Nghệ thuật sử dụng binh khí trong tuồng
Cùng với âm nhạc, phục trang, cảnh trí thì đạo cụ là một trong những phương tiện thiết yếu của sân khấu tuồng, góp phần làm nổi bật hình ảnh của diễn viên. Một trong những đạo cụ thường được diễn viên sử dụng là các loại binh khí, như thương (giáo), kiếm, cung, siêu (đại đao), phủ (búa), song đao, đoản đao, kích, xà mâu, chùy…
Về cơ bản, đạo cụ trong nghệ thuật tuồng mang tính chất ước lệ, tượng trưng. Nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể (như lấy chiếc roi ngựa để thay thế cho con ngựa, dùng mái chèo thay cho con thuyền). Trong các vở diễn, nhân vật đi đường trường thường dùng ngựa nhưng không có con ngựa nào được đưa lên sân khấu, mà chỉ có chiếc roi ngựa cầm trong tay diễn viên, vừa tượng trưng cho con ngựa vừa tượng trưng cho đuôi ngựa. Diễn viên thực hiện động tác đưa roi ngựa lên cao, quay tròn cùng với động tác chân đi gập ghềnh vó ngựa một vòng trên sân khấu thì khán giả hiểu là nhân vật đang phi ngựa trên đoạn đường dài đầy gian nan, vất vả…
Trong hát bội, các nhân vật khi ra trận thường mang theo vũ khí. Nhân vật nào mang theo vũ khí gì là tùy thuộc vào tính cách của nhân vật đó, nhưng phải hài hòa với trang phục và giúp cho động tác múa của diễn viên thêm phần thẩm mỹ, làm rõ tính cách, vị trí, tầm vóc của từng nhân vật. Phần lớn các vai đào là nữ tướng thường dùng song kiếm như Lan Anh trong “Hộ sanh đàn”, Liễu Nguyệt Tiêm trong “Đào Phi Phụng”, Trại Ba trong “Ngũ hổ bình Tây”… Còn vai kép thì dùng thương như Triệu Khánh Sanh trong “Diễn võ đình”, Kim Lân trong “Sơn Hậu”…
Nếu như kép núi dùng độc phủ như Châu Thương trong “Cổ Thành”, Tiết Cương trong “Hộ sanh đàn” thì kép con thường dùng song chùy như các nhân vật Đào Phi Long trong “Đào Phi Phụng”, Hoàng Phi Hóa trong “Trầm hương các”. Những vai tướng lớn thường dùng đại đao như Quan Công trong “Cổ Thành”, Cáp Tô Văn trong “Đường chinh Đông”…
Có thể thấy, binh khí được sử dụng nhiều nhất vẫn là cung, kiếm, đao, thương. Mỗi loại đều có tính năng và tác dụng riêng. Tùy cách sử dụng đạo cụ và khả năng diễn xuất của diễn viên mà binh khí có thể phát huy vai trò nâng tầm nhân vật. Như khi sắm vai Lưu Kim Đính trong “Tam hạ nam đường”, diễn viên phải cầm lưỡng đầu thương mới xứng tầm với một nữ tướng tài ba.
Để sử dụng tốt binh khí trong nghệ thuật tuồng, đòi hỏi diễn viên phải hội tụ nhiều yếu tố. NSƯT Tuyết Mai cho biết: “Muốn sử dụng binh khí thành thạo, động tác múa đẹp thì trước hết diễn viên phải học và biết các bài thảo cơ bản của võ thuật để áp dụng vào múa tuồng. Đồng thời, người diễn viên cần có năng khiếu bẩm sinh, đặc biệt là phải có niềm đam mê với nghề hát bội và chịu khó khổ luyện mới thành công”.
NGUYỄN THỤC NƯƠNG