bài thơ tứ tuyệt cuối cùng. Những ngày gần từ giã cõi đời, ông không cầm bút tự viết được, mà chỉ đọc, bà Nguyễn Thị Lan ghi chép vào một tập vở học sinh. Đặc biệt, những bài thơ sau cùng này vẫn tràn đầy lòng thiết tha với thơ, với người, tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống:
Theo dõi đêm sâu mỗi tiếng gà
Tưởng chừng chốc lát sẽ đi xa
Tình còn lưu chút mùi nhân thế
Lay lắt hoàng hôn một gốc hoa
(Lay lắt)
Đến ngày 22-7-1998, ông viết Phổ một mối tình cờ đầy lòng trắc ẩn và lãng mạn:
Cõi xa ta đã đến thăm
Ơn em năm tháng như tằm ươm tơ
Phổ học một buổi tình cờ
Vầng trăng thuở nọ bất ngờ hiện ra
Đọc 440 bài thơ của 240 trang sách, chúng ta đều bắt gặp ở nhà thơ tài hoa những bài tứ tuyệt trong sáng, giản dị, sâu lắng và nhất là luôn có sự khám phá, đầy tính sáng tạo, truyền thẳng xúc cảm, ý tình một cách lôi cuốn. Ở Tuyển tập thơ tứ tuyệt, ta gặp được cả “cái tình” lẫn “thế võ” thơ tứ tuyệt của Yến Lan.
Yến Lan đã đi xa 8 năm. Đây là món quà cuối ông gửi lại cho chúng ta.
(*) Đọc Tuyển tập thơ tứ tuyệt của Yến Lan, Nxb. Văn học, 2006.
|