Ðánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân: Khách quan, toàn diện, thực chất
Bắt đầu từ năm 2018, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân hằng năm có nhiều điểm mới quan trọng, hướng đến mục tiêu khách quan, toàn diện, thực chất.
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn, sự đổi mới này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh “đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục” - như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ.
Ý thức, thái độ phục vụ nhân dân là một trong những nội dung kiểm điểm, đánh giá đảng viên là công chức, viên chức.
- Trong ảnh: Cán bộ Văn phòng UBND TP Quy Nhơn hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.
Đa chiều, lượng hóa
* Để góp phần khắc phục “khâu yếu nhất” này, hoạt động kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân từ năm 2018 có những điểm mới nào đáng chú ý, thưa ông?
- Đầu tiên, đối tượng kiểm điểm, đánh giá sẽ được mở rộng đáng kể so với những năm trước đây, gồm cả đảng bộ cấp huyện và tương đương; đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các ban đảng; ban thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội; cấp ủy đảng các cấp.
Tiếp đó, chủ thể đánh giá cũng được mở rộng, với sự tham gia của cấp trên, cùng cấp và cấp dưới.
* Bên cạnh đối tượng và chủ thể đánh giá; nội dung kiểm điểm, đánh giá cũng cần được quan tâm nhiều hơn?
- Đúng vậy. Theo hướng dẫn mới của Ban Tổ chức Trung ương, nội dung kiểm điểm, đánh giá rất cụ thể. Đối với đảng viên là công chức, viên chức và những người khác hưởng lương từ ngân sách nhà nước, khi kiểm điểm cần đi sâu làm rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao; tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm; ý thức, thái độ phục vụ nhân dân. Quá trình thực hiện phải chú trọng định lượng bằng những sản phẩm cụ thể; có sự so sánh giữa các vị trí tương đương.
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn hướng dẫn việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân.
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, còn phải kiểm điểm sâu sắc nhiều nội dung khác. Đó là kết quả về lãnh đạo, quản lý, điều hành, trách nhiệm của cá nhân trong tham gia cùng tập thể lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; quan hệ phối hợp với cấp ủy và tập thể lãnh đạo, quản lý; việc quy tụ, đoàn kết nội bộ và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Cùng với đó là ý thức đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, người lao động. Đặc biệt là trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.
Thống nhất, đồng bộ, liên thông
* Trên cơ sở đổi mới căn bản đối tượng, chủ thể, nội dung kiểm điểm, đánh giá, xin ông cho biết cách thức thực hiện cần đảm bảo nguyên tắc gì để đạt hiệu quả cao nhất?
“Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân theo quy định mới sẽ công phu và kéo dài. Các cơ quan, cán bộ trực tiếp thực hiện phải nắm vững nguyên tắc, nghiệp vụ. Chúng tôi đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lùi thời gian hoàn thành từ ngày 31.12.2018 sang ngày 1.2.2019”.
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy LÊ MINH TUẤN
- Quá trình thực hiện phải theo trình tự: đánh giá, xếp loại tập thể cấp dưới trước, cấp trên sau; tập thể lãnh đạo, quản lý trước, cá nhân thành viên sau. Đảng viên là công chức, viên chức thực hiện đánh giá chất lượng sau khi có kết quả đánh giá công chức, viên chức. Những người đảm nhiệm nhiều chức vụ công tác, phải kiểm điểm ở nhiều nơi mà có sự khác nhau khi biểu quyết mức chất lượng ở mỗi nơi thì xem xét, lấy mức chất lượng ở các chức vụ đảm nhiệm chính và cao nhất làm cơ sở.
Cấp ủy cấp trên hướng dẫn nội dung kiểm điểm, tiêu chí đánh giá; lượng hóa mức độ đạt được (theo 4 cấp độ: xuất sắc, tốt, trung bình, kém) của từng tiêu chí cụ thể và tiêu chuẩn từng mức chất lượng (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ); hoàn thiện các biểu mẫu, trình tự, thủ tục phù hợp với từng loại hình tổ chức đảng và từng đối tượng đảng viên.
* Như vậy, mức chất lượng “trong sạch vững mạnh” đối với tập thể sẽ được thay bằng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Theo ông, sự thay thế này có ý nghĩa như thế nào?
- Với sự thay thế này, khung tiêu chuẩn chất lượng đã được thống nhất giữa tập thể và cá nhân. Cùng với quy định đánh giá chất lượng công chức, viên chức trước khi đánh giá đảng viên và một số quy định khác sẽ đảm bảo việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại được thống nhất, đồng bộ và liên thông trong cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Vì mục tiêu này, tới đây, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)