Thông tin tiếp bài “Xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ: Dân phá rừng đón dự án”:
Còn vướng trong xử lý
Báo Bình Định số ra ngày 23.8.2013 có bài “Xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ): Dân phá rừng đón dự án” phản ánh việc nhiều hộ dân ở thôn Đại Sơn, Hòa Nghĩa, Bình Tân Tây, xã Mỹ Hiệp lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng cây nguyên liệu giấy tại khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đại Sơn, thuộc tiểu khu 192 để đón Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA 2) do Nhật Bản tài trợ, khiến dư luận bất bình.
Ngày 3.10, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Đến thời điểm này, hiện tượng kể trên đã được ngăn chặn. UBND huyện Phù Mỹ đã cho kiểm tra thực tế việc xâm hại rừng; qua đó, ngành chức năng huyện Phù Mỹ phát hiện và ngăn chặn kịp thời 11 hộ dân ở 3 thôn Hòa Nghĩa, Đại Sơn, Bình Tân Tây đã tự ý phát, đốt thực bì, lấn chiếm trái phép 9,3 ha đất quy hoạch lâm nghiệp phòng hộ, trạng thái Ib, Ic tại khoảnh 2 và 4 tiểu khu 192 thuộc khu vực lòng hồ Đại Sơn. Đồng thời, UBND xã Mỹ Hiệp phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ đã tiến hành nhổ bỏ 2 ha keo lai và triệt phá 5 lò đốt than trên núi Đại Sơn. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm các đối tượng vi phạm vẫn chưa thể làm rốt ráo vì thiếu căn cứ để xác định đối tượng vi phạm”.
Theo Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai do Chính phủ ban hành ngày 11.11.2009 thì trường hợp được coi lấn chiếm đất là hành vi sử dụng đất trái phép không được nhà nước cấp đất, mà theo các ngành tư pháp trường hợp sử dụng có nghĩa là đã trồng. Mặt khác, đến nay UBND tỉnh chưa có quy định xử lý cụ thể về mức giá đất lâm nghiệp chưa qua sử dụng, dẫn đến thẩm quyền xử phạt thuộc về ai vẫn mập mờ nên gây nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác xử lý. Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của Sở Tài nguyên - Môi trường (theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - bà Trần Thị Thu Hà tại cuộc họp ngày 3.9.2013).
Liên quan đến việc ông Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp ngày 2.7.2013 đã ký thông báo số 55/TB-UBND “cấm các hộ trồng rừng trái phép, khai thác theo văn bản 737/UBND-VP của UBND huyện”. Công văn 737 là tấm giấy thông hành giúp ông Trần Văn Hùng đưa xe cộ, máy móc, nhân công vào Đại Sơn tận thu gỗ tại khu vực rừng mà ông đã xâm chiếm trước đây. Hậu quả là nhiều hộ dân bắt chước làm theo, tạo dư luận không tốt tại địa phương. Theo UBND huyện Phù Mỹ, đây là việc làm không đúng nguyên tắc và ngộ nhận của cấp dưới.
Ông Tân lý giải: “Ngày 30.8.2011, chúng tôi chỉ ban hành công văn 737/UBND-VP “chỉ đạo xử lý khai thác rừng trồng trên diện tích đất phòng hộ lấn chiếm trái phép”, áp dụng riêng biệt cho trường hợp ở xã Mỹ Đức. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các trường hợp trồng rừng trái phép trên địa bàn huyện, trước khi khai thác, giao trả đất lại cho nhà nước, bắt buộc phải làm tờ trình, trình bày rõ ràng, cụ thể những phương án để lãnh đạo UBND huyện xem xét, khi nào được UBND huyện thông báo chính thức bằng văn bản đã đồng ý cấp phép thì mới được triển khai. UBND xã Mỹ Hiệp chưa có bất kỳ văn bản nào để trình lên cho chúng tôi xem xét mà tự ý triển khai theo ý của mình. Tôi đã yêu cầu địa phương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm ngay việc làm này”.
Để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đi vào nề nếp; thiết nghĩ huyện Phù Mỹ cần tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề này.
TRỌNG LỢI