Nhớ một thú chơi tao nhã
Từ chức năng thanh toán cước phí bưu chính, con tem dần trở thành đối tượng của một thú chơi tao nhã và hấp dẫn: sưu tập tem. So với mặt bằng cả nước, phong trào sưu tập tem ở Bình Định khá trầm lắng, tuy vậy vẫn có những người lặng lẽ giữ đam mê.
Lặng lẽ với đam mê
Ông Từ Vĩnh Hảo - 70 tuổi, ở nhà số 8 Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn - là người có thâm niên sưu tập tem và sở hữu nhiều bộ tem quý. Ông bắt đầu sưu tập tem từ năm 12 tuổi. “Là học sinh miền Nam ra Bắc học, tôi khi ấy là “khách ruột” của hiệu sách ngoại văn phố Tràng Tiền và các điểm bưu điện để sưu tầm tem. Bắt đầu đến với thú chơi này ở thủ đô, nơi có phong trào sưu tập tem phát triển gần như bậc nhất cả nước, đây là điều kiện thuận lợi ban đầu để làm dày vốn sưu tập cho mình”, ông Hảo kể.
Gần 60 năm sưu tập tem, gia tài mà ông Hảo đang có là 30 album tem dày cộm, ước chừng 5.000 con và vài trăm tem lẻ. Có “vốn liếng” khấm khá nên ông thỏa sức sắp xếp, trưng bày tem vào album một cách đa dạng: theo niên biểu, quốc gia, chuyên đề, chủ đề… Trong đó, có giá trị nhất là mảng tem cổ, bao gồm tem Đông Dương phát hành trước Cách mạng tháng Tám, tem Đông Dương in đè do bưu chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành dùng tạm thời, và mảng tem còn nguyên phong bì thực gửi ra đời từ những năm 60 của thế kỷ XX trở về sau.
Trước khi đến với nhiếp ảnh và thơ, anh Trần Hoa Khá (công tác tại Tạp chí Công đoàn Bình Định) sớm dành nhiều thời gian cho tem. Hơn 25 năm trước, cậu học trò nghèo xã đảo Nhơn Lý ra phố học cấp 3 dần biết đến một thế giới rộng lớn hơn nhờ những con tem nhỏ xinh. Những năm học ĐH ở Đà Lạt, mỗi lần ra bưu điện nhận tiền của gia đình gửi, anh lại “nhín” ra một ít để mua tem.
Kỷ niệm mà anh nhớ mãi là buổi chiều gặp được “quý nhân” - một nhà sưu tập tem lâu năm ở Đà Lạt. “Bác dắt tôi về nhà, chỉ dẫn những điều cần biết cho một người sưu tập tem, cách thức sưu tập từ cơ bản đến chuyên sâu… Bác có người anh trai làm việc tại cơ quan của Liên Hiệp Quốc nên có được nguồn tem rất dồi dào. Về già, bác tặng lại “tài sản văn hóa” cất công sưu tầm bao năm ấy cho đứa cháu nội, người cháu không yêu tem nên vô tâm bán đi. Bác biết chuyện này rất buồn, may mắn còn một số tem lẻ có giá trị, bác tặng lại cho tôi và bảo rằng: “Bác ký thác chúng cho cháu”. Từ đó, tôi luôn có suy nghĩ mình sưu tập tem cho cả hai người”, anh Hoa Khá xúc động kể.
Đến nay, anh Khá đã sưu tầm được khoảng 4.000 con tem, trong đó giá trị nhất là 2 con tem cổ phát hành năm 1916, 1931; 2 con tem in thử do cố họa sĩ Phan Chy tặng cùng một số tem dị bản, tem in đè trong, ngoài nước.
“Chắp cánh” cho sứ mệnh của tem
Theo ông Võ Văn Sâm, Phó Giám đốc Trung tâm khai thác vận chuyển, Bưu điện tỉnh, trong sự phát triển của mỗi quốc gia, ở mỗi thời kỳ lịch sử, những dấu ấn nổi bật luôn được thể hiện trên tem. Tem thư là một sứ giả văn hóa, bởi nó đi khắp thế giới, mang theo hình ảnh, đặc trưng của đất nước ấy đến bạn bè quốc tế. Hơn nữa, nguyên tắc phát hành của tem là không tái bản, mỗi mẫu tem, bộ tem là một tác phẩm nghệ thuật, người chơi tem lâu dài sẽ được bồi bổ về thẩm mỹ nghệ thuật và tích lũy kiến thức ở nhiều lĩnh vực.
Tem được xem là công cụ quảng bá hình ảnh một đất nước, địa phương rất hiệu quả. Những người sưu tập tem trong tỉnh mà tôi có dịp gặp đều có chung nỗi niềm, rằng lật lại lịch sử bưu chính nước nhà, hình ảnh Bình Định xuất hiện trên con tem rất hiếm. Cổ nhất có lẽ là con tem thời Đông Dương có hình ảnh Tháp Đôi và dòng chữ “Bình Định” trong bộ sưu tập của ông Từ Vĩnh Hảo. Tiếp đến là các bộ tem “Kỷ niệm 200 năm khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1971)”, “Kỷ niệm 190 năm Quang Trung đại phá quân Thanh (1789 - 1979)”, “Kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-1989)”; con tem “Vũ nữ múa - tháp Mẫm - Nghĩa Bình” nằm trong bộ tem chuyên đề “Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chàm” phát hành năm 1987, mới nhất là tem in hình ảnh tượng đài Hoàng đế Quang Trung ngồi trên lưng ngựa phát hành năm 1998.
“Bình Định có nhiều danh nhân và di sản văn hóa nổi tiếng, rất cần xuất hiện trên những con tem để thêm một “kênh” quảng bá, đặc biệt nhân các sự kiện chính trị, văn hóa lớn diễn ra trong tỉnh. Điều này nhiều địa phương đã và đang phối hợp với Bộ TT&TT - cơ quan quản lý phát hành tem - để đẩy mạnh thực hiện, chúng ta có thể tham khảo”, ông Sâm bày tỏ.
Phong trào sưu tập tem ở Bình Định xếp vào hàng sinh sau đẻ muộn, sức lan tỏa cũng đầy giới hạn. So với các địa phương lân cận, Hội Tem Bình Định ra đời khá muộn (năm 1996). Sau 2 lần tổ chức triển lãm tem bưu chính trong tỉnh (năm 1998 và 2004), hiện người còn sưu tập chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Không có bạn bè, hội viên để trao đổi, giao lưu, không có sân chơi để giới thiệu những bộ tem dày công tìm kiếm, người sưu tập tem ở Bình Định khá… cô đơn. Ở Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai… phong trào sưu tập tem rất mạnh, hằng quý họ in và phát hành những bản tin về sưu tập tem của địa phương. Còn Bình Định thì không thành lập, duy trì nổi một nhóm hoặc câu lạc bộ những người sưu tập tem. Nên chăng, đã đến lúc ngành bưu điện cần suy nghĩ và đứng ra chủ công cho vấn đề này?”, anh Hoa Khá kiến nghị.
SAO LY