Học Bác để tận tâm với sự nghiệp “trồng người”
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực với những tấm gương điển hình.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn trao Giấy khen cho các cá nhân.
Những “bông hoa” tỏa hương
Là giáo viên Giáo dục quốc phòng - an ninh, nhưng thầy Huỳnh Hiếu ở Trường THPT Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) lại “nổi tiếng” là người “đa-zi-năng”: Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội LHTN trường, Trưởng ban văn thể trường, Chủ tịch Hội CTĐ trường… Thể thao hay, văn nghệ giỏi, năng nổ, nhiệt tình và sáng tạo, “trận” nào thầy cũng có mặt, giúp cho trường đạt nhiều giải cao trong các hội thi. Năm 2017, thầy Hiếu được Tỉnh đoàn tuyên dương là giáo viên trẻ tiêu biểu.
Với học sinh, thầy Hiếu nghiêm khắc nhưng chân tình, gần gũi. “Học Bác, tôi luôn cố gắng tìm cách giải quyết công việc thấu tình đạt lý; luôn đặt quyền lợi chính đáng của tập thể và học sinh lên hàng đầu, và tương lai của các em chính là cơ sở trong giao tiếp, ứng xử”, thầy tâm sự.
Thầy giáo Huỳnh Hiếu là 1 trong 79 cán bộ, giáo viên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Sở GD&ĐT biểu dương ngày 15.10. Mỗi người là một câu chuyện sinh động về việc học và làm theo Bác để hoàn thiện bản thân, vững vàng trên từng lĩnh vực công tác.
Thầy giáo Ngô Đình Tấn (Trường THCS Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) cho rằng, Bác Hồ sống rất giản dị, chân tình; việc học tập và làm theo Người rất khó khăn, bởi học thì được nhưng làm theo thì không dễ chút nào. “Học Bác, tôi tâm đắc nhất lời dạy “Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì chúng ta mới thành công được”. Khi tiếp xúc với phụ huynh, tôi luôn thể hiện sự tôn trọng, gần gũi, tạo niềm tin; với đồng nghiệp phải luôn hòa nhã, vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau nhằm xây dựng tập thể đoàn kết”, thầy Tấn tâm sự.
Còn cô giáo Lê Thị Hiển (Trường THPT An Lão, huyện An Lão) cho hay, học theo tinh thần tiết kiệm của Bác, cũng là để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhà trường luôn khuyến khích, động viên giáo viên tự làm các đồ dùng học tập, tận dụng những đồ vật bỏ đi để sáng tạo tranh, ảnh, mô hình phục vụ cho công tác giảng dạy. “Nhờ vậy, những giờ lên lớp luôn cuốn hút học sinh và các em học tập tốt hơn”, cô Hiển nhận định. Từ phong trào thi đua làm đồ dạy học, cô Lê Thị Hiển đã đạt giải A cấp trường cuộc thi đồ dùng dạy học với mô hình “Sơ đồ cơ chế giảm phân”, giải B với mô hình “Cấu trúc tế bào, cấu trúc màng sinh chất và cấu trúc virut HIV”.
Thầy giáo Huỳnh Hiếu (trái) trong một tiết mục văn nghệ nhân dịp khai giảng năm học 2018 - 2019 của Trường THPT Tam Quan.
Lan tỏa sâu rộng
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển, trong 2 năm qua, tất cả các trường học trong tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sau khi được quán triệt, mỗi cá nhân làm bản cam kết thực hiện gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, có các biện pháp rèn luyện phấn đấu, cam kết có bước đột phá, đổi mới phong cách, tác phong công tác và lề lối làm việc.
“Đáng chú ý là lãnh đạo các trường học trong tỉnh đã chỉ đạo bộ phận thư viện có kế hoạch hoàn thiện tủ sách về Bác Hồ. Sách được xếp ở vị trí thuận lợi để dễ tiếp cận, sử dụng. Hằng tuần, trong các tiết chào cờ, sinh hoạt lớp, trường giới thiệu các tác phẩm viết về cuộc đời, sự nghiệp, các mẩu chuyện về Bác Hồ để giáo viên, học sinh đến thư viện đọc hoặc mượn về đọc”, bà Điển cho hay.
Trong khi đó, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Giờ đánh giá cao việc Sở GD&ĐT đã kịp thời xây dựng kế hoạch đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Đồng thời, chỉ đạo các trường phổ thông triển khai lồng ghép những mẩu chuyện, các bài học về đạo đức, phong cách của Bác dành cho học sinh trong hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Đội, các buổi chào cờ đầu tuần, phát thanh giữa giờ… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục và rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
“Tới đây, ngành cần lựa chọn những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong ngành Giáo dục mà nhân dân quan tâm như dạy thêm học thêm sai quy định, lạm thu, vi phạm đạo đức nhà giáo… để tập trung xây dựng kế hoạch khắc phục gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành”, ông Giờ nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn khẳng định, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến là gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, giữ gìn đạo đức nhà giáo. “Đặc biệt, phải kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, hình thức. Chú trọng công tác phát triển, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến”, ông Tuấn nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG