Trọn nghĩa tri ân
Tháng 7, Bình Ðịnh đã và đang diễn ra nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Ơn Mẹ
Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến 2017, Bình Định đã tập trung triển khai và thẩm định, xét duyệt giải quyết các chế độ, chính sách cho hơn 14.350 người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp. Trong số này, có 3.265 mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện nay, toàn bộ các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đều đã được các cơ quan, tổ chức, DN nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Lễ gặp mặt người có công tiêu biểu toàn tỉnh năm 2018 nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Cả chồng và con trai duy nhất hy sinh trong chiến tranh, Mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Khá (99 tuổi, ở thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) hiện sống cùng gia đình cháu họ. Mắt đã mờ, tai nghễnh ngãng, song cụ Khá vẫn ý thức tự chăm sóc bản thân, tránh phiền hà đến con cháu.
Ngày 25.7, khi đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Võ Vinh Quang đến thăm, cụ quyến luyến, hỏi han nhiều điều. Cụ bảo: “Ngày thường, ngoài con cháu, ít có người ghé thăm tôi. Tôi mong và mừng lắm khi có chính quyền, đại diện của tỉnh ghé thăm. Tôi mừng vì cái tình, mừng vì vui cửa vui nhà”.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Võ Vinh Quang thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Khá (99 tuổi, ở thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn).
Ngay khi biết đơn vị phụng dưỡng mẹ Khá là một đơn vị ngoài tỉnh và nhiều năm liền không thể đến thăm mẹ vì xa xôi, mức phụng dưỡng cũng khá khiêm tốn, đồng chí Võ Vinh Quang đã động viên mẹ và yêu cầu cán bộ địa phương thường xuyên ghé thăm; đồng thời cho biết HĐND tỉnh sẽ lên kế hoạch để nhận phụng dưỡng mẹ Khá trong thời gian đến, nhằm góp thêm sự động viên tinh thần, thể hiện sự tri ân.
Ấy cũng là sự đền đáp của thế hệ hôm nay, dẫu biết không thể nào cho vừa, cho đủ với công lao và sự hy sinh của các mẹ đối với Tổ quốc.
Nghĩa tình đong đầy nhà tình nghĩa
Chính sách hỗ trợ về nhà ở là chính sách có tác động rất lớn đến các gia đình có công với cách mạng trong những năm qua. Giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh có 2.667 hộ người có công được hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí hơn 89,4 tỉ đồng. Trong đó, từ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với người có công, có 1.990 căn nhà được xây dựng với tổng kinh phí 64,26 tỉ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ giai đoạn II (từ năm 2016 - 2020) với tổng số nhà cần được hỗ trợ xây dựng 4.949 căn (trong đó, xây mới 2.356 căn, sửa chữa 2.593 căn).
“Bình Ðịnh đã chú trọng công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính lĩnh vực ưu đãi người có công thông qua các chương trình phần mềm quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Trung bình hằng năm, ngành LÐ-TB&XH xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công tại 2 - 3 địa phương, đơn vị”.
Ông Trương HảI Ân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
Bên cạnh đó, các tổ chức trong và ngoài tỉnh cũng đặc biệt quan tâm hỗ trợ về nhà ở cho gia đình chính sách. Chỉ riêng trong hai năm 2016 và 2017, các khối thi đua trong tỉnh đã huy động sự đóng góp của cán bộ, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc khối để xây nhà tình nghĩa với mức hỗ trợ tối thiểu là 50 triệu đồng/căn. Riêng năm 2017, từ Quyết định số 1447 của UBND tỉnh, 650 hộ người có công có nhà ở xuống cấp do ảnh hưởng của 5 đợt lũ vào cuối năm 2016 đã được hỗ trợ xây dựng với mức 40 triệu đồng/hộ. Tổng chi phí cho chương trình là 26 tỉ đồng, hoàn toàn từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Liên (71 tuổi, thương binh, bệnh binh 61%, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), người được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở theo Quyết định 1447 của UBND tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống, là được sống trong hòa bình tại quê nhà. Niềm hạnh phúc ấy còn lớn hơn nữa khi được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm giúp đỡ nhiều mặt, đặc biệt là việc giúp chúng tôi có nhà cửa khang trang”.
Cộng đồng chung tay
Công tác tri ân người có công những năm qua trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự chung tay của toàn xã hội. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh huy động hơn 22 tỉ đồng trong 5 năm qua từ nguồn đóng góp của cán bộ, nhân dân, các DN trên địa bàn. Từ nguồn quỹ này, Bình Định đã triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình như thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, chăm sóc thân nhân liệt sĩ già yếu neo đơn, giúp nguồn vốn sản xuất...
Học sinh dâng hương tại mộ tập thể liệt sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng ở phường Đập Đá, TX An Nhơn. Ảnh: Văn Trang
Ông Đỗ Việt Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, đơn vị vừa tổ chức đợt khám bệnh, tặng quà cho gần 1.000 người có công ở huyện Hoài Nhơn, bộc bạch: “Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Chúng tôi biết mỗi thôn, xóm nơi đây đều sinh ra những người con anh hùng, dũng cảm chiến đấu cho độc lập, hòa bình Tổ quốc. Trong khả năng của Bệnh viện, chúng tôi chỉ có thể tập trung khám bệnh, tặng quà tri ân cho địa phương có số lượng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công lớn nhất tỉnh là Hoài Nhơn”.
Ông Đặng Đức Đạo, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, cho biết thêm: “Các DN, tổ chức trong và ngoài tỉnh đặc biệt dành sự quan tâm đến gia đình chính sách, công tác đền ơn đáp nghĩa. Đơn cử như dịp Tết Nguyên đán 2018, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh đã hỗ trợ địa phương hơn 1,5 tỉ đồng để tôn tạo 7 nghĩa trang liệt sĩ và 3 công trình liệt sĩ trên địa bàn huyện”.
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chảy qua nhiều năm tháng. Tùy vào khả năng của mình, mỗi đơn vị, cá nhân đang góp thêm một lời tri ân dành cho các bậc cha, anh đã không tiếc máu xương vì tự do, độc lập dân tộc.
NGUYỄN MUỘI