Về địa danh “Diêu Trì”
“Diêu Trì” là một địa danh quen thuộc với không chỉ người Bình Định mà còn với người ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, về ý nghĩa của địa danh này, không phải ai cũng rõ.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tên gọi “Diêu Trì” là biến thể của “Dao Trì”. Chúng tôi cũng thống nhất với nhận định trên dựa vào hai cơ sở sau:
Một là, về cơ sở ngữ âm học. Như đã biết, mối quan hệ giữa hai khuôn vần /-ao/ và /-iêu/ là mối quan hệ lịch sử. Giữa chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau. Chẳng hạn, ta có: háo [thắng] -> hiếu [thắng]; trào [đình] -> triều [đình]; [sai] bảo -> [sai] biểu; đào [lộn hột] -> điều… Do đó, dao [trì] hoàn toàn có thể chuyển hóa thành diêu [trì].
Hai là, về nguyên tắc định danh. Như đã biết, khi đặt tên cho một địa danh, người ta thường tuân thủ theo nguyên tắc dùng mỹ tự mang những hàm nghĩa tốt đẹp. Mỹ tự này thường có nguồn gốc trong kinh sách hoặc là sự kết hợp của các từ Hán Việt có sắc thải biểu cảm dương tính để nói lên ước mong tốt đẹp của người đặt tên đối với vùng đất được đặt tên. Nguyên tắc này rất tiêu biểu đối với địa danh Hán Việt ở Bình Định ta (mà chúng tôi đã từng nhắc đến trong một số bài viết trước đây). Trong thời phong kiến, nguyên tắc định danh này lại càng được tuân thủ triệt để.
Địa danh “Diêu Trì”, tức “Dao Trì”, tiêu biểu cho nguyên tắc này. “Dao Trì” là một địa danh văn hóa (tồn tại trong văn hóa). Nó có nghĩa là “ao ngọc dao” (trì: ao; dao: tên một loại ngọc). Trong thần thoại Trung Hoa, trên cung điện của Tây Vương Mẫu có hai “hạng mục” rất đẹp. Đó là “Thúy Thủy” (dòng suối xanh biếc) ở bên phải và “Dao Trì” (ao bằng ngọc dao) ở bên trái. Cho nên, Tây Vương Mẫu còn được gọi là “Diêu Trì Kim Mẫu” (tức Kim Mẫu ở điện có ao Dao Trì).
Khi đi vào văn chương, “Dao Trì” từ nghĩa chỉ một cảnh đẹp cụ thể dần chuyển sang mang nghĩa hoán dụ chỉ cảnh đẹp thần tiên nói chung (cũng như điển Bồng Lai, Thiên Thai). Phạm Thái trong truyện thơ Sơ kính tân trang cũng dùng điển này với hàm nghĩa trên, trong câu: “Mười lăm năm nhẫn tháng ngày / Dao Trì lại được sánh bầy thiên tiên”.
Như vậy, địa danh “Diêu Trì” là do “Dao Trì” biến âm mà thành. Và đúng như Lê Trung Hoa nhận định: “Cách đặt địa danh Diêu Trì […] phản ánh ước mơ quê hương mình đẹp như cõi tiên của cư dân Bình Định” (báo Sài Gòn Giải Phóng online ngày 27.6.2006).
ThS. PHẠM TUẤN VŨ