Võ sư Ngọc Điệp:
“Tôi vẫn mong có ngày võ cổ truyền thành quốc võ”
Được sự “ủy nhiệm” của võ sư Hồ Hoa Huệ - Chủ tịch Tổng đoàn thế giới Tinh võ đạo Việt Nam, nữ võ sư Ngọc Điệp đã đưa Chủ tịch Liên đoàn Tinh võ đạo tại Nga - Valery Ryabova - về Bình Định để tìm hiểu thêm về võ cổ truyền. PV Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện với võ sư Ngọc Điệp.
- Đối với võ sư Valery Ryabova, ông ta muốn tìm hiểu về các lò võ cổ truyền và tham gia tập một số bài võ đặc sắc của Bình Định ngoài 10 bài quy định quốc gia. Bên cạnh đó, ông Valery Ryabova cũng mong muốn có sự hợp tác lâu dài, sâu sắc hơn giữa Liên đoàn Tinh võ đạo tại Nga và võ cổ truyền Bình Định, đặc biệt là các võ sư, võ sinh ở Moscow và Bình Định.* Võ sư có thể cho biết mục đích của bà cùng vị Chủ tịch Liên đoàn Tinh võ đạo tại Nga trong chuyến đi đến Bình Định lần này?
Với riêng tôi, ngoài nhiệm vụ giới thiệu, kết nối hoạt động võ thuật của hai đơn vị, tôi còn muốn tìm về nguồn cội của võ cổ truyền để gặp lại những người thầy, người bạn cũ và cùng tìm hướng để đưa võ cổ truyền phát triển hơn nữa. Đây là điều tôi đã ấp ủ từ rất lâu rồi. Vì thế, khi được võ sư Hồ Hoa Huệ giao cho việc này, tôi rất tâm đắc và muốn thực hiện cho bằng được.
* Vậy theo bà, đâu là điều chúng ta cần làm để võ cổ truyền có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa?
- Lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm của cha ông ta là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh và tính hiệu quả của võ cổ truyền. Đó là một lợi thế lớn, nhưng muốn mọi người biết đến mình, tìm đến mình thì trước tiên mình phải xây dựng được một tổ chức đoàn kết, thống nhất. Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện nay vẫn chưa làm được điều đó, khi trong nội bộ vẫn còn có những ý kiến, tư tưởng không đồng nhất. Nếu muốn trở thành một tổ chức vững mạnh, có tiếng nói chung, chúng ta phải tập hợp được những võ sư thực sự có tài, có tâm để cùng tìm hướng xây dựng và phát triển. Tôi rất mong mỏi và đang nỗ lực hết mình để một ngày nào đó võ cổ truyền trở thành quốc võ.
* Cảm nhận của võ sư về sự phát triển của võ cổ truyền Bình Định trong thời gian qua?
- Việc Bình Định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền với mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị, tinh hoa của võ cổ truyền theo tôi là việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết. Bởi Bình Định được xem là cái nôi của võ cổ truyền, và đây cũng là một nơi để người ta có thể soi vào để biết được những giá trị thực chất về võ thuật, sau khi được tiếp thu kiến thức về võ cổ truyền. Nói điều này vì hiện nay cũng có không ít người tự xưng là võ sư để đứng ra giảng dạy, mượn những cái tên rất kêu nhưng thực chất không biết gì về võ. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của bộ môn này và làm mất lòng tin của những người còn ít hiểu biết về võ cổ truyền.
Tôi còn được biết Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đang dự tính sẽ tổ chức các giải đấu đối kháng định kỳ, đây là điều rất nên làm. Vì chỉ có tổ chức thi đấu, chúng ta mới phát hiện ra những tài năng. Hơn nữa, việc duy trì các võ đài thường xuyên cũng sẽ tạo nên nét riêng của Bình Định, không lẫn vào đâu được.
* Theo võ sư thì cách truyền bá võ cổ truyền của chúng ta đối với người nước ngoài như hiện nay có điều gì còn phải lưu ý?
- Tôi nói ý này không biết có bị gọi là ích kỷ hay không, nhưng chúng ta có phần dễ dãi, thoải mái trong việc truyền dạy cho các đối tượng là người nước ngoài. Tôi biết chúng ta làm vậy vì đang muốn phổ biến rộng rãi bộ môn này với bạn bè thế giới, nhưng điều đó có thể sẽ làm giảm giá trị của võ cổ truyền. Theo tôi, một người nước ngoài muốn học võ cổ truyền cần phải được một tổ chức có uy tín nào đó giới thiệu, nêu mục đích rõ ràng. Chúng ta muốn quảng bá cũng cần đúng đối tượng, chứ không thể dạy tràn lan để rồi có thể trong số những người đã học có thể làm điều gì đó ảnh hưởng đến danh tiếng của võ cổ truyền.
* Xin cảm ơn võ sư về cuộc trò chuyện!
Võ sư Ngọc Điệp tên thật là Nguyễn Thị Điệp, từng là học trò của võ sư Lê Trọng Đãi (người Bình Định). Năm 2000, võ sư Ngọc Điệp sáng lập ra môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp, hoạt động ở tỉnh Bình Dương. Đến nay, môn phái này đã có khoảng 20 CLB với khoảng 700 võ sinh theo tập thường xuyên. Hiện nay, võ sư Ngọc Điệp được sư tỉ là võ sư Hồ Hoa Huệ “ủy quyền” làm đại diện để liên hệ với các môn phái võ cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước nhằm tăng cường sự hợp tác, trao đổi về các hoạt động liên quan đến võ thuật.
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)