SẢN XUẤT VỤ HÈ THU NĂM 2018:
Ðiều tiết nước tưới hợp lý, chủ động phòng chống hạn
Theo nhận định của ngành chức năng, nước tưới cho vụ Hè Thu năm nay không căng thẳng, nhưng hạn cục bộ có thể xảy ra ở một số địa phương. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT), về vấn đề này.
* Xin ông cho biết lượng nước hiện có tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ Hè Thu (HT) năm nay?
- Sau khi cung cấp nước tưới cho vụ Đông Xuân 2017-2018, 165 hồ chứa trong tỉnh còn tích khoảng 360/578 triệu m3 nước, đạt 62% so với dung tích thiết kế. Trong đó, 15 hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (CTTL) Bình Định quản lý còn hơn 275/458 triệu m3 nước, đạt 60,2%; các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 84,5/120 triệu m3, đạt 72%.
So với vụ này năm trước, lượng nước vụ HT năm nay dồi dào hơn. Theo dự báo, thời tiết tỉnh ta từ tháng 4 - 8 ít mưa, mực nước các sông có xu thế giảm chậm và duy trì ở mức thấp. Trên cơ sở nguồn nước hiện có và dự báo diễn biến thời tiết, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch tưới cho cây trồng vụ HT. Theo đó, vụ sản xuất này tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 43.028 ha lúa và 12.386 ha cây trồng cạn. Trong đó, Công ty TNHH Khai thác CTTL đảm bảo tưới cho 27.658 ha; các CTTL do địa phương quản lý cung cấp nước tưới cho 19.623 ha. Qua kiểm tra, có 7.614 ha đất sản xuất vụ HT không đảm bảo được nước tưới.
Công ty TNHH Khai thác CTTL điều tiết nước từ hồ chứa nước Định Bình phục vụ sản xuất Hè Thu.
* Diện tích cây trồng có khả năng bị hạn tập trung ở địa phương nào, mức độ đến đâu, thưa ông?
- Diện tích cây trồng chưa đảm bảo nước tưới có khả năng bị hạn tập trung chủ yếu tại Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn. Tại các địa phương nói trên, các hồ chứa: Núi Một, Hội Khánh, Hố Cùng… phải hạ thấp mực nước để sửa chữa, nâng cấp, nên nguồn nước phục vụ sản xuất vụ HT hạn chế. Các chủ đầu tư cũng sẽ triển khai thi công nhiều tuyến kênh mương bị mưa lũ năm 2017 làm hư hỏng, ít nhiều sẽ ảnh hưởng nguồn nước tưới.
Còn tại huyện Vĩnh Thạnh, hiện hồ Tà Niêng đã cạn nước, nên có khoảng 31 ha đất sản xuất khó có thể đưa vào sản xuất trong vụ HT. Nhiều diện tích sản xuất ở khu vực cuối kênh N và N2 Lại Giang thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn và khu vực cuối nguồn các hồ Hội Sơn, Suối Tre, trạm bơm Chánh Khoan (Phù Cát) cũng sẽ thiếu hụt nước ở cuối vụ…
* Ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương sẽ triển khai những biện pháp gì để hạn chế thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra, đảm bảo hiệu quả sản xuất?
- Sở NN&PTNT đã thành lập các tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá lượng nước hiện có tại các hồ chứa, xác định rõ khu vực thiếu nước, thông tin kịp thời, chính xác tình hình hạn hán cho người dân biết để chủ động bố trí sản xuất và phòng chống hạn.
Chi cục Thủy lợi tổ chức quản lý, vận hành các cống tràn trên đê Đông không để xâm nhập mặn. Công ty TNHH Khai thác CTTL quản lý chặt chẽ lượng nước hiện có tại các hồ chứa nước lớn, đảm bảo tưới chắc diện tích trong hệ thống; sử dụng nước phát điện của hồ Định Bình và đập dâng Văn Phong theo nhu cầu tưới.
Các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; cân đối nguồn nước, thực hiện tưới tiết kiệm. Kiểm tra, tu bổ, sửa chữa các hạng mục công trình hồ chứa bị hư hỏng, nạo vét kênh mương; củng cố tổ đội thủy nông nội đồng, điều tiết nước tưới hợp lý.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)