Tết Đinh Hợi 2007: Sôi nổi với các hoạt động mừng xuân
15:35', 1/2/ 2007 (GMT+7)

Còn 15 ngày nữa mới đến Tết Đinh Hợi 2007, nhưng không khí chuẩn bị đón Tết của người dân đang dần náo nức. Hòa vào không khí đó, các huyện và thành phố trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi trong dịp Tết…

 

Dạ hội giao thừa Xuân Đinh Hợi 2007 sẽ hoành tráng và lộng lẫy hơn. Trong ảnh: Dạ hội giao thừa Xuân Bính Tuất. Ảnh: H.T

 

* Dạ hội giao thừa: lộng lẫy, hoành tráng hơn

So với mọi năm, chương trình Dạ hội giao thừa đón xuân Đinh Hợi 2007 tại TP. Quy Nhơn sẽ được tổ chức hoành tráng và lộng lẫy hơn. Với chủ đề “Hát cùng mùa xuân”, chương trình sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút ngày 16-2 (29 tháng chạp). Trong chương trình, sẽ có 12 tiết mục nghệ thuật có chất lượng cao, do các nghệ sĩ trong tỉnh biểu diễn. Sau những âm thanh vang dội của dàn trống chầu 50 chiếc, Dạ hội giao thừa sẽ mở màn bằng tiết mục hát múa Trống hội mùa xuân. Tiếp nối chương trình sẽ là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như múa trình tường Chúc thọ đầu xuân (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), tổ khúc múa Chúc mừng năm mới - mừng Tết Đinh Hợi (học sinh Trường THCS Lê Lợi), múa Sắc bùa (Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định), múa võ (50 võ sinh Sở TDTT)… Tiết mục hát múa Quy Nhơn thành phố biển xanh với 70 diễn viên múa tham gia biểu diễn, cùng với việc tái hiện hình ảnh cây cầu Thị Nại trên sân khấu, sẽ khép lại chương trình này.

Ông Dương Minh Châu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh, nhận xét: “Về tổng thể, chương trình năm nay tương đối tốt vì đã kết hợp được yếu tố hiện đại và truyền thống trong các tiết mục. Và như vậy, chúng ta sẽ có một “dạ tiệc văn hóa” đúng nghĩa phục vụ nhân dân trong thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới”.

Trong những ngày Tết, trên địa bàn TP. Quy Nhơn cũng sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động mừng xuân sôi nổi khác. Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP. Quy Nhơn, cho biết: “Các hoạt động mừng xuân Đinh Hợi tại Quy Nhơn sẽ gồm nhiều loại hình phong phú”. Theo kế hoạch, ngay từ tối 16-2, các hoạt động vui chơi giải trí trong dịp Tết cổ truyền tại Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn đã khai mạc. Tại địa điểm này, sáng mùng một Tết (tức ngày 17-2), sẽ có chương trình đồng diễn thể dục dưỡng sinh và thi đấu giao hữu bóng chuyền. Chương trình đặc sắc nhất của ngày mùng hai Tết sẽ là “Đêm hội tháp Đôi”, diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngay dưới chân di tích Tháp Đôi. “Đêm hội tháp Đôi” sẽ gồm 11 tiết mục hát, múa đậm nét Chăm, như các tiết mục múa: Chàm Rông, Huyền thoại Tháp Đôi, Katê mùa xuân tình yêu và nhiều tiết mục hát múa khác. Trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết (tức ngày 19 và 20-2), tại Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn, sẽ tổ chức thi đấu cờ tướng trong buổi sáng và chiều; còn các buổi tối, sẽ biểu diễn Tuồng truyền thống tại Quảng trường Tượng đài Chiến Thắng và thi múa lân, kết hợp biểu diễn văn nghệ, võ thuật tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Ngoài ra, từ mùng 1 đến mùng 6 Tết (tức từ ngày 17 đến ngày 22-2), sẽ tổ chức khiêu vũ mừng xuân hằng đêm tại hai điểm là Nhà Văn hóa và Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn. Đồng thời, từ 29 đến mùng 10 Tết (tức từ ngày 16 đến ngày 26-2), sẽ tổ chức các trò chơi dành cho thiếu nhi tại chân cầu số 1 (phía Bắc sông Hà Thanh).

* Và đậm chất cổ truyền

Không có điều kiện để tổ chức hoành tráng như ở thành phố Quy Nhơn, nhưng bù lại, chương trình vui xuân tại các huyện sẽ tổ chức với đậm nét văn hóa cổ truyền, thông qua các lễ hội và các trò chơi truyền thống, gắn với bản sắc văn hóa từng địa phương.

Trong đó, Tuy Phước là một trong những huyện xây dựng được chương trình vui xuân phong phú và chất lượng nhất. Lễ hội chợ Gò truyền thống sẽ được tổ chức vào sáng mùng 1 Tết tại Trường Úc, với các trò chơi hấp dẫn, vui nhộn như: nhảy bao bố chuyền bóng, bụm nước đổ vào chai, cướp cờ nhanh. Còn Hội Đua thuyền truyền thống sẽ được tổ chức vào chiều mùng 2 Tết tại sông Gò Bồi, với 4 đơn vị tham gia gồm Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận; đua tài ở các nội dung: bơi sõng câu bằng dầm, chống sõng câu bằng sào và đua thuyền rồng 12 người. Ngoài ra, Chi hội Võ thuật huyện cũng tổ chức thi đấu võ thuật vào tối mùng 4 và mùng 5 Tết tại xã Phước Nghĩa và tối mùng 8 và mùng 9 Tết tại Trung tâm TDTT Hà Thanh (thị trấn Diêu Trì), với sự tham gia của các võ đường trong huyện cùng một số võ đường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Tuy Phước còn tổ chức hai đêm hát Tuồng vào tối mùng 1 và mùng 2 Tết tại chợ Gò.

 

Lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (huyện Tuy Phước) luôn thu hút đông đảo người xem. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Chương trình vui xuân của huyện Hoài Nhơn cũng khá phong phú. Ông Mai Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, cho biết: “Ngoài việc phối hợp với hai xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc tổ chức Kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Đồi Mười vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, chúng tôi còn tổ chức hội xuân và chợ hoa tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, với các gian hàng vui chơi lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa như chơi xổ cổ nhơn, lô tô và các hoạt động như triển lãm ảnh, phòng đọc báo xuân”. Ngoài ra, các địa phương trong huyện còn tổ chức nhiều hoạt động TDTT phù hợp với những ngày Tết như đấu bóng chuyền, bóng đá, võ thuật, đua thuyền, lắc thúng… Huyện Phù Cát thì tổ chức vui xuân bằng các hoạt động: chợ hoa xuân, giao lưu văn nghệ, hát Tuồng; các trò chơi dân gian như kéo co, đập ấm… và tổ chức giải võ cổ truyền.

Huyện Tây Sơn ngoài chương trình kỷ niệm 218 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2007), còn tổ chức thi đấu võ cổ truyền (nội dung đối kháng) liên tỉnh tại Sân vận động huyện vào 3 đêm từ mùng 4 đến mùng 6 Tết. Đoàn Tuồng của huyện cũng biểu diễn ở một số xã vùng sâu, vùng xa, còn đội chiếu bóng lưu động sẽ chiếu phim phục vụ đồng bào xã vùng cao Vĩnh An.

Các huyện miền núi cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động vui xuân cho nhân dân địa phương. Ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vân Canh, cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ tổ chức Hội thi hát karaoke vào tối mùng 3 Tết và các hoạt động TDTT như thi xe đạp nam nữ, bóng chuyền nam” . Các huyện như Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân như đấu võ thuật, cờ tướng, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian. Bên cạnh sự chủ động chuẩn bị các huyện, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh cũng đã xây dựng một chương trình ca múa nhạc đặc sắc, phục vụ bà con nhân dân tại ba huyện miền núi: Vân Canh (mùng 1 và mùng 2 Tết), Vĩnh Thạnh (mùng 3 và mùng 4 Tết), An Lão (mùng 5 và mùng 6 Tết).

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đợt phim mừng Đảng mừng xuân Đinh Hợi  (31/01/2007)
Thư viện huyện, cơ sở: Còn nhiều cái khó  (30/01/2007)
Xây dựng bộ phim “Bình Định - Tiềm năng du lịch sinh thái biển”   (26/01/2007)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đạt Giải đặc biệt xuất sắc nhất Châu Á  (25/01/2007)
Tháng Chạp mùa này rét lắm  (23/01/2007)
Lạc vào thế giới gốm Việt  (23/01/2007)
Ru con...  (21/01/2007)
Đọc “Nhân vật Bình Định” của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (19/01/2007)
“Thượng đế” ngày càng có nhiều sự lựa chọn  (18/01/2007)
Không đổi mới tư duy nghệ thuật thì cầm bút mãi để làm gì?  (18/01/2007)
Hai vở diễn mới của sân khấu truyền thống  (16/01/2007)
BTV đoạt ba giải bạc  (15/01/2007)
Song kiếm đệ nhất miền Trung  (14/01/2007)
Ca sĩ Quang Dũng: Tôi rất thích nhìn vào mắt Jennifer  (12/01/2007)
Dựng đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân  (12/01/2007)