Vụ 20 hộ dân khiếu nại UBND huyện Tuy Phước:
Sớm giải quyết dứt điểm vụ việc
Những năm gần đây, 20 hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể phía sau chợ Bồ Đề (cũ), nay thuộc thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng khiếu nại việc UBND huyện Tuy Phước không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ - sổ đỏ) cho họ là sai quy định và o ép người dân.
Năm 1985, UBND huyện Tuy Phước xây dựng khu nhà tập thể gồm 20 gian (mỗi gian khoảng 30m2) tại khu vực phía sau chợ Bồ Đề để cấp cho những cán bộ, công chức công tác tại huyện có nhu cầu về chỗ ở. Đến tháng 10.1993, UBND huyện Tuy Phước tiến hành thanh lý 20 gian nhà này cho những hộ đang sử dụng. Theo đó, cán bộ, công nhân viên có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhà ở thì phải đóng tiền cho UBND huyện với 3 mức giá khác nhau tùy thuộc vào vị trí từng gian nhà. Sau khi hoàn tất thủ tục thanh lý, hầu hết các hộ đều tiến hành tu bổ, sửa chữa lại căn nhà được thanh lý; bên cạnh đó, một số hộ sau một thời gian sử dụng đã sang nhượng.
Khoảng năm 2008, nhiều gia đình đang sinh sống tại khu tập thể gửi đơn tới ngành chức năng của huyện Tuy Phước đề nghị xem xét cấp GCN QSDĐ ở và quyền sở hữu nhà ở để họ yên tâm làm ăn, sinh sống và đáp ứng nhu cầu giao dịch. Tuy nhiên, UBND huyện Tuy Phước yêu cầu các hộ dân phải nộp tiền đất ở thì mới được xem xét cấp sổ đỏ. Không đồng tình với cách giải quyết này, từ năm 2008 đến nay, các hộ gia đình nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Tuy Phước và UBND tỉnh, nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo ông Nguyễn Tuyên Đức - 1 trong 20 hộ dân đang sinh sống tại Khu tập thể 20 gian phía sau chợ Bồ Đề: “UBND huyện Tuy Phước cho rằng vào năm 1993, các hộ dân mới chỉ nộp tiền thanh lý tài sản trên đất chứ không phải nộp tiền sử dụng đất ở, nên muốn làm sổ đỏ phải nộp khoản tiền này. Tuy nhiên, cách giải quyết này chưa thấu tình đạt lý bởi nếu chỉ đóng tiền thanh lý tài sản trên đất thì tại sao biên bản họp hóa giá vào năm 1993, các ngành chức năng của huyện ghi nội dung “đất phía trước nhà trừ đường đi 4m, đất phía sau nhà thì nhà nào nhà đó sử dụng”. Ngoài ra, 20 gian nhà đều xây dựng có diện tích, thiết kế, kết cấu giống nhau, thì tại sao khi đóng tiền thanh lý lại theo 3 mức giá khác nhau tùy thuộc vào vị trí từng gian nhà?”. Ông M., 1 hộ dân khác bổ sung: “Năm 1993, khi huyện tiến hành thanh lý 20 gian nhà thực chất là hóa giá nhà ở, tại thời điểm đó, chúng tôi đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền đất ở cho Nhà nước”.
Về việc này, UBND tỉnh đã 2 lần ban hành văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo cho UBND tỉnh. UBND huyện Tuy Phước cho rằng: Khiếu nại của các hộ dân kể trên phức tạp nên huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc. Trên cơ sở kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngày 14.6.2013, UBND huyện Tuy Phước có tờ trình số 85/TTr-UBND xin chủ trương xử lý của UBND tỉnh. Ngày 25.6.2013, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra lại sự việc, báo cáo cho UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý; nhưng đến nay, UBND tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo nên UBND huyện Tuy Phước chưa thực hiện được.
Thiết nghĩ, các ngành có chức năng liên quan nên sớm tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến dư luận địa phương.
VĂN LỰC