Phản hồi bài Phù Cát: Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp “chui”:
Tác hại khó khắc phục
Báo Bình Ðịnh số ra ngày 13.9.2013 đăng bài Phù Cát: Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp “chui”. Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi về tòa soạn, bày tỏ sự lo lắng về công tác quản lý sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp (SXKD CGLN) không rõ nguồn gốc và đề nghị chính quyền địa phương cùng ngành chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng này. Chúng tôi trích đăng một số ý kiến của bạn đọc:
Nguồn giống dỏm hậu quả sẽ khó lường
Ai cũng biết trồng cây lâm nghiệp không giống như trồng lúa hoặc hoa màu; trồng lúa thì ngắn hạn, còn trồng rừng thì người đầu tư sẽ phải mất từ 7-10 năm trồng trọt, chăm sóc, phân bón … và ít khi biết trước kết quả thu hoạch. Vì thế, nếu ai mua phải cây giống dỏm, không rõ nguồn gốc, thì cũng mất từng ấy năm chăm sóc, đầu tư để thu lại một kết quả không như mong đợi, toi công, toi của nhiều năm trời và mang nợ. Tốt hơn hết phải chọn cây giống từ những doanh nghiệp có tên tuổi, có uy tín, có đăng ký kinh doanh; phòng lỡ gặp sự cố có cơ sở để khiếu kiện, đòi bồi thường.
Lô Thành (thị trấn Ngô Mây, Phù Cát)
Tù mù chất lượng cây giống
Điều nghịch lý là hiện nay các đại lý SXKD CGLN “chui” sẽ “sống khỏe”, bởi có quá nhiều người trồng rừng không phân biệt được cây giống lâm nghiệp cấy mô và ươm bằng hom, trong khi giá của 2 loại cây giống này chênh lệch đáng kể. Các nhà vườn thường chỉ đưa ra một giá, ai không rành thì “ôm” phải cây ươm bằng hom. Tù mù chất lượng cây giống kiểu này chỉ có người trồng là chịu thiệt. Phải truy cứu hành vi gian dối của các đại lý “chui” này!
plynguyen1996@gmail.com
Địa phương buông lỏng quản lý?
Tình trạng nhiều hộ dân SXKD CGLN không rõ nguồn gốc, không giấy phép kinh doanh tại địa phương diễn ra nhiều năm. Vì sao khi phát hiện một vài hộ đầu tiên vi phạm, địa phương và ngành nông, lâm nghiệp không kiên quyết xử phạt, ngăn chặn mà “dây dưa” để các hộ này tồn tại và mở rộng thêm quy mô sản xuất. Nếu thật sự chính quyền địa phương kiên quyết xử lý thì không ai dám phát triển CGLN “chui” tràn lan như hiện nay...
Lê Thanh Quang (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát)
Chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc xử lý
Mồ hôi những người trồng rừng mong ngày “hái quả ngọt”, số tiền bỏ ra để mua cây giống không phải nhỏ. Thật đáng lo ngại nếu tình trạng những vườn ươm không đảm bảo chất lượng vẫn cứ tồn tại, tiếp diễn. Mong chính quyền huyện Phù Cát sớm vào cuộc để trả lại công bằng cho người trồng và những vườn ươm uy tín khác.
Lê Văn (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn)
Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm
Qua kiểm tra, trên địa bàn xã Cát Hanh đang tồn tại 4 cơ sở của 4 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nhưng không tuân thủ quy định của ngành lâm nghiệp. Tất cả các hộ này chủ yếu sản xuất, kinh doanh cây bạch đàn, keo lai bằng hạt giống, hom cây không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Điều đáng nói, địa phương đã nhiều lần mời những hộ này lên làm việc thì họ tỏ ra chây ì, bất hợp tác. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác kiểm tra; trường hợp hộ gia đình cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định pháp luật.
Phan Văn Hạnh (cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cát Hanh)
NGỌC DIÊN (Tổng hợp)