Nhà thờ họ, một nét văn hóa đẹp ở Mỹ Thắng
“Chim có tổ, người có tông” - bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đó đã in sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, nhiều dòng họ đã đầu tư xây dựng nhà thờ họ lưu giữ những nét văn hóa đẹp và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, gắn với sự phát triển của địa phương.
Nhà thờ họ là một nét đẹp văn hóa truyền thống, ở đó, lợi ích của các thành viên và trong toàn họ tộc đều được gắn liền với lợi ích chung của cộng đồng.
- Trong ảnh: Nhà thờ họ Nguyễn ở thôn 8 Tây hương khói mỗi ngày.
Khi kinh tế phát triển, các gia đình trong dòng họ tự nguyện góp tiền xây dựng căn nhà kiên cố làm nơi thờ cúng tổ tiên và là chốn tìm về hội tụ tâm linh của các thế hệ. Theo ông Nguyễn Hữu Đức, phụ trách công tác văn hóa của xã Mỹ Thắng, hiện trên địa bàn xã có ít nhất 30 nhà thờ họ, được đầu tư xây dựng khang trang.
Ông Nguyễn Chí, 96 tuổi, ở thôn 8 Tây cho biết: “Nhà thờ họ Nguyễn là một trong những nhà thờ họ được xây dựng đầu tiên của xã Mỹ Thắng. Nhà thờ họ là tài sản chung của tất cả con cháu dòng họ, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với tổ tiên. Hơn nữa, nhà thờ dòng họ là chốn tâm linh để con cháu dù có đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ đến nguồn cội. Mỗi năm, chúng tôi có 2 ngày cúng lớn của tộc họ, con cháu tụ họp về đây trong không khí đại gia đình. Những ngày còn lại, nhà thờ họ đều có người trông coi, thờ tự, nhang khói đầm ấm”.
Nhà thờ họ không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên mà còn là nơi để anh em, con cháu trong dòng họ xích lại gần nhau hơn, cùng chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế gia đình. “Mỗi dịp tụ họp ở nhà thờ họ, mọi người “bày” cách để làm sao đánh bắt thủy sản, nuôi tôm ven đầm, sản xuất nông nghiệp được hiệu quả. Anh em còn xây dựng quỹ công ích của dòng họ để giúp những hộ khó khăn có vốn làm ăn, ổn định cuộc sống. Như họ tôi, vừa rồi góp được 9 chỉ vàng cho con cháu vay để trồng trọt, chăn nuôi”, ông Huỳnh Văn Tàu, hậu duệ họ Huỳnh ở thôn 7 Bắc, chia sẻ.
Từ mỗi nóc nhà thờ họ, các truyền thống văn hóa tốt đẹp được khơi gợi cho con cháu trong dòng họ tự hào và phấn đấu thành công trong học tập cũng như công việc ngoài xã hội. Hằng năm, các dòng họ phát động phong trào khuyến học từ nhà thờ của dòng họ. Đến nay, nhiều dòng họ ở xã Mỹ Thắng đã xây dựng được quỹ khuyến học và hoạt động ngày càng hiệu quả. Phụ trách khuyến học dòng họ Nguyễn ở thôn 8 Tây, ông Nguyễn Văn An, cho biết: “Chúng tôi vận động các thành viên trong họ đóng góp quỹ, hằng năm tổ chức trao thưởng cho con cháu có thành tích học tập tốt. Tuy chỉ là cây bút, quyển vở... nhưng thật sự có ý nghĩa động viên con cháu cố gắng học tập tốt hơn”.
Không dừng lại ở đó, nhà thờ họ tộc là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần to lớn. Tộc họ Huỳnh, ở thôn 7, đã xây dựng quy ước của dòng họ, trong đó con cháu đều cam kết gìn giữ nếp nhà, không làm trái với pháp luật. Ông Huỳnh Văn Tàu cho biết: “Sau khi thống nhất, bản quy ước của dòng họ được công khai, con cháu đối chiếu theo đó để soi rọi mà chỉnh sửa, uốn nắn bản thân. Qua đó, tộc họ cũng phát hiện kịp thời những sai phạm để khuyên nhủ. Nhờ đó, con cháu trong dòng họ “trên thuận dưới hòa”, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, không có tình trạng vi phạm các chủ trương, chính sách, pháp luật”.
Ông Trương Xuân Vũ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, nhấn mạnh: “Nhà thờ họ ngày càng được các dòng họ ở Mỹ Thắng coi trọng, như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Ở đó, nét nổi bật nhất là lợi ích của các thành viên và trong toàn họ tộc đều được gắn liền với lợi ích chung của cộng đồng. Con cháu của các tộc họ đều có ý thức, là những người đi đầu trong các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, góp phần thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương” .
TRỌN - LỘC
Ông bà ta nói rất hay: phú quý sinh lễ nghĩa. Nhân dân xã Mỹ Thắng ngày càng coi trọng lại lễ nghĩa truyền thống, chứng tỏ đời sống kinh tế đã phát triển lên rất nhiều. Xin chúc mừng và mong tiếp tục tiến bộ! Việc xây dựng, tôn tạo lại các nhà thờ họ tộc không chỉ giúp khôi phục lại nét đẹp truyền thống về vật chất, nét đẹp cho vùng nông thôn, mà đặc biệt hơn, nó còn giúp khôi phục hoặc củng cố hơn sự đoàn kết của con cháu trong cùng một họ tộc. Từ đó, sẽ phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp truyền thống của dân tộc Việt, như: gia đình gia giáo, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, lễ phép, trên kính dưới nhường, cái tốt kềm kẹp lại cái xấu...Tuy nhiên, cũng rất nên lưu ý là cái gì tốt đẹp thì nên lưu giữ, những cái truyền thống nhưng lạc hậu thì nên bỏ hẳn, chứ đừng vin vào câu: "xưa bày nay làm" là tầm bậy. Nhất là chuyện mê tín, kiêng cử mê muội, đốt nhiều vàng mã, trọng nam khinh nữ...là không nên có trong xã hội văn minh ngày nay!