Ðiểm Bưu điện văn hóa xã:
Dịch vụ có thu lấn át công ích
Nhiệm vụ chính của Ðiểm Bưu điện văn hóa xã (ÐBÐVHX) là phục vụ công ích. Trước những khó khăn khách quan, hệ thống này phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để tồn tại. Vấn đề đặt ra là làm sao hài hòa giữa chức năng truyền thống và thực tiễn hoạt động mở rộng để đảm bảo vai trò mô hình công ích này.
Chật vật duy trì sự tồn tại
Toàn tỉnh có 117 ĐBĐVHX, từ năm 2011 đến nay đã có 13 điểm buộc phải tạm ngưng vì hoạt động kém hiệu quả hoặc nhân viên nghỉ việc mà chưa tìm ra người thay thế. Cụ thể, Quy Nhơn có 6 điểm, tạm ngưng 2 điểm Phước Mỹ, Hải Minh; Tuy Phước có 10 điểm, tạm ngưng 2 điểm Phước Lộc, Phước Hiệp; Phù Cát có 16 điểm, tạm ngưng điểm Cát Khánh 1; Phù Mỹ có 16 điểm, tạm ngưng 3 điểm Mỹ Hòa, Mỹ Thành, Mỹ An; Hoài Nhơn có 12 điểm, tạm ngưng điểm Hoài Đức; Tây Sơn có 14 điểm, tạm ngưng 2 điểm Tây Bình, Tây Phú; Vĩnh Thạnh có 7 điểm, tạm ngưng 2 điểm Vĩnh Quang, Vĩnh Thuận. 3 địa phương còn lại là Vân Canh - 6 điểm, An Nhơn - 10 điểm và An Lão - 9 điểm đều đang hoạt động.
Từ hiệu quả xã hội mà ĐBĐVHX mang lại, Nhà nước đã có chủ trương giao Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục củng cố hoạt động hệ thống này.
- Trong ảnh: Người nhà thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển đại học tại Bưu điện Canh Vinh (Bưu cục cấp 3).
Trong 104 điểm đang hoạt động cũng chỉ có 21 điểm còn duy trì cung cấp dịch vụ internet tại Tuy Phước, An Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Bà Trịnh Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm khai thác, vận chuyển phụ trách bưu điện hai huyện Tuy Phước, Vân Canh, cho biết: “6 ĐBĐVHX trên địa bàn Vân Canh đều không còn dịch vụ internet, huyện Tuy Phước cũng chỉ có 2/8 điểm. Điều này có nhiều nguyên nhân như nhu cầu sử dụng của người dân ở một số nơi không cao và áp lực bù lỗ lớn nếu tiếp tục cung ứng dịch vụ; hệ thống máy tính qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, thiếu kinh phí thay mới, sửa chữa…”.
Theo báo cáo doanh thu ĐBĐVHX đến tháng 8.2013 của Phòng Kinh doanh (Bưu điện tỉnh), các dịch vụ bưu chính (bưu gửi, chuyển tiền, chuyển phát nhanh) rất ít được sử dụng. Trong số các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin (card, điện thoại, internet, thu cước thuê bao, lắp đặt điện thoại), cũng chỉ có thể trông chờ vào nguồn doanh thu không đáng kể từ dịch vụ internet và bán card điện thoại. Một số điểm có doanh thu 2 tháng 7 và 8.2013 ở mức rất thấp, như An Toàn (huyện An Lão), Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn), Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), Canh Hiển (huyện Vân Canh), Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn)…
Hoạt động công ích “lép vế”
Trước sức ép phải đổi mới, năng động, đa dạng hóa loại hình để ổn định mạng lưới, những năm qua, ngành bưu điện đã nỗ lực triển khai nhiều dịch vụ có thu trong hệ thống ĐBĐVHX. Ngoài dịch vụ công ích truyền thống, nhân viên ĐBĐVHX triển khai bán sim, điện thoại, các loại bảo hiểm, phát hành báo, huy động tiết kiệm bưu điện, lắp đặt truyền hình cáp…
Phần lớn trụ sở ĐBĐVHX trong tỉnh đều cũ kỹ, xuống cấp, diện mạo điểm văn hóa cơ sở này không được chăm chút, thưa thớt khách đến giao dịch thư từ hay đọc sách báo, không khí làm việc buồn tẻ… Ở vào thời buổi “người người dùng di động” và thư điện tử lên ngôi, các buồng gọi điện thoại bàn, thùng thư gần như hết vai trò.
Ngày 2.8.2013, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 17 quy định về hoạt động của ĐBĐVHX. Theo đó, ĐBĐVHX tiếp tục được duy trì để cung ứng dịch vụ công ích và các dịch vụ kinh doanh theo định hướng phát triển của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; tổ chức phục vụ đọc sách báo, tra cứu thông tin miễn phí phục vụ cộng đồng; là điểm được ưu tiên lựa chọn để cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong Chương trình viễn thông công ích; tổ chức triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn…
Trong gần 1 giờ lưu lại ĐBĐVHX Canh Vinh (huyện Vân Canh) nằm trên địa bàn thôn An Long 2, có 1 khách đến mua card và 1 khách đến sửa di động. Nhân viên Nguyễn Thị Hồng Ngân bận việc nhà nên chồng trực thay. Có cảm giác nơi này là tư gia nhiều hơn là một trụ sở công cộng. Tủ trưng bày điện thoại di động và máy vi tính, bàn ghế, đồ nghề sửa chữa di động mà nhân viên phụ trách điểm bưu điện này được phép tận dụng để kinh doanh, cải thiện thu nhập đã chiếm phần lớn diện tích phòng trước trụ sở. Một tủ sách nhỏ trong đó chứa khoảng 100 bản sách, nghèo nàn về thể loại và vài chục tờ báo. Không có dịch vụ internet, nơi này cũng không bố trí không gian phù hợp, bàn ghế phục vụ cho nhu cầu đọc sách báo tại chỗ, vì “người dân chủ yếu mượn về nhà chứ không đọc tại chỗ nên không bố trí”!?
Trong tuần (trừ thứ 7, Chủ nhật), ĐBĐVHX Tây Xuân (huyện Tây Sơn) chỉ mở cửa phục vụ 4 giờ buổi sáng. Nơi này được sắp xếp gọn gàng, quang đãng song hoạt động cũng khá ảm đạm. Nhân viên Trần Anh Phụng cho biết: “Lượng người đến đọc báo giảm dần vì sách rất ít được bổ sung, mỗi ngày chỉ có một vài người đến gửi thư”.
Theo bà Phan Thị Lê Hoa, Trưởng Phòng kỹ thuật nghiệp vụ, Bưu điện tỉnh, mức kinh phí bổ sung sách cho mỗi ĐBĐVHX theo quy định là 500 ngàn đồng/năm/ điểm đã bị ngưng từ năm 2008. Từ đó, việc bổ sung vốn sách cho tủ sách ĐBĐVHX “được chăng hay chớ” nhờ vào các chương trình hỗ trợ. Nhiều đầu báo cũng bị cắt giảm, đến cuối năm 2010 mỗi ngày mỗi điểm chỉ còn mỗi báo Bình Định.
Là thành phần trong hệ thống bưu chính công cộng, ĐBĐVHX còn đảm nhiệm chức năng mang tính xã hội cao hơn. Đó là tổ chức phục vụ đọc sách báo, qua đó tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa kiến thức, văn hóa đến với người dân khu vực nông thôn; tổ chức tra cứu thông tin miễn phí phục vụ cộng đồng, làm điểm tựa cho các chương trình, dự án của nhà nước về nông thôn… Phục vụ công ích là nhiệm vụ hàng đầu của mô hình này, vì vậy ngành quản lý cần có giải pháp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội trong duy trì, quản lý hệ thống ĐBĐVHX trong tỉnh.
SAO LY