Nét văn hóa Thái trên đất Bình Định
Trước đây, nói tới văn hóa các dân tộc ở Bình Ðịnh, chúng ta chỉ mới nói đến văn hóa của 4 dân tộc: Việt, Chăm Hroi, Bana và H’re. Ngày nay, còn phải nói thêm một số tộc người khác với những nét văn hóa đặc trưng đang tồn tại trên đất Bình Ðịnh, trong đó có văn hóa của người Thái đang hình thành và phát triển ở huyện Vân Canh.
Sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975), lẻ tẻ đã có những phụ nữ Thái lấy chồng người Bình Định tập kết ra Bắc trở về quê chồng lập nghiệp. Họ thuộc cả ba dòng: Thái Trắng (Táy Khao), Thái Đen (Táy Đăm) và Thái phức hợp, sống rải rác ở TP Quy Nhơn và một số huyện trong tỉnh.
Đến vùng đất mới
Năm 1980, bà Lương Thị Hiếm (ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cùng 2 con về quê chồng ở làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh. Phần vì thấy bà con quê nhà làm ăn khó khăn, phần muốn có thêm người đồng tộc vào Vân Canh cho thêm vui, nên mỗi lần về quê cũ, bà Hiếm lại kể chuyện cảnh làm ăn ở quê chồng cùng bà con.
Đến năm 1990, đã có 5 hộ người Thái gồm 25 khẩu vào Vân Canh cư trú gần gia đình bà Hiếm, họ sống gần nhau như một xóm nhỏ ở làng Hà Lũy. Về sau, nhiều hộ người Thái đã vào thêm, sống cận kề, hòa hợp với đồng bào Bana và Chăm Hroi, sinh con đẻ cháu ngày một đông thêm. Đến nay đã có hơn 14 hộ người Thái với 100 nhân khẩu cư trú ở xã Canh Thuận, 9 hộ ở thôn Thịnh Văn I (thị trấn Vân Canh) và 3 hộ ở xã Canh Hiệp.
Người Thái vào Vân Canh tự nhận mình thuộc dòng Thái Trắng, có 3 họ chính: Hà, Lương, Lục (Lộc) vốn quê ở các xã Cổ Lũng, Thành Lâm và Lũng Cao thuộc vùng Mường Khoòng, huyện Bá Thước. Do có gốc từ nhiều nơi nên họ đã chịu ảnh hưởng các yếu tố văn hóa khác nhau, hoặc của người Thái Đen, Thái Trắng, hoặc của người Mường.
Vào Vân Canh, buổi đầu họ gặp không ít khó khăn, phần vì bất đồng ngôn ngữ, phần vì phải chuyển từ làm lúa nước sang làm nương rẫy. Nhưng rồi, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhờ tình yêu thương giúp đỡ của đồng bào Bana, Chăm Hroi và Việt đối với người mới đến, cộng với tinh thần đoàn kết cộng đồng cao nên bà con người Thái đã xây dựng nhà cửa, vườn tược, thích nghi với nghề làm nương rẫy, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho từng gia đình, sống hòa hợp với cộng đồng.
Bà Lương Thị Hiếm cho biết: “Người Chăm Hroi và Bana ở Vân Canh sống hòa hợp, giao lưu văn hóa sâu đậm như người Thái và người Mường ở Mường Khoòng quê cũ vậy”. Còn bà Hà Thị Dung, người làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, tâm sự: “Người Thái là dân tộc mới đến, được các láng giềng Chăm H’roi, Bana giúp đỡ, tối lửa tắt đèn có nhau. Cộng đồng người Thái chúng tôi rất biết ơn tình vì điều này”.
Bảo tồn đặc trưng văn hóa người Thái
Từ Mường Khoòng chuyển cư vào Vân Canh, trong hành trang của mỗi người Thái không chỉ có trang phục và vật dụng cần thiết, mà còn mang theo đặc trưng văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho con cháu bao đời sau, những mong giữ gìn truyền thống văn hóa Thái bao đời không bị rơi rụng, phai nhạt.
Cho nên, mỗi người đều mang theo bộ trang phục truyền thống với kiểu dáng hoa văn trang trí theo phong cách Thái. Chiếc áo cóm với hàng cúc bướm xinh xinh, khăn đội đầu và dải thắt lưng dài xanh lơ thường dùng khi múa xòe như mang theo hồn quê hương xứ sở. Đặc biệt là trang phục nữ có kiểu dáng và họa tiết đẹp nhờ dệt công phu và khéo, sử dụng nhiều màu sáng như trắng, hồng, xanh lá cây nổi bật trên nền đen của váy bóng mượt.
Ngoài bộ trang phục nam, già làng Lương Văn Tủ còn mang theo cái nõ ông thường dùng ở quê nhà, ông Lương Xuân Bán còn mang theo cái khèn bè thường thổi vào ngày hội hay khi gia đình, bản mường có dịp vui. Ngày nay, chuẩn bị cưới vợ gả chồng cho con, các bà mẹ Thái ở Vân Canh vẫn giúp nhau lo cho con có bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, để nhắc nhở thế hệ sau giữ gìn bản sắc văn hóa Thái.
Thường ngày, bà con vất vả lo toan làm ăn nên bản sắc văn hóa Thái ít có dịp bộc lộ. Chỉ dịp Tết, dịp cưới hỏi, đặc biệt là trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở xã Canh Thuận được tổ chức nhân ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11) thì đồng bào Thái mới có dịp phô diễn vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình qua phong tục, qua nếp sống, sinh hoạt, trang phục và múa hát vui chơi như múa xòe, nhảy sạp, thổi kèn bè… Còn các lễ hội cổ truyền vốn có ở quê nhà đành phải bảo tồn trong kí ức của người già, để truyền lại cho con cháu đời sau sinh sống trên quê hương mới.
NGUYỄN XUÂN NHÂN