Đứng thẳng lưng dưới mặt trời
17:33', 28/9/ 2006 (GMT+7)

Bìa Tiểu thuyết Mặt trời nhà Scorta.

Tiểu thuyết Mặt trời nhà Scorta có mặt trên kệ ở Nhà sách Quy Nhơn đã lâu. Dễ cũng đã gần 3 tháng. Cái tên tác giả lạ lẫm cộng với cái bìa ít đẹp khiến ít ai để ý đến nó. Những lời giới thiệu to tát ở bìa cuốn sách như chiếc áo rộng so với số trang in, càng làm người ta lơ là nó thêm. Tình cờ tôi biết được người dịch là Dương Tường và sách đã vào đến chung khảo của giải văn học hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội. Nên đã quay lại và đọc thử vài dòng... Tôi đã đọc thử gần nửa giờ liền và quên mất đã đến giờ nhà sách đóng cửa...

...Trong trạng thái tuyệt vọng, sở dĩ tên cướp Luciano vượt qua được 5.475 ngày/15 năm tù là bởi đêm đêm hắn ôm ấp người tình trong mộng Filomena - một cô gái thuộc gia đình danh giá ở làng Metepuccio. Trong 15 năm "đếm lịch", nỗi khát khao Filomena đã trở thành cái neo cứu vãn được những gì còn lại". Ngay sau khi ra tù, Luciano liều lĩnh trở về Metepuccio, tìm đến và "chiếm đoạt Filomena rồi chết". Filomena không kháng cự, đã ăn nằm với y rồi chia tay không nói một lời.

Người làng Metepuccio phát hiện ra y và hành vi mà y vừa làm liền bao vây và xử tên cướp bằng cách ném đá. Luciano không hề kháng cự. Y đã chán kiếp người - cướp trốn chui trốn nhủi chứ cũng chẳng phải vì muốn hoàn lương. Y đón nhận cái chết thản nhiên bởi đã thực hiện được mơ ước nung nấu suốt 15 năm. Nhưng đến phút hấp hối, Luciano biết số phận đã chơi trác y vì người phụ nữ mà y vừa cưỡng đoạt không phải lời "nàng Filomena trong mộng" mà là cô em gái bị câm của nàng - Immacolata. Y đã đổi mạng sống một cách lầm lẫn để chỉ được một lần ăn nằm với người mình không mơ tưởng.

Dòng họ Scorta bị nguyền rủa đã bắt đầu như vậy. Đến thế hệ thứ hai, Rocco Mascalzone cũng trở thành một tên cướp. Y cũng lấy một phụ nữ câm làm vợ. Và Rocco trở thành nỗi ám ảnh, là bệnh dịch mà Chúa Trời đã gởi đến cho làng Metepuccio để trừng phạt cái tội đã định chôn sống hắn. Cuối cùng theo một thỏa ước không thành văn giữa y và đức cha Don Giorgio, y buông tha làng Metepuccio và điều kỳ quái là dân làng vừa căm ghét, e sợ nhà Scorta, vừa tôn trọng và pha chút khâm phục họ.

Thế hệ thứ ba, những đứa con của Rocco gồm Domenico, Giuseppe và Carmela Mascalzone, bị chính cha mình tước đoạt quyền thừa kế núi tài sản phi pháp và trở thành những kẻ bần cùng, đói khát. Nghèo đói và rớt xuống tận đáy xã hội, những đứa con nhà Scorta quyết chí cứu chuộc linh hồn bằng cách đứng thẳng lưng dưới anh mặt trời. Và tự họ đã thắp sáng tâm hồn mình bằng cách đốt cháy chính nó. Những mặt trời nhà Scorta đã vững vàng như vậy trên vùng đất thấm đẫm mùi đất, hương vị mặt trời và mùi mồ hôi... Họ chắt lọc từ đấy ra những dòng mật ô liu sóng sánh... Cái tín điều tự mình phải đốt cháy mình để thắp sáng tâm hồn của nhà Scorta được truyền đến thế hệ sau, thế hệ sau nữa. Scorta một dòng họ bị nguyền rủa kỳ quặc đã sống với tình yêu và niềm hạnh phúc gầy dựng từ hai bàn tay trắng của mình...

Nhà văn Laurent Gaudé đang ký tặng sách cho một bạn đọc, ảnh nhỏ là bìa của một ấn bản Le Soleil des Scorta. Laurent Gaudé, nhà văn Pháp (sinh năm 1972), được biết đến từ năm 2002, sau khi cho ra đời cuốn Cái chết của vua Tsongo, được dịch ra 15 thứ tiếng.

Vợ ông là người Italia. Ông cũng là một nhà soạn kịch. Laurent Gaudé rất sửng sốt và rất hạnh phúc khi biết tin mình được trao giải Goncourt thứ 101 (2004) với tiểu thuyết Mặt trời của Scorta: “Tôi hơi bị chóng mặt".

Mặt trời của Scorta kể về một gia đình toan tính thoát ra khỏi số phận khốn khổ của mình, cuốn tiểu thuyết được đánh giá là đầy tính nhân bản, đầy những sự kiện bất ngờ.

Một khung thời gian liên tục rất dài. Những nhân vật có tính cách đa dạng, có màu sắc, hình khối, chiều kích, ngôn ngữ khác nhau. Cái lạ của Mặt trời nhà Scorta là mười chương trong cuốn sách, được đặt tên đầy đủ, nếu thích có thể tách ra làm mười truyện ngắn độc lập. Chẳng hề gì. Ghép lại vẫn thấy đúng là tiểu thuyết. Đó là chưa kể đến những đoạn tự sự vừa êm đềm, vừa trăn trở day dứt trôi miên man vừa như ở bên lề sách vừa như là dòng chảy ngầm sục sôi muốn trồi lên báo hiệu sự có mặt của mình.

Từng ấy chi tiết lại gói trong 296 trang nội dung loại sách cỡ vừa (12x20cm). Bên cạnh cái tài của tác giả. Dĩ nhiên. Không phải tự nhiên mà Mặt trời nhà Scorta được trao giải Goncourt năm 2004, giải thưởng danh giá nhất của văn học Pháp và được dịch ra 43 thứ tiếng. Nhưng đừng quên cái tài của dịch giả. Bởi thế, xin nói thêm về bản dịch này.

Tôi đã nhắn tin cho đôi ba người bạn và quả tình sự đồng cảm về bản dịch có chất lượng tuyệt cao này cho thấy - những lời tán tụng kiểu - sách Dương Tường dịch, có thể mua mà không cần xem ai là tác giả, nhà nào xuất bản... xét về nhiều khía cạnh cũng không phải là nói quá.

Có thể nói bản dịch Mặt trời nhà Scorta từ nguyên bản tiếng Pháp Le Soleil des Scorta là một bản dịch đẹp. Rất nhiều đoạn được diễn cảm hết sức tinh tế, trau chuốt. Nhờ đó người đọc có thể mường tượng một cách sinh động về đất - người và cuộc sinh tồn của những nông dân, thị dân miền Nam nước Ý. Nơi mặt trời đốt cháy quả đất để vắt ra những giọt dầu ô liu cứu rỗi, ở đó có tất cả những gì mà con người có thể hình dung về tấm lòng của mẹ đất với con người.

Nét thú vị của Mặt trời nhà Scorta là, bằng sự gợi cảm của mình, nó vừa cuốn hút, buộc người ta nghiến ngấu, lao mau tới. Nhưng cũng bằng sự tinh tế, nó khiến người ta phải tự kiềm mình lại để nhẩn nha những con chữ. Xin được nhắc lại, bản dịch đẹp như bức tranh khắc, nó khiến người ta muốn sờ lên những con chữ để thêm một lần nữa tin rằng điều đó là có thật.

  • Kiều Phong

Đọc Mặt trời nhà Scorta của Laurent Gaudé, người dịch Dương Tường, NXB Hội Nhà văn và  Công ty Văn hóa-Truyền thông Nhã Nam ấn hành.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trò chuyện với người viết "Học phí trả bằng máu"  (28/09/2006)
Bạn tôi  (28/09/2006)
Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (28/09/2006)
Chỉnh trang, nâng cấp mộ Hàn Mặc Tử  (28/09/2006)
"Khi kịch cọt lúc thơ ca"  (27/09/2006)
Đã có nhiều thay đổi trong quản lý dịch vụ văn hóa  (26/09/2006)
Trần Thu Hà và Đối thoại 06  (25/09/2006)
Uống cà phê và nghe mưa rơi ở Quy Nhơn  (25/09/2006)
Truyện Kiều sẽ đến với từng nhà  (24/09/2006)
Tôi và em và Miki  (24/09/2006)
Vua và Em  (22/09/2006)
Hoa hậu  (22/09/2006)
Di tích Quy Nhơn chờ một diện mạo mới  (22/09/2006)
"Đêm trên cát" nhập hồn Cao Bá Quát  (21/09/2006)
Tiếp cận kho tàng văn hóa truyền thống bằng cách "click chuột"  (21/09/2006)