Ngày trước, Truyện Kiều-tác phẩm vĩ đại của thi hào Nguyễn Du đã truyền khẩu qua những giọng hát kể của các bà mẹ Việt Nam, qua những giọng ngâm đầy thương cảm và tiết tháo của các nhà nho yêu tiếng Việt, yêu văn chương Việt. Ngày xưa, những phương tiện quảng bá tác phẩm còn rất lạc hậu, nhưng Truyện Kiều với sức sống mãnh liệt của mình đã vượt thời gian một cách nhẹ nhàng.
Những bản in khắc ván Truyện Kiều còn lại cho thấy ông cha ta đã lưu giữ và bảo vệ kiệt tác này như thế nào. “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…”, người ta có thể tranh luận về ý kiến này, nhưng gần như ai cũng thống nhất ở một điểm: Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm trường tồn cùng tiếng Việt, là tác phẩm “còn lại với thời gian”.
Nhưng ở thời hiện đại, khi các phương tiện in ấn nghe nhìn phát triển đến cực đại, thì ngược lại, đã xuất hiện một nghịch lý: những tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều đang đứng trước nguy cơ mất dần người đọc. Sách in bây giờ đạt tới trình độ mỹ thuật rất cao, có rất nhiều kiểu cỡ sách in đáp ứng cho mọi nhu cầu, riêng Truyện Kiều cũng đã được in với số lượng lớn. Nhưng điều này là có thật: số người thực sự tâm đắc với kiệt tác này không còn nhiều như ngày trước, và số người có thể thuộc nhiều đoạn Truyện Kiều (chứ chưa dám nói thuộc hết 3254 câu thơ Truyện Kiều như ngày xưa đã từng có nhiều người như vậy) là không nhiều.
Truyện Kiều là tác phẩm cổ điển được giảng dạy liên tục ở các cấp học phổ thông, nhưng bây giờ,nếu thử trắc nghiệm một số lớn học sinh cuối cấp THPT về khả năng đọc thuộc Truyện Kiều, có lẽ kết quả sẽ khiến chúng ta buồn lòng! Chính vì vậy, khi cầm trên tay bộ CD Truyện Kiều gồm 10 đĩa CD được trình bày rất trang nhã do Công ty ty cổ phần học liệu (NXB Giáo Dục) thực hiện và sản xuất, tự nhiên tôi thấy cảm động: như mẹ ta xưa ngâm nga những câu Kiều bên nôi con, giờ ta lại được nghe Truyện Kiều với 3.254 câu thơ lục bát.
Cùng với những giọng ngâm thơ “vượt thời gian” của NSUT Trần Thị Tuyết và 7 giọng ngâm đã thành danh khác, cùng với phần nhạc đệm “ngọt” của những đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, của “trúc ti” réo rắt phù hợp với tâm trạng của từng đoạn thơ Kiều. Những tâm trạng khác nhau trong trọn bộ Truyện Kiều, trong suốt cuộc đời đầy những đắng cay giông bão của nàng Kiều là có thật.
Và khi nghe trọn cả 10 CD Truyện Kiều này, tôi chợt nhận ra điều đó, điều không dễ cân phân khi ta đọc bằng mắt tác phẩm này. Đã có nhiều nhà văn hiện đại trên thế giới chọn cách quảng bá những tác phẩm văn xuôi của mình bằng những đĩa CD, với giọng đọc diễn cảm của những nghệ sĩ nổi tiếng. Vậy mà với những tác phẩm cổ điển của Việt Nam, hầu hết là thơ, lại chưa được chú ý đúng mức để quảng bá qua phương tiện nghe nhìn. Nhất là nghe. Bởi cùng tác phẩm ấy, nhưng ta tự đọc bằng mắt sẽ đạt tới một mức hiệu quả, còn khi ta đã đọc rồi, lại được nghe, được thấm tác phẩm qua kênh nghe, thì hiệu quả sẽ tăng hơn rất nhiều. Nhất là với thơ lục bát, thể thơ dân tộc gắn liền với hình thức hát kể.
Tôi nghĩ, bây giờ những trẻ em Việt Nam ngay từ lúc nằm nôi đã có cơ hội “thấm” Truyện Kiều. Như thấm những lời hát ru của mẹ. Dĩ nhiên bây giờ trẻ con có bao nhiêu chọn lựa cho tai nghe của chúng, nhưng nếu Truyện Kiều “đi” được vào tâm hồn chúng từ ấu thơ, hiệu quả nhân văn, thẩm mỹ, những ngọn gió mát lành của hồn dân tộc sẽ là hành trang đầu đời cùng các cháu đi suốt cuộc tồn sinh. Nếu chúng ta “rước” được Nguyễn Du đến với từng gia đình Việt Nam, từng ngôi nhà Việt Nam, cả trong nước và ở nước ngoài, tôi nghĩ chỉ có tốt đẹp hơn cho đời sống tinh thần của người Việt mình mà thôi.
Bộ đĩa CD Truyện Kiều là một đột phá để mở ra những kênh đáp ứng cho chiến lược mà có lẽ Bộ văn hoá rất tán thành: chiến lược tiếp thị đưa “những kiệt tác văn học Việt Nam” đến với mỗi người Việt, dù họ đang ở đâu. Xin chúc mừng và giới thiệu sản phẩm đột phá này của Cty cổ phần học liệu thuộc NXB Giáo dục.
|