Đức Thánh Trần trong lòng dân Bình Định
Trong tâm thức người Việt Nam, Trần Hưng Ðạo là vị anh hùng đã hiển thánh. Bình Ðịnh dẫu không phải là quê hương xứ sở của nhà quân sự kiệt xuất này, hằng năm cứ đến 20.8 âm lịch, chính quyền và nhân dân phường Thị Nại (TP Quy Nhơn) lại làm giỗ người anh hùng để tỏ lòng kính ngưỡng tiền nhân.
Dân gian có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Cha ở đây là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, còn Mẹ là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Trần Hưng Đạo là vị anh hùng dân tộc được nhân dân cả nước ngưỡng vọng tôn sùng thành Thánh, nhưng cũng gần gũi, ấm áp vô cùng trong một tiếng gọi - “Cha”.
“Tháng Tám giỗ Cha…”
Lễ tưởng niệm ngày húy kỵ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo hằng năm được tổ chức tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (còn gọi là Đền Sơn Hà, 596/17 Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) đã được duy trì từ năm 1968 đến nay. Đây cũng là hoạt động tưởng niệm mang tính chất lễ hội long trọng nhất trong năm ở Đền. Ông Nguyễn Đình Lang, Phó Ban hộ từ Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, cho biết: “Ngoài chánh kỵ 20.8, Đền còn 4 dịp lễ lớn. Đó là ngày 10 tháng Chạp - kỷ niệm ngày sinh Cha (còn gọi là ngày đản sanh). Trong tháng Giêng, mồng Hai là ngày khai ấn, ngày Rằm Đền tổ chức cầu an và 25 là ngày lễ đại hội đồng các chư tướng. Tại mỗi dịp, Đền đều đón đông đảo nhân dân, đạo hữu thập phương và trong tỉnh về tỏ lòng tôn kính”.
Suốt 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Tuyết Sương, 70 tuổi, ở khu vực 1, phường Thị Nại, lặng lẽ gắn bó với “công tác hậu cần” ở Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo mỗi dịp kỵ, rằm. Gian bếp, giếng nước, từng nồi niêu xoong chảo, bàn ghế, chén bát… ở Đền cũng thân thuộc như vật dụng trong nhà bà. “Đã thành nếp, cứ trước vài ngày Đền có việc, chị em phụ nữ phường Thị Nại và phường lân cận như Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong… lại về Đền xắn tay áo dọn dẹp, quét tước, cùng bàn xem giỗ năm nay nấu món gì rồi phân công đi chợ, nấu nướng. Từ mâm cỗ cúng đến tiệc đãi khách, chúng tôi đều muốn từ lòng thành và tự tay mình làm ra. Suốt mấy mươi năm như thế rồi, lớp này lớn tuổi thì có các cháu trẻ thay thế, chúng nó còn “thạo” bếp núc, nấu nướng giỏi, bày biện đẹp mắt hơn. Tất cả tự nguyện, vui vẻ, đầm ấm như làm giỗ ông bà tổ tiên nhà mình”, bà Sương chia sẻ.
Một cách thuộc sử nước nhà
Tại ngày giỗ lần thứ 713 của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được tổ chức vào sáng 24.9 vừa qua, người dân trong tỉnh lại được nhắc nhớ về tài thao lược, công lao và nhân cách lớn của vị anh hùng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời Trần được coi là giai đoạn phát triển cao của văn minh Đại Việt. Vua tôi nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại 3 lần xâm lăng của đế quốc Nguyên - Mông, đế quốc hùng mạnh nhất ở thế kỷ XIII. Gắn liền với chiến tích lẫy lừng đó, không thể không nhắc đến nhân vật lịch sử huyền thoại - Trần Hưng Đạo. Trên khắp đất nước, từ Bắc chí Nam, nhân dân đã lập đền thờ để tưởng niệm, nhiều con đường, ngôi trường tự hào mang tên ông và hình ảnh tượng đài Trần Hưng Đạo với tư thế dũng mãnh hiện diện sừng sững trên khắp các vùng biển Việt Nam.
Theo Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đinh Bá Hòa, người chủ biên hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, việc thờ phụng một nhân vật lịch sử có công là truyền thống đạo lý của nhân dân ta. Xuất phát từ quan niệm của người xưa: “Sinh vi tướng, tử vi thần”, sinh thời một đời vì dân vì nước, khi mất hóa thánh cứu nhân độ thế. Nên đối với nhân dân, Đức Thánh Trần Hưng Đạo vừa vĩ đại vừa gần gũi, người dân thường tìm đến lúc vui hay buồn, hoạn nạn để mong che chở. Thông qua tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong dân gian, những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với nhân vật và giai đoạn lịch sử ấy được bồi đắp trong lòng dân, đó cũng là một cách ghi nhớ và hiểu sâu sắc hơn lịch sử nước nhà.
Ông Nguyễn Đình Lang cũng cho rằng, lịch sử sẽ dễ đi vào lòng dân hơn nếu có điều kiện gắn với những hoạt động văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng cao. Với người dân phường Thị Nại, may mắn có Đền Sơn Hà nằm trên địa bàn với sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh tốt đẹp được duy trì bao năm qua, đã tạo điều kiện cho một bộ phận người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ quan tâm đến lịch sử nước nhà hiểu sâu sắc hơn về anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cùng thời đại lịch sử liên quan. Những người dân nặng lòng với việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo mong rằng, khi Đền thờ mới được xây dựng, những bản sao sắc phong của Đền, câu chữ được khắc trên chánh điện, hương án, đồ thờ tự, những câu nói để đời của anh hùng Trần Hưng Đạo… sẽ được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ để người dân, học sinh đọc và hiểu hơn về lịch sử dân tộc.
SAO LY