Đờn ca tài tử trước cơ hội được UNESCO vinh danh
Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã qua nhiều bước đệ trình, thẩm định và sắp sửa được UNESCO xem xét vinh danh. Từ một sinh hoạt văn hóa bình dân, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đang đứng trước cơ hội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ một sinh hoạt văn hóa bình dân
Nói đến Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhiều người nghĩ ngay tới những buổi sinh hoạt văn hóa độc đáo, đầy chất tài tử của người Nam Bộ nơi miệt vườn, sông nước. Nhưng hơn thế, không gian trình diễn của Đờn ca tài tử rộng lớn hơn thế nhiều khi có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào.
Trong những đêm trăng thanh gió mát, những người Nam Bộ vẫn cất lời ca tiếng hát trên những con thuyền trôi lững lờ trên sông hay những dịp cúng tế mang tính lễ nghi, cả những sự kiện như đám cưới, đám hỏi và sau những cuộc trà dư tửu hậu... Đờn ca tài tử vẫn luôn là loại hình văn hóa tiêu biểu, phổ cập của người dân miền Nam Bộ.
Hiện nay, trong sinh hoạt Đờn ca tài tử bên cạnh những nhạc khí truyền thống như đàn Nguyệt, Thập lục hay những nhạc cụ truyền thống của dân tộc như Sáo, Bầu, Tỳ bà... còn có nhiều nhạc cụ của phương Tây cũng đã du nhập, hòa quyện trong những buổi trình diễn Đờn ca tài tử như Violin, Guitar phím lõm...
Theo GS Trần Văn Khê, điểm nổi bật của Nghệ thuật Đờn ca tài tử chính là sự hòa hợp, gần gũi giữa người trình diễn với khán giả và chính sự hòa hợp này tạo nên sự gần gũi và sức sống bền vững cho nghệ thuật trình diễn độc đáo này của người dân Nam Bộ.
Quả thực, khi những nốt nhạc dạo của người tài tử cất lên, đa số người dân Nam Bộ đều có thể vang ngân những bài hát đã nằm lòng trong tiềm thức đã in sâu như một làn điệu dân ca. “Câu rao” được hiểu như một khúc nhạc dạo của người nhạc công chơi Nghệ thuật Đờn ca tài tử dù có phóng túng, phiêu linh đến mấy thì ít nhiều cũng có thể dễ dàng dẫn dắt người nghe đi vào làn điệu chính của bản nhạc...
Vì thế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia âm nhạc, Nghệ thuật Đờn ca tài tử hấp dẫn khán giả VN lẫn các chuyên gia nước ngoài bởi tính bình dân nhưng lại mang tính hàn lâm trong trình diễn.
Trên bước đường đệ trình UNESCO vinh danh
Thực tế, từ khá sớm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được bạn bè thế giới biết đến ít nhiều. Khoảng đầu những năm 1960, một đĩa thu âm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được GS Trần Văn Khê giới thiệu với UNESCO. Sau đó, đĩa thu âm của nghệ nhân dân gian Bạch Huệ gồm 11 bài theo thể loại đờn ca tài tử có tiêu đề Viet Nam traditions of the South cũng được phát hành dưới thương hiệu Tuyển tập UNESCO...
Trong nhiều năm trở lại đây Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được quan tâm, đầu tư để bảo tồn và phát triển. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, nguồn kinh phí nhà nước cho chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho các dự án kiểm kê và bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian lần thứ 41 được tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2007, với sự trình diễn của 39 nghệ nhân VN, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao...
Với những giá trị độc đáo của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, năm 2010 - 2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng Hồ sơ Quốc gia Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, công tác kiểm kê di sản này đã được tiến hành khắp 21 tỉnh, thành trong cả nước có di sản Đờn ca tài tử. Theo đó, không chỉ đã và đang là một sinh hoạt tinh thần quan trọng của người dân Nam Bộ, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ còn lan tỏa ra cả miền Trung và miền Bắc nước ta.
Trong hội thảo quốc tế Nghệ thuật Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” được tổ chức tại TP HCM năm 2011, với sự tham gia của 150 đại biểu, trong đó có 7 tham luận đến từ các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Cộng hòa Síp, nhìn chung các chuyên gia âm nhạc, các nhà nghiên cứu văn hóa thế giới đã đánh giá cao giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Dự kiến trong tháng 10, Liên hoan giao lưu trình diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ I sẽ được tổ chức như một trong những hoạt động quan trọng quảng bá cho Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
PGS.TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia, Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết: “Hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được hoàn thiện và gửi tới UNESCO đúng hạn để được Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét, ghi danh vào kỳ họp của Ủy ban lần thứ 8 sẽ diễn ra ở Baku, Cộng hòa Azecbaizan ngày 2 - 8.12”. Như vậy, từ một sinh hoạt văn hóa bình dân, Nghệ thuật Đờn ca tài tử đang đứng trước ngưỡng cửa được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Theo Phúc Nghệ (baovanhoa.com.vn)