Truyền hình trả tiền về nông thôn
Vài năm gần đây, các dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) như Truyền hình An Viên (AVG), Truyền hình số vệ tinh K+… đã có mặt tại nhiều địa bàn nông thôn trong tỉnh. Một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn đã “móc hầu bao” để mang THTT về gia đình, thay cho thói quen xem tivi “chùa” như trước.
Người dân băn khoăn vì sao “đài nhà” BTV chưa có mặt trong hệ thống kênh đa dạng của THTT AVG, K+ như nhiều truyền hình địa phương khác?
- Trong ảnh: Chị Tâm đang dò chuyển từ dịch vụ AVG sang kênh BTV.
Bỏ tiền mua dịch vụ
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Tâm ở thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước sử dụng AVG gần 1 năm nay. Ngoài chi phí lắp đặt ban đầu 1,5 triệu đồng, chọn dùng gói cước như ý, mỗi tháng chị Tâm còn trả tiền cước 66.000 đồng. Chị cho biết: “Trước đó, gia đình tôi xem tivi bằng ăngten cần, chỉ bắt được các kênh của VTV và đài tỉnh (BTV), hình ảnh lại nhiều “hột mè”. Quyết định chuyển sang xem “tivi tốn tiền” cũng đắn đo lắm, nhưng xem như mỗi ngày mình cố gắng tiết kiệm mấy ngàn đồng tiền chợ cho nhu cầu giải trí tinh thần của cả nhà”. Cạnh nhà chị Tâm, gia đình ông Nguyễn Đình Phương cũng đang sử dụng AVG. Được biết, toàn huyện Tuy Phước hiện có 120 hộ sử dụng dịch vụ truyền hình này.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Thơ, ở thôn Tân Thành, xã Tam Quan Bắc, dùng Truyền hình số vệ tinh K+ đã gần nửa năm nay. Cứ 3 tháng, anh lại mua card trị giá 660 ngàn đồng để thanh toán cước. “Đó là khoản tiền không nhỏ so với đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, bù lại, tôi được thưởng thức các trận đấu hấp dẫn của Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, những trận “Super Sunday” chỉ có trên kênh K+. Bên cạnh đó, các kênh phim truyện, hoạt hình phong phú cũng giúp các thành viên trong gia đình tôi được giải trí nhiều hơn”, anh Thơ cho biết.
Sau 6 tháng được AVG khuyến mãi cước sử dụng hằng tháng, mới đây chị Đặng Thị Uyên Thúy (ở thôn Kiên Ngãi, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) vừa trả phí thuê bao cho quý đầu. Trước đó, cũng như nhiều nhà khác trong thôn, gia đình chị xem tivi qua ăngten chảo. “Có lẽ vì “xem chùa” hay sao mà tôi để ý thấy có nhiều kênh cứ bị mất tín hiệu dù trong điều kiện thời tiết bình thường, một số kênh thì “biệt tăm” luôn. Nhiều khi đang theo một bộ phim hay, bị cắt cứ tức anh ách. Thôi thì tiết kiệm “đầu tư” bắt THTT, chọn mức cước trung bình (66.000 đồng/tháng) xem được khoảng 60 kênh, nội dung phong phú, hình ảnh chất lượng, cũng đáng đồng tiền bát gạo”, chị Thúy chia sẻ.
Theo anh Võ Đức Vương, nhân viên chuyên quản AVG địa bàn huyện Tây Sơn, triển khai từ tháng 4.2012 đến nay, hiện toàn huyện có 72 khách hàng đang sử dụng dịch vụ truyền hình này, rải đều ở nhiều xã, thị trấn trong huyện. Anh Vương cũng cho biết thêm, nhìn chung, sức mua của thị trường nông thôn đối với AVG nói riêng chưa cao. Ngoài phải trả chi phí hằng tháng thì nguyên nhân chính khiến người dân chưa mặn mà là chưa có đài truyền hình địa phương trên sóng THTT.
Nỗi buồn vắng bóng “đài nhà”
Xài AVG đã gần năm, song gia đình chị Tâm vẫn giữ lại ăngten cần trên mái nhà. Chị còn có ý định mua cần ăngten mới để thay cái đang dùng đã khá cũ, chỉ là để xem được “đài Bình Định”. “Vợ chồng tôi có thói quen xem hết chương trình thời sự trên VTV là chuyển sang BTV xem thời sự và các chương trình khác. Các thao tác đổi remote điều khiển, dò tìm đài… cũng khá mất công, nhưng khó chịu nhất là đang xem “hình ảnh đẹp như mơ” bên này mà chuyển sang xem đài tỉnh chất lượng hình ảnh, màu sắc khác “một trời một vực”. Tôi thử dò và thấy có rất nhiều đài địa phương khác trong cả nước, không hiểu sao BTV lại không có”, chị Tâm thắc mắc.
Cùng nỗi niềm trên, sau hơn 1 năm gia đình lắp đặt truyền hình An Viên, anh Bùi Quang Đoàn (ở thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đang có ý định ngưng sử dụng. Ngoài gánh nặng cước phí hằng tháng, việc không xem được “đài nhà” làm anh giảm niềm hứng khởi với THTT. Anh Đoàn cho hay: “Sau khi liên hệ yêu cầu cắt truyền hình An Viên, nhà tôi sẽ quay lại “xem chùa” qua chảo vệ tinh như trước đó, vì đã mất 1 khoản phí mỗi tháng mà không xem được đài gia đình thường xem, cứ thấy tiếc tiếc thế nào”.
Theo bà Trương Thị Hoa, Phó Giám đốc Bưu điện Khu vực 2 (đóng tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), “khuyết” BTV trong danh mục kênh phát sóng của AVG hay K+ là nguyên nhân chính khiến nhiều người dân không thật sự thoải mái khi bỏ tiền mua dịch vụ. “Trung bình 10 khách hàng gọi đến tìm hiểu lắp đặt AVG tại nhà, khi được thông báo chưa có đài BTV thì chỉ còn 1, 2 khách tiến tới yêu cầu lắp đặt. Với những hộ đang sử dụng dịch vụ, hằng tháng, quý, nhân viên đến nhà thu cước, bao giờ cũng nhận được câu hỏi: “Sao chưa thấy đài tỉnh mình lên sóng?”. Tôi cho rằng, chỉ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng này, lượng khách hàng dùng dịch vụ THTT AVG hay K+ mới có thể tăng lên”, bà Hoa cho biết.
SAO LY
Đúng là dân Bình Định mà không xem tivi BĐ, không biết gì về BĐ, ra đường người ta nói chuyện ở BĐ mà mình "ngơ ngác" thì cũng ê mặt thật! Thực ra, truyền hình BĐ đã phát lên sóng vệ tinh, ai ở đâu cũng xem được. Tuy nhiên, quý vị dùng thuê bao của AVG hay K+ không xem được, đơn giản là do nhà đài của quý vị không tiếp sóng và phát kênh BTV cho KH của mình xem. Nguyên nhân chính có thể là do họ thấy kênh BTV chưa hay, nên không thu. Chứ bên VTC thì họ vẫn thu và phát BTV của BĐ đấy thôi. Được cái này, mất cái kia. Thôi thì đành dùng thêm 1 cái tivi để xem BĐ vậy!