Biến vỉa hè, lề đường thành “kho” chứa phế liệu
Hiện nay, tình trạng một số người dân lấn chiếm vỉa hè, lề đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGTĐB) làm điểm thu mua, tập kết, sơ chế các loại phế liệu trở nên khá phổ biến. Tình trạng này không những gây mất an toàn giao thông (ATGT) mà còn khiến môi trường bị ô nhiễm.
Vi phạm tràn lan khó kiểm soát
Hiện nay, phần lớn các địa phương trong tỉnh đều xảy ra tình trạng một số hộ gia đình lấn chiếm hành lang đường bộ (HLĐB), vỉa hè, lề đường làm điểm thu mua, tập kết và sơ chế phế liệu. Điển hình, trên địa bàn huyện Tuy Phước, chỉ một đoạn đường ngắn chừng 500m từ thôn Vinh Thạnh 1 đến thôn Vĩnh Huy (thuộc QL 19, xã Phước Lộc) đã có 4, 5 điểm thu mua, tập kết phế liệu lấn chiếm HLATGTĐB. Ngoài ra, nhiều đoạn đường thuộc tuyến QL 1A cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Trên địa bàn thị xã An Nhơn, từ năm 2009 đến nay, điểm thu mua, sơ chế phế liệu nằm ven QL 1A (khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành) của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc đã biến vỉa hè, lề đường thành “kho” chứa phế liệu. Điều đáng nói, cơ sở này nhiều lần bị ngành chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm nhưng không hiểu sao nó vẫn “sống tốt, sống khỏe”.
Ngoài điểm thu mua này, tại thị xã An Nhơn còn khá nhiều điểm thu mua phế liệu khác cũng vô tư biến HLĐB, vỉa hè làm nơi tập kết hàng; đặc biệt là các đoạn đường nằm ven QL 1A và QL 19.
Các địa phương khác như huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Phù Cát cũng xảy ra tình trạng người dân biến lề đường, vỉa hè thành “kho” chứa phế liệu; trong đó, nổi cộm nhất phải kể đến địa bàn huyện Phù Cát, đặc biệt là đoạn đi qua địa phận xã Cát Tân. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã Cát Tân hiện có hơn 470 cơ sở và hộ gia đình thu mua, sơ chế nhựa phế liệu, trong đó rất nhiều điểm tập trung dọc QL 1A thuộc thôn Kiều An, Hòa Dõng.
Cơ quan chức năng nói gì?
Điểm chung của các “kho” chứa phế liệu tại vỉa hè, lề đường, HLĐB là tập trung lượng lớn phế liệu tại một địa điểm trong thời gian dài; bên cạnh đó còn thực hiện sơ chế, tái chế phế liệu gây ÔNMT. Cụ thể: Các cơ sở thu mua phế liệu sau khi lựa ra những phế liệu có thể tái chế được thì đồng thời cũng thải ra một lượng lớn phế thải, nhiều nhất là các chai thuốc trừ sâu bằng nhựa, xốp mũ bảo hiểm. Những loại phế thải này được các chủ cơ sở bỏ rải rác khắp nơi hoặc chất thành đống rồi đốt gây ra mùi hôi, khét suốt nhiều ngày trong một vùng không gian rộng lớn.
Chưa hết, trong quá trình hoạt động sơ chế, các máy xay xát nhựa, máy cán, nghiền kim loại… tạo ra tiếng ồn lớn; nước rửa nhựa thải trực tiếp ra môi trường, thấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân chung quanh. Một nguy hại khác, các điểm tập kết phế liệu nằm trong khu dân cư còn ẩn chứa nguy cơ cháy nổ, bởi nhựa phế liệu, đầu đạn sét, chất nổ trộn lẫn.
Theo ông Trần Văn Vỹ, Phó trưởng phòng TNMT thị xã An Nhơn: Do các cơ sở thu mua, sơ chế phế liệu hầu hết hoạt động tự phát nên Phòng TNMT chưa thống kê chính xác hiện trên địa bàn thị xã An Nhơn có bao nhiêu cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, đa số các cơ sở nằm trong khu dân cư, thường tập trung các loại phế liệu ở ven vỉa hè, lề đường, HLĐB để tiện việc thu gom, vận chuyển. Trước thực trạng này, Phòng TNMT đã có nhiều đợt phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, hầu hết các điểm thu mua, sơ chế phế liệu đều tái vi phạm sau khi ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Về lâu dài, các cơ sở thu mua phế liệu với số lượng lớn cần phải tập trung hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn .
Còn ông Phạm Dũng Luận, Phó trưởng phòng TNMT huyện Phù Cát, cho biết: Phòng đã phối hợp với UBND xã Cát Tân làm việc với các chủ cơ sở thu mua, sơ chế phế liệu thuộc địa bàn xã Cát Tân để yêu cầu người dân làm cam kết bảo vệ môi trường, đảm bảo ATGT trong quá trình hoạt động. Hiện nay, tình trạng ÔNMT ở các điểm này có giảm chút ít. Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, rà soát những cơ sở chưa thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý hành chính đối với hộ vi phạm; các trường hợp tái phạm nghiêm trọng có thể sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động.
Xử lý các điểm tập kết, sơ chế phế liệu tồn tại ven vỉa hè, lề đường, HLĐB là việc làm thường xuyên, lâu dài và cần có sự kiên quyết. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đề ra giải pháp đồng bộ, để đảm bảo trật tự ATGT và giữ sạch môi trường.
Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải:
Thanh tra Sở Giao thông vận tải thường xuyên đề nghị UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động, làm việc với các hộ có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, HLATGTĐB làm nơi buôn bán, kinh doanh, tập kết phế liệu… để yêu cầu người dân tự nguyện dọn dẹp, tháo dỡ công trình lấn chiếm. Đồng thời chúng tôi yêu cầu UBND các phường, xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra dai dẳng.
Bài, ảnh: VĂN LỰC