Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943:
Mốc son trong đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng
Ngày 18.9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “70 năm Đề cương văn hóa Việt Nam”. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà văn hóa, cán bộ quản lý văn hóa đã đến dự.
Cách đây 70 năm, lần đầu tiên Đảng ta đã ban hành “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Đề cương đề cập 5 nội dung lớn là: Cách đặt vấn đề; lịch sử và tính chất của văn hóa Việt Nam; nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát-xít Nhật, Pháp; vấn đề cách mạng của văn hóa Việt Nam; nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác-xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác-xít Việt Nam.
Hơn 20 bản tham luận tham gia hội thảo đã khẳng định: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là mốc son, là điểm sáng trong đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Hầu hết những nội dung mà Đề cương đề cập có giá trị lịch sử, lý luận, thực tiễn sâu sắc, trong đó nhiều quan điểm văn hóa được xác định trong Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sự ra đời đúng lúc của Đề cương văn hóa Việt Nam đã lôi cuốn, tập hợp đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và đông đảo các tầng lớp đi theo cách mạng, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa xây dựng nền văn hóa mới với nhiều nội dung tiến bộ.
Không những vậy, Đề cương này còn là cơ sở, nền móng về lý luận văn hóa của Đảng, khơi nguồn cho Đảng ta xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Bên cạnh đó, nhiều tham luận đã có nhiều phát hiện mới và kiến nghị bổ ích; phân tích, khẳng định tầm tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là tuyên ngôn của Đảng về văn hóa, là ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc ta trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Sự ra đời của Đề cương là rất đúng, rất trúng, đáp ứng với yêu cầu lịch sử của đất nước lúc bấy giờ. Những quan điểm, nguyên tắc, giá trị của bản đề cương này vẫn có sức sống lâu bền cùng đất nước. Thông qua hội thảo, một mặt nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm vóc to lớn của Đề cương, mặt khác, tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị lịch sử và tiếp thu có chọn lọc những bài học quý báu từ Đề cương này để không ngừng bồi đắp, làm giàu văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo THIỆN VĂN (QĐNDO)