Xây chợ bỏ hoang, lãng phí tiền tỉ
Trong quá trình đầu tư xây dựng chợ do các địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác quy hoạch, quản lý nên đến nay một số chợ trên địa bàn tỉnh xây dựng xong rồi bỏ hoang, gây lãng phí hàng tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Chợ Mỹ Chánh Tây (xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) không có tiểu thương mua bán nên bỏ hoang.
Chợ mới… bỏ hoang
Hiện nay một số chợ ở các xã trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng rất khang trang, trong đó có những chợ đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng nhưng tiểu thương không vào buôn bán, có chợ chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có chợ bị bỏ hoang trong khi chợ cóc, chợ tạm lại buôn bán tấp nập. Nguyên nhân là các chợ mới xây hoạt động không hiệu quả do khâu khảo sát địa điểm xây chợ chưa tốt, đặt chợ ở nơi không phù hợp.
Chợ Mỹ Chánh Tây (xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) tọa lại tại thôn Trung Thuận với diện tích 25.000m2 được xây dựng khang trang vào năm 2009, với kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng. Sau đó chợ được đưa vào sử dụng, nhưng chỉ sau vài tháng buôn bán èo uột, các tiểu thương đành phải quay về chợ tạm ven đường buôn bán. Hiện diện tích mặt bằng chợ được các cơ sở sản xuất ớt trưng dụng làm sân phơi, diện tích nhà lồng làm kho chứa ớt. Tiểu thương Nguyễn Thị Ngọc Hường, ở thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh than thở: “Lúc đầu chợ mới đi vào hoạt động rất ít người vào chợ mua bán. Sau đó thì chẳng có ai vào chợ. Buôn bán ế ẩm nên tiểu thương lỗ nặng, đành phải bỏ chợ”.
Chợ Mỹ Hòa được UBND xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) đầu tư hơn 500 triệu đồng vào năm 2002 gồm 1 khu ngoài trời và 2 khu nhà lồng (mỗi khu rộng 300 m2) để phục vụ nhu cầu mua bán ở địa phương. Sau đó, UBND xã còn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để xây nhà quản lý chợ, nhà để xe, nhà vệ sinh và hệ thống cổng ngõ, tường rào xung quanh. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, 1 khu nhà lồng đã bị bỏ trống hoàn toàn; 1 khu còn lại lèo tèo vài người vào buôn bán. Đa phần tiểu thương ra khu ngoài trời buôn bán cho tiện vì gần đường.
Chợ Canh Hòa (huyện Vân Canh) được xây dựng tại làng Canh Thành chừng 15 năm trước, với kinh phí hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135). Chợ xây kiên cố, khang trang, rộng hơn 1.400 m2, gồm 2 khu nhà lồng hình chữ nhật và khu nhà mái vòm hình lục giác. Tuy nhiên, từ khi chợ xây xong đến nay, chưa một ngày đi vào hoạt động, do địa bàn xã Canh Hòa gần chợ Vân Canh nên người dân ưu tiên đi chợ tại thị trấn. Vì vậy, một số người dân đã “tận dụng” chợ làm chỗ… nuôi nhốt bò.
Chợ Phú Đa (thôn Tân Dân) được UBND xã Nhơn An (TX An Nhơn) đầu tư hơn 1 tỉ đồng vào năm 2005, trên khu đất rộng hơn 0,6 ha; gồm khu chợ ngoài trời và 2 khu nhà lồng dành cho các tiểu thương kinh doanh quần áo, vải, giày dép…. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, 2 khu nhà lồng luôn trong tình trạng “vườn không nhà trống” do tiểu thương không vào buôn bán. Hiện tại, một khu bỏ trống hoàn toàn, một khu chỉ có vài tiểu thương buôn bán vải.
Địa điểm không phù hợp, quản lý kém
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ), trước ngày khai trương chợ thì các tiểu thương đăng ký mua bán ở đây tương đối đông, đến nay còn khoảng 50 hộ kinh doanh mua bán trong chợ. Nguyên nhân là các tiểu thương thay đổi hình thức kinh doanh là mua bán từng điểm theo thôn, xóm, người mua bán ra đó thuận tiện hơn. Mặc khác, chợ Mỹ Chánh Tây chỉ cách chợ An Lương (xã Mỹ Chánh) chỉ hơn cây số nên tiểu thương và người mua tập trung xuống chợ An Lương, dần dà chợ Mỹ Chánh Tây càng đìu hiu.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An (TX An Nhơn), cho biết do đặc thù của chợ ở vùng nông thôn nên tiểu thương thích ngồi bên ngoài để tiện buôn bán. Do vậy, 2 khu nhà lồng tại chợ Phú Đa chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả và đúng mục đích đề ra ban đầu. Thời gian vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nên hiện nay một số tiểu thương đã ý thức đưa gian hàng vào họp chợ bên trong nhà lồng và tiếp tục vận động các tiểu thường còn lại vào trong chợ để mua bán.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến các chợ bị bỏ hoang là do sự yếu kém trong khâu quản lý, rà soát và đánh giá hiệu quả của các công trình. Việc quy hoạch và xây dựng một số chợ không gắn với tập quán, thói quen tiêu dùng và điều kiện thực tế của địa phương. Hàng năm, Sở Công Thương cũng đã mời lãnh đạo huyện, xã, Ban Quản lý các chợ tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, kinh doanh chợ, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH ở từng địa phương. Sở đã có văn bản trình UBND tỉnh quy hoạch lại các chợ cho phù hợp. Trong đó đề nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn để có hướng xử lý và hạn chế lãng phí.
“Chúng tôi đã yêu cầu UBND các huyện, các xã và ban quản lý có chợ bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả tìm giải pháp vận động các hộ tiểu thương vào chợ buôn bán, đồng thời xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh tự phát”, ông Tây nói.
VĂN LƯU