* Tản mạn của Thúc Giáp
Tôi ra Đà Nẵng học, mấy anh bạn cùng lớp là dân nhậu "chuyên nghiệp" rủ: "Chiều nay đi nhậu má đào, nghen!". Trời đất ơi, món nhậu gì mà… gợi cảm, mà khoái khẩu dữ vậy? Khiến tôi vốn là một kẻ nhậu "nghiệp dư" (uống một chai bia đã say) cũng hớn hở nhận lời không chút ngần ngừ và trong đầu lập tức thêu dệt ra bao chuyện thơ mộng.
Má đào chắc cũng đại loại như má phấn, má hồng, cũng đều "ám chỉ" tới các thiếu nữ xinh như mộng và cũng đều thơm phức. Thiệt đã! Vậy là vừa giong trống mở cờ trong bụng, vừa xỏ giày lật đật lên đường.
Quán nhậu ở cuối đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà, bình dân bụi bặm như bao quán nhậu bình dân khác. "Cho năm má đào, bà chủ." Anh bạn tôi kêu dõng dạc. "Bàn số ba, năm má đào" – tiếng bà chủ ứng theo. Tôi hồi hộp, chắc thể nào cũng có năm em tiếp viên má đào thơm phức túa ra phục vụ. Nhưng, trời hỡi là trời, chủ quán bưng ra năm cái… xương má heo luộc, còn nguyên con mắt trợn trừng trắng dã. Mới dòm đã hết muốn ăn.
Mọi sự ví von, cũng như so sánh, tự thân nó đã khập khiễng nhưng ví má heo là má đào thiếu nữ thì thiệt là không thể tưởng tượng nổi. Từ thiên đường, tôi rớt cái phịch xuống địa ngục trong tiếng hô hô cười rộ của đám bạn. Hỏi sao gọi má đào, mọi người giải thích: Đây là xương má đầu heo (đã róc hết thịt), gọi rút gọn là má đầu, sau dân nhậu gọi trại đi là má đào.
Món má đào làm tôi chợt nhớ đến món… vú nàng. Tôi đoan chắc, bất cứ gã đực rựa nào nghe đến món này đều muốn lủm một miếng xem mùi vị nó ra sao. Vú nàng cũng như má đào, cũng là một cách ví von. Đó là một loại ốc biển mà ở duyên hải miền Trung này, nơi nào cũng có. Do có hình dáng từa tựa như ngực thiếu nữ dậy thì, nên dân ta gọi là ốc vú nàng cho nó... hấp dẫn (có lẽ thế nên chỉ có ốc vú nàng chớ hông có ốc vú bà). Những năm trước đây, lữ khách ra vào trên đường thiên lý Bắc – Nam bằng xe đò hay xe lửa, khi ngang qua vùng Nam Trung bộ, thế nào cũng nghe giọng rao mời gọi thao thiết của những cô bán hàng rong: "Ai vú nàng hông?". Nghe mà tò mò muốn khám phá liền vậy đó.
Người miền Trung hóm hỉnh, trào lộng từ lời ăn tiếng nói hàng ngày cho đến cách ứng xử. Khúc ruột miền Trung là nơi chịu nhiều thiệt thòi nhất nước: Khí hậu khắc nghiệt lại bị thiên tai, chiến tranh tàn phá liên miên. Bởi vậy, để có thể sống chung với sự khắc nghiệt đó, như lẽ tự nhiên, người miền Trung đã mang sẵn trong mình cái máu lạc quan, vui vẻ.
Nếu tính từ mốc Nguyễn Hoàng đặt bước chân đầu tiên lên Cửa Việt (tháng 11-1558), chính thức mở cuộc đại di dân về phương Nam để lập nghiệp và mở mang bờ cõi, thì đến nay (2006) cộng đồng dân cư miền Trung đã trải qua gần bốn thế kỷ rưỡi hình thành và phát triển, cũng là chừng ấy thời gian để hình thành nên bản sắc văn hóa và tính cách con người miền Trung.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, ở Quảng Nam, một vùng đất địa đầu của cuộc hành trình về Nam, có một thành ngữ mô tả tính cách con người ở đây: "Quảng Nam hay cãi". Nguyên Ngọc cho rằng, phân tích kỹ cái cãi của người Quảng Nam (và cả Đàng Trong) ta sẽ thấy: cãi không phải là phủ định, mà ngược lại là khẳng định. Khẳng định bằng phủ định. Phủ định để khẳng định mạnh hơn. Và ông ví dụ: "Hỏi: Đường này đi Đà Nẵng phải không anh, chị? – Trả lời: Ủa, không đi Đà Nẵng thì đi đâu nữa!"…
Tôi nghĩ, ngay cái kiểu "cãi" này cũng mang nhiều hàm lượng hóm hỉnh, thể hiện rõ nét tính cách của người xứ Quảng nói riêng, miền Trung nói chung.
Và như đã nói, không chỉ hóm hỉnh, trào lộng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày mà trong cả cách ứng xử, hành động, người miền Trung cũng có nhiều cái "hổng giống ai". Có nhiều giai thoại về chuyện này. Chẳng hạn như Ông Ích Khiêm (người Quảng Nam), vị quan được vua Tự Đức giao giữ cửa biển Thuận An khi giặc Pháp đánh vào cửa này để tấn công kinh thành Huế (7-1883). Theo nhà văn Thái Vũ trong một cuốn sách viết về Huế, suốt ba ngày đêm quần nhau với giặc, quần áo của Ông Ích Khiêm bị rách hết nhưng ông vẫn không hay biết nên cứ nồng nỗng "cuổng trời" xông pha trong lửa đạn. Một người lính thấy vậy liền nhắc nhở nhưng ông gạt phắt đi: "Đánh giặc là chính chứ quần áo làm gì trong lúc này… Nhưng mà nhà ngươi có trầu cho ta một miếng." Rồi cứ nồng nỗng như thế, Ông Ích Khiêm vừa nhai trầu vừa chỉ đạo quân sĩ chống cự với giặc Pháp. Thật hào sảng và thống khoái.
Lại như cụ Nguyễn Công Trứ (người Hà Tĩnh), mãi đến năm 73 tuổi mới lấy vợ. Khi cô dâu ỏn ẻn hỏi tuổi chú rể, cụ tỉnh bơ đáp: "Năm mươi năm trước anh hai ba". Về hưu (năm Tự Đức thứ nhất - 1847, Nguyễn Công Trứ nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên), cụ không cưỡi ngựa mà đủng đỉnh cưỡi bò và lấy mo cau che đít bò để nghêu ngao với nhân gian, để che "miệng lưỡi thế gian". Ngông và hóm đến thế là cùng.
Phải có đến n chuyện như vậy, từ "má đào" cho đến giai thoại cụ Nguyễn Công Trứ cưỡi bò, nếu chịu khó thống kê. Tính cách người miền Trung là như vậy đó. Luôn hóm hỉnh và trào lộng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Và, có thể gọi đó là một bản sắc văn hóa của người miền Trung.
|