Nhiều tuyến tỉnh lộ xuống cấp
Nhiều tuyến tỉnh lộ ở tỉnh ta do liên tục oằn lưng gánh chịu hàng ngàn chuyến xe chở quá tải, quá khổ mỗi ngày, hiện đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng, gây cản trở và mất an toàn giao thông; trong khi đó, công tác duy tu, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ bị xuống cấp dường như là bài toán chưa có lời giải.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Quản lý giao thông thủy bộ (CPQLGTTB) Bình Định - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì các tỉnh lộ, 14 tỉnh lộ của tỉnh ta hầu hết đều đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Nhưng nặng nhất là các tuyến 639, 633, 636B và 636.
Tỉnh lộ 639 (Nhơn Hội - Tam Quan), có chiều dài 110 km, là mạch giao thông chính nối liền TP Quy Nhơn với các xã ven biển thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Tuy nhiên, hiện nhiều đoạn đã bị băm nát với chằng chịt ổ gà, ổ trâu. Đáng chú ý, tại lý trình km số 7 (Nhơn Hội - Cát Tiến) do liên tục bị “cày xới” bởi những đoàn xe chở đất, cát, titan quá tải, mặt đường bị bong tróc, lề đường bị sụt lún, nứt gãy và biến dạng; nhiều cọc tiêu đã bị bật chân gãy đổ, nằm chỏng chơ trên đường, kênh thoát nước hai bên đường nứt bể, lở lói từng đoạn...
Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (Phù Cát), cho biết: “Đường xuống cấp là vì hàng trăm xe chở titan quá tải hành hạ, theo thiết kế đường chỉ có tải trọng 13 tấn trở xuống, nhưng các xe đã chất tới 30-40 tấn. Mắt thường cũng nhìn ngay ra là xe quá tải đậm”.
Tuyến tỉnh lộ 633 từ chợ Gồm (xã Cát Hanh) đi Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) hiện cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đáng quan ngại, tại tỉnh lộ này đoạn từ lý trình km số 2 đến km số 3 (khu vực giáp ranh giữa xã Cát Hanh với xã Cát Tài) nền nhựa đường bị bong tróc, để lại những hố nước lớn. Tuyến đường này chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 13 tấn lưu thông, nhưng hầu hết xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng, titan… qua đây đều chất đến 20-30 tấn.
Toàn tỉnh có 14 tỉnh lộ với tổng chiều dài 435,2 km và phần lớn đã xây dựng được khoảng 10 năm trở lên. Do kinh phí sửa chữa, bảo trì quá ít nên tất cả các tỉnh lộ đều không giữ được nền đường ổn định ban đầu, nhiều con đường bị cày xới, hư hỏng nặng, đặc biệt là vào mùa mưa. Các tuyến đường cần được ưu tiên sửa chữa là tỉnh lộ 632, 633, 636B, 639, 640..., tuy nhiên năm 2013 tỉnh chỉ phê duyệt kinh phí 13,5 tỉ đồng để bảo trì sửa chữa cho cả 14 tỉnh lộ, số vốn sửa chữa cho các tỉnh lộ này chỉ đáp ứng khoảng 30-40%
Ông TRẦN VĂN GIỚI - Giám đốc Công ty CPQLGTTB Bình Định
Ngoài ra, tại tỉnh lộ 636 (Tây Bình - Nhơn Thành), 636B (Gò Bồi - thị trấn Bình Định) hay tỉnh lộ 640 (cầu Ông Đô - Cát Tiến) nhiều đoạn cũng nát như tương bần nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được sửa chữa lớn, cứ vá víu rồi bong đi, tróc lại.
Nguyên nhân chính khiến các tỉnh lộ xuống cấp trầm trọng là do phương tiện vận tải gia tăng, nhiều xe quá tải cày xới thường xuyên; mặt đường phần lớn chỉ rộng bình quân 5m, nên khi phương tiện tránh nhau phải đi xuống bên lề dẫn đến phá hỏng lề đường, gây lún. Bên cạnh đó, hệ thống tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh còn phải gánh chịu nhiều trận thiên tai bão, lũ, ngập nước từ những năm trước, gây hư hỏng và xuống cấp nhanh. Trong khi đó, do thiếu kinh phí nên Công ty CPQLGTTB Bình Định phải cố gắng xoay xở theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”, chọn phương án thi công phù hợp với số vốn.
Tỉnh lộ bị băm nát như thế nhưng điều rất lạ là lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông ít hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông ở khu vực này. Chính điều đó khiến xe quá tải ung dung hoạt động thường xuyên. Đường đã hư lại càng thêm hỏng nặng.
TRỌNG LỢI