Hoạt động của mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển:
Còn nhiều mặt hạn chế
Thời gian qua, hàng trăm tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập trên địa bàn tỉnh đã giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro trong quá trình đánh bắt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và khó khăn.
Theo nhiều ngư dân, từ khi thành lập những tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, họ đã hỗ trợ nhau trong khai thác cũng như tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tự bảo vệ trên biển. Qua đó, giảm bớt chi phí sản xuất, giảm thiểu thiệt hại khi gặp rủi ro, góp phần bảo vệ ngư trường.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành, chủ tàu cá - tổ trưởng tổ, đội đoàn kết ở xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, chia sẻ: “Cách đây chừng vài tháng, tàu cá của ông La Sưởng, ở thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc khi đang khai thác tại ngư trường Trường Sa thì bất ngờ bị phá nước, trôi tự do, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu tê liệt, ông Sưởng bị gãy chân. Phát hiện tàu của ông Sưởng mất tích, các tàu thành viên trong tổ, đội đoàn kết đã phân công đi tìm; qua một ngày, 2 tàu trong tổ đã phát hiện, cứu hộ và lai dắt tàu ông Sưởng vào bờ an toàn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn nhất định: Các tàu cá chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần để liên kết bán sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá; thông tin liên lạc hai chiều giữa tổ trưởng các tổ, đội với các cơ quan quản lý chưa tốt, ảnh hưởng đến việc phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và an toàn của các tổ, đội trên biển; phần lớn các tàu cá hành nghề lưới vây rút chì đang thiếu máy dò ngang (SONAR) JMC-CSL-1000 để định vị luồng cá nên hiệu quả khai thác, đánh bắt chưa cao; tình trạng một số tổ, đội hoạt động không đúng theo quy ước, cam kết chung vẫn còn diễn ra; nhiều ngư dân có tư tưởng giấu ngư trường khai thác, không khai báo tọa độ với cơ quan chức năng… làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi tàu thuyền khi có áp thấp nhiệt đới, bão trên biển.
Có những hạn chế, khó khăn trên là do tại một số địa phương, ngư dân vẫn khai thác mang tính tự cấp, tự túc, thiếu vốn sản xuất, sự hợp tác chưa thực sự sâu sắc; các tổ trưởng, thuyền trưởng thiếu kỹ năng quản lý phòng tránh thiên tai và phát triển tổ, đội khai thác xa bờ. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.
Ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ phụ trách Phòng Quản lý khai thác và thông tin thủy sản - Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, cho biết: “Để dần xóa bỏ tính tự cấp, tự túc trong sản xuất của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, chúng tôi đề xuất với các bộ, ngành Trung ương sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các tổ, đội. Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ vốn vay để các tổ, đội đầu tư tàu dịch vụ hậu cần, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, thời gian tới, các địa phương ven biển sẽ là “đầu mối” trách nhiệm trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia vào tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; trực tiếp xây dựng quy chế hoạt động theo đặc thù sản xuất nghề cá tại địa phương”.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI