Không “an cư” sao “lạc nghiệp”?
Khó mà diễn tả được cảnh xuống cấp, chật chội, mất mỹ quan ở nhà tập Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Công trình này được xây dựng năm 1980, lọt thỏm trong một khu dân cư thuộc tổ 26, khu vực 3, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, là nơi hoạt động của Đoàn ca múa nhạc Chim Yến (đã giải thể) giao lại cho Đoàn Ca kịch Bài chòi tiếp nhận, sử dụng từ năm 1989.
Tầng 1 của ngôi nhà rộng hơn 100m2 này dùng làm nhà kho và để xe ôtô, còn sàn tập bằng gỗ ở tầng 2, có diện tích vỏn vẹn 65m2. Trong khi các nhà dân xây nền cao thì nền nhà tập này không thể cải tạo, nước mưa vào không thoát, ngấm và nhếch nhác. Sàn gỗ qua sử dụng nhiều năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Khi tập những chương trình, vở diễn có đông diễn viên tham gia và diễn xuất những màn múa đồng diễn hoặc cảnh giao tranh, đánh nhau, diễn viên vừa tập vừa… run. Có chuyện thật như đùa là trong quá trình tập vở “Khúc ca bi tráng” - một vở diễn hoành tráng huy động tới 45 diễn viên tham gia - không ít lần êkip phải ngừng diễn để… nghe ngóng và trấn tĩnh tinh thần vì dưới chân, sàn tập rung lắc mạnh.
Không chỉ nhà tập xuống cấp, cách đó không xa, trụ sở làm việc của Đoàn này cũng hết sức chật chội. Đoàn có tất cả 51 người, nhà làm việc chỉ có 6 phòng, trong đó 2 phòng “ngon lành” nhất dùng để chứa đạo cụ, phục trang và cũng đã chật như nêm. Được biết, việc xây dựng mới Nhà hát Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã có chủ trương, hiện đang triển khai thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng.
Ngày 16.8.2013, NSND Hoài Huệ, Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, đã gửi tờ trình đến Sở VH-TT&DL “cấp báo” về tình hình hư hỏng nặng và có nguy cơ mất an toàn của nhà tập này. “Mùa mưa bão sắp tới và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định còn rất nhiều nhiệm vụ nghệ thuật phải tiến hành. Nhưng, hiện giờ chúng tôi không có chỗ để tập vì thấy nguy hiểm nếu tiếp tục tổ chức tập luyện trong điều kiện như thế này”, NSND Hoài Huệ cho biết.
Qua kiểm tra thực tế, Sở VH-TT&DL xác định công trình này đã hết niên hạn sử dụng, hệ thống kèo, xà gồ mái, gỗ đà trần, mái, sàn tập đã hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn. Để giải quyết nhu cầu hiện tại của Đoàn, Sở VH-TT&DL đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa nhà tập, kinh phí sửa chữa không quá 200 triệu đồng.
“Điệp khúc” xuống cấp sàn tập, không sàn diễn, trụ sở làm việc chật chội… của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã tồn tại từ nhiều năm qua, đến nay hướng giải quyết vẫn mang tính tạm thời. Một khi chưa được “an cư” thì “lạc nghiệp” vẫn sẽ là chuyện khó.
KHẢI THƯ
Bạn Khải Thư nên có một hình ảnh cụ thể hơn. Đó là nhà xe của Đoàn mà. Phản ánh như vậy không thực tế lắm! Gây phản cảm cho nhân dân.