Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 87 và 88 của Chính phủ và Chỉ thị 814 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng”, hoạt động dịch vụ văn hóa ở tỉnh Bình Định đã có những chuyển biến tích cực...
|
Tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại. Ảnh: Hoài Thu
|
* Kiểm tra có trọng điểm, xử lý nghiêm vi phạm
10 năm qua, các lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 9.427 lượt các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện 3.389 trường hợp vi phạm; tịch thu 168.624 băng đĩa hình, băng đĩa nhạc không tem nhãn hoặc băng đĩa Nhà nước cấm lưu hành; 2.491 cuốn sách không có nhà xuất bản hoặc có nội dung xấu và độc hại; 872 ti vi đầu máy các loại, 314 CPU; tiêu hủy trên 500 kg lịch tờ, tranh ảnh, biển quảng cáo và xuất bản phẩm trái phép khác… Cơ quan chức năng cũng ra quyết định xử phạt gần 2,6 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 129 cơ sở; trong đó, 73 cơ sở bị thu hồi giấy phép... Nhờ tiến hành kiểm tra có trọng điểm, xử lý nghiêm với những vi phạm, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào ổn định và hoạt động tương đối có nề nếp.
Tuy nhiên, trên lĩnh vực này, vẫn còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn. Công tác phát động nhân dân tích cực tham gia vào việc tự quản lý, phát hiện và tố giác các sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tại các địa phương chưa mạnh. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý văn hóa chưa được nâng cao, có nơi còn coi việc quản lý văn hóa không phải là trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Ông Dương Minh Châu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, nhận xét: “Quản lý về văn hóa ở các huyện còn yếu và chưa đạt hiệu quả cao, trước hết là do kiểu xử lý còn nặng về “tình cảm”. Ngoài ra, kinh phí triển khai công tác này ở một số huyện bố trí quá ít; thậm chí, có địa phương hằng năm còn không cấp kinh phí hoạt động cho đội 814…”. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong quản lý, điều hành, nhất là trong công tác kiểm tra của một số ngành chức năng và địa phương chưa thường xuyên, ít hiệu quả. Mạng lưới cán bộ quản lý cấp cơ sở còn nhiều bất cập nhất là trong kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, biên chế… nên hiệu quả quản lý, thanh kiểm tra dịch vụ văn hóa còn thấp.
* Triển khai Nghị định mới: cần một sự chung tay
Ngày 18-1-2006, Chính phủ đã ra Nghị định 11 ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thay thế Nghị định 87. Để việc thực hiện Nghị định 11 đạt kết quả tốt, thời gian tới, Sở Văn hóa - Thông tin sẽ phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động dịch vụ văn hóa. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào một số lĩnh vực: internet, karaoke, vũ trường, in, xuất bản phẩm, băng đĩa... Việc cấp giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.
Yếu tố quan trọng khác là Thường trực 814 các cấp cần được tăng cường củng cố, bổ sung để các đội kiểm tra 814 đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu công việc. UBND các huyện, thành phố cũng phải dành một khoản kinh phí thích hợp trong ngân sách hằng năm để cấp cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 814 và đội kiểm tra liên ngành 814 của huyện, thành phố hoạt động.
Việc đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng sẽ góp phần rất quan trọng trong việc đẩy lùi các tiêu cực trong hoạt động dịch vụ văn hóa.
|