Phác họa Hoài Ân - quê hương Tăng Bạt Hổ
Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin vừa xuất bản cuốn sách “Hoài Ân quê hương Tăng Bạt Hổ”. Cuốn sách được tác giả Trần Ðình Ðịnh, Võ Chí Hà bỏ nhiều công sức sưu tầm, biên soạn, nhằm giới thiệu những nét cơ bản, nổi bật nhất về cụ Tăng cùng quê hương và con người Hoài Ân.
Trong lời tựa giới thiệu cho cuốn sách, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tâm sự: “Khi vớ được bản thảo cuốn sách “Hoài Ân quê hương Tăng Bạt Hổ” của hai ông bạn vong niên Trần Đình Định và Võ Chí Hà, tôi đọc ngấu nghiến và vui mừng hết cỡ, dù sao cũng có người nối chí, còn hơn là không ai nhắc đến cái địa chỉ đáng ghi tạc muôn đời này”. Tác giả Trần Đình Định là cán bộ hưu trí, còn Võ Chí Hà là cán bộ phụ trách công tác bảo tồn bảo tàng của Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân - họ cùng chung niềm tự hào khi giới thiệu về quê hương.
Phần mở đầu cuốn sách, tác giả đã đưa người đọc về với Hoài Ân - vùng đất giàu bản sắc văn hóa, truyền thống yêu nước, cũng là “đất học”; với những con người cần cù, chất phác và trọng nghĩa. Mạch nguồn ấy của đất và người Hoài Ân đã làm nên những “dấu son lịch sử” rất đáng tự hào.
Trong phần chính của cuốn sách, các tác giả đầu tư sưu tầm, biên soạn một cách dễ hiểu, dễ nhớ về cuộc đời và sự nghiệp của Tăng Bạt Hổ bằng cách tóm lược, trích dẫn từ nhiều nguồn tư liệu phong phú, có giá trị cao. Người đọc có thể tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Tăng Bạt Hổ xuyên suốt từ thời niên thiếu ở quê nhà Hoài Ân, đến các “cột mốc” khi ông tham gia quân đội triều Nguyễn, giai đoạn hưởng ứng Chiếu Cần Vương và tổ chức kháng chiến chống Pháp, xuất dương bôn ba tìm phương cứu nước, tham gia Duy Tân hội và phong trào Đông Du. Cuốn sách cũng trích dẫn những nhận xét, đánh giá cao công lao Tăng Bạt Hổ của các nhà cách mạng Việt Nam cùng thời, hay nhiều nhà nghiên cứu sử học sau này.
Lời khẳng định “Tăng Bạt Hổ sống mãi trong lòng đất nước và quê hương” được thể hiện qua những phần giới thiệu về mộ Tăng Bạt Hổ trong di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu tại Huế, đền thờ Tăng Bạt Hổ tại quê hương Hoài Ân từ khi xây dựng đến khi được tôn tạo và được xếp hạng di tích cấp quốc gia (ngày 26.8.2013). Tăng Bạt Hổ cũng trở thành tên đường phố, trường học ở Bình Định và nhiều tỉnh, thành.
Phần II cuốn sách khép lại bằng những câu chuyện thú vị mang tính giai thoại nửa thực nửa hư; như khi phong trào Cần Vương thất bại, Tăng Bạt Hổ tìm đường sang Xiêm thì gặp cọp chặn đường nhưng ông “không chút sợ hãi, nhìn thẳng vào mắt cọp, bình thản nói “Này chúa sơn lâm, tôi đi đây vì đại nghĩa chứ không phải vì việc riêng, xin ông tránh sang một bên”… Dường như con cọp cũng có linh tính, biết xúc động trước nghĩa cử của ông nên đã tránh sang một bên cho ông và các bạn qua đèo. Từ đó ông được mọi người gọi là Tăng Bạt Hổ”. Phần III của cuốn sách là những hình ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật thể hiện sự sinh động về Hoài Ân - quê hương Tăng Bạt Hổ hôm nay.
Tác giả Trần Đình Định chia sẻ: “Chúng ta cần học và nối bước cụ Tăng ở nhận thức đúng, nhạy bén, ham học hỏi, hành động và hành động, rèn luyện nhân cách, trui rèn bản lĩnh để góp phần nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Cuốn sách này chúng tôi xin được kính dâng hương hồn cụ Tăng và dành tặng những người quan tâm tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Tăng cũng như quê hương Hoài Ân”.
MAI THƯ
Các bác có tin con cọp tránh đường cho cụ Tăng không? Tôi thì ngàn lần không, cọp thấy người giữa rừng núi mà không nhào vào xơi tái mới lạ. Chi tiết này chỉ nhằm đề cao việc làm chính nghĩa của cụ Tăng thôi.